Sự kỳ thú của một số thức ăn màu đen

15/11/2008 14:39 GMT+7

Dưới đây là một số thực phẩm màu đen có những công dụng tốt cho sức khỏe. Tính tốt của thực phẩm màu đen

Thực phẩm màu đen có rất nhiều chủng loại. Chẳng hạn với động vật thì có gà ác, cá trắm đen, ba ba...; với thực vật thì có gạo ngự (gạo đen), đậu đen, đông cô (nấm hương), tảo đen, tóc tiên, nấm mèo đen, táo đen, đậu xị (đậu đen chế muối)... Người ta ghi nhận, thực phẩm màu đen giàu chất dinh dưỡng. Hàm lượng protid trong các thức ăn động, thực vật màu đen rất dồi dào, hàm lượng chất béo trong thức ăn thực vật màu đen cũng cao hơn, chủ yếu là gồm nhiều acid béo không bão hòa, giúp bổ dưỡng tế bào não, dự phòng cholesterol tích tụ. Chúng còn chứa nhiều vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B2 (là loại dễ bị thiếu hụt trong cấu kết bữa ăn của chúng ta như hiện nay). Ngoài ra, phần lớn thức ăn màu đen có ưu điểm là chứa Ca, P với tỷ lệ hợp lý, chẳng hạn thường dùng những thức ăn như nấm mèo đen, tóc tiên, tảo đen, cá trắm đen... giúp ích cho việc điều chỉnh sự mất cân bằng tỷ lệ giữa Ca và P trong các bữa ăn.

Một số thức ăn màu đen quen thuộc

 

Gà ác-  Ảnh: B.Cẩm 

Thức ăn màu đen không chỉ có giá trị dinh dưỡng, hơn nữa còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe. Thường ăn những thức ăn màu đen có công hiệu ích khí hoạt huyết, tư âm dưỡng huyết, bổ tỳ kiện vị (nói chung có công hiệu bồi bổ cơ thể, kiện toàn chức năng tiêu hóa) có thể đạt mục đích dự phòng và chống lão hóa. Chẳng hạn, gà ác đen, là vật phẩm quý trong gia cầm. Khác với các loại gà khác, gà ác có hàm lượng protid, vitamin B2, PP, E, P, Fe, K cao, bên cạnh hàm lượng cholesterol và chất béo lại rất ít. Về mặt dinh dưỡng, gà ác luôn có giá trị cao hơn so với các loại gà khác, khi ăn cũng tạo cảm giác ngon miệng. Theo y học cổ truyền, gà ác có công hiệu dưỡng âm thoái nhiệt, bổ ích can thận, do vậy là vật phẩm tốt để tẩm bổ cho cơ thể trong tình trạng suy nhược lâu ngày. Thường ăn gà ác, giúp nâng cao chức năng sinh lý, tăng sức chịu nhiệt, chịu lạnh, chịu mỏi, chịu thiếu oxy của cơ thể, nâng sức miễn dịch, trì hoãn lão hóa, nó cũng đạt công hiệu thấy rõ với việc dự phòng chứng loãng xương, thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ...

 

Rong biển -  Ảnh: B.Cẩm

Đậu đen chứa protid rất nhiều, chứa nhiều acid béo không bão hòa, Ca, P, Fe, vitamin nhóm B... Đậu đen có 3 chức năng gồm, bổ thận, điều trị đau lưng thận suy, mỏi gối và phù thũng; bổ ích cơ da, dùng đậu đen lâu ngày giúp cho làn da trắng mịn; thứ ba là giải độc do thuốc, có thể dùng chung với đậu xanh, đậu đỏ, cam thảo... Đậu đen dùng nấu chè, canh, hầm, ngâm rượu. Nấm hương (đông cô) thì chứa nhiều loại vitamin, chất khoáng, nhiều acid amino và giàu chất xơ. Còn có thể dự phòng các bệnh như tăng huyết áp, cao mỡ máu, bệnh mạch vành, béo phì, tiểu đường. Nấm mèo đen ngoài các chất protid, glucid, lipid ra, còn chứa nhiều chất khoáng Ca, P, Fe và nhiều vitamin như, vitamin B1, B2, PP..., nhất là hàm lượng sắt càng phong phú, đứng đầu các thức ăn có chứa sắt, dự phòng thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ra, nấm mèo đen còn là thức ăn chứa chất keo. Chất keo với sức bám hút mạnh, bài trừ các chất độc hại trong đường ruột, làm sạch đường tiêu hóa, nấm mèo đen còn có tác dụng chống đông máu, từ đó giúp ích cho người bệnh mạch vành và tim, bệnh mạch máu tim, não.

Tảo đen, rong biển thì chứa rất nhiều I-ốt, Ca, Mg, Fe, có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, thanh huyết nhiệt, giảm áp, điều trị phì đại tuyến giáp trạng. Gạo đen (gạo ngự) chứa các chất protid và acid amino cần thiết, xơ, vitamin B1, B2, K, Zn, Fe cao hơn so với gạo trắng. Ăn nhiều gạo ngự giúp bổ vị ấm can, tư âm bổ thận, sáng mắt, hoạt huyết, bổ ích cho phụ nữ mang thai. Do gạo ngự chứa xơ nhiều hơn, tinh bột tiêu hóa chậm hơn, vì thế, ăn gạo ngự sẽ không làm tăng đường huyết nhanh như gạo trắng (tốt cho người bệnh tiểu đường).  

 Lương y Bàng Cẩm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.