Hủ tiếu Mỹ Tho

27/11/2007 21:30 GMT+7

Cái ngon của hủ tiếu Mỹ Tho nổi trội hơn hết và góp phần làm nên danh phận của một miền đất xứ Nam kỳ lục tỉnh.

Người ta nói rằng hủ tiếu Mỹ Tho có tiếng như vậy là nhờ sợi bánh được làm bằng gạo Gò Cát. Đặc sản này được trồng trên vùng lúa thơm của xã Mỹ Phong, ngoại thành Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Nó nổi tiếng khắp nơi từ gần nửa thế kỷ nay, cũng như gạo Nàng thơm, gạo chợ Đào... Nổi tiếng đến nỗi khi nó được làm thành bột thì người dân miền Tây Nam Bộ gọi là "bột lọc". Loại bột này được dùng làm các thứ bánh nghệ, bánh bò, bánh canh, bánh thuẫn, bánh kẹp, bánh lọt, bánh giò, bánh bò nướng, làm bún... Sợi bánh khi trụng sơ có độ khô dai vừa phải, ngấm mỡ hành phi của nước lèo trở nên trong bóng, bắt mắt.

Thời hoàng kim, hủ tiếu Mỹ Tho có con tôm chẻ đôi "làm mặt". Cái màu tôm ửng đỏ lôi cuốn, mời gọi khách mau mau cầm đũa. Ngoài nạc, tim, gan, phèo, phổi heo được xắt miếng dày còn có nạc heo băm có lẫn chút mỡ beo béo. Lại nữa còn có miếng chả tép chiên giòn ăn lạ miệng. Khi ăn, hủ tiếu Mỹ Tho không kèm xà lách, rau ghém mà chỉ đơn thuần dùng giá sống, chanh ớt và nước tương. (Ngày nay, hủ tiếu Mỹ Tho ăn kèm với một ít lá xà lách, có lẽ chiều theo khẩu vị của khách hàng!).

Cái ngon của hủ tiếu Mỹ Tho còn được sự góp sức của nước lèo. Đó là nồi nước hầm thật lâu với xương ống, khô mực nướng cùng một số nguyên liệu, gia vị đặc trưng của "bổn tiệm", được hớt bọt liền tay nên nước trong văn vắt tỏa mùi thơm điếc mũi. Nước lèo này còn được sự trợ giúp đắc lực của "tăng xại" (cải xắt nhỏ ướp gia vị phơi hơi khô) tạo nên hương vị đặc biệt. Nặn chút nước cốt chanh tươi, cho thêm vài lát ớt sừng trâu, trộn đều, đã có tô hủ tiếu như ý. Nhờ vậy mà hủ tiếu Mỹ Tho đã làm "quến" chân các thực khách xa gần. Món ngon danh trấn là vậy !

Bài, ảnh: Phương Kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.