Chương trình phân ban: Mỗi cấp làm một kiểu!

13/11/2007 13:20 GMT+7

Chương trình phân ban mới sau một năm triển khai đại trà ở lớp 10 đã bộc lộ một số hạn chế.

Nội dung quá tải

Viện Nghiên cứu giáo dục (trường ĐH Sư phạm TP.HCM) vừa tổ chức hội thảo về chương trình phân ban lớp 10, trong đó vấën đề nội dung học tập quá tải đã được các đại biểu tham dự hội thảo đặc biệt quan tâm. Tuy đã có một số điều chỉnh so với nội dung chương trình thí điểm trước đây, nhưng nhiều giáo viên cho rằng tình trạng quá tải của chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 10 vẫn còn khá nặng nề.

Theo bà Từ Thị Lan (giáo viên trường THPT Thủ Đức, TP.HCM), nội dung SGK lớp 10 phân ban thực sự quá tải, nặng nề khiến người dạy không đủ thời gian đầu tư, nghiên cứu; người học thì không kịp tiếp thu đủ lượng kiến thức trên lớp. Thạc sĩ Phạm Phúc Vĩnh (giảng viên trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp) nói: "Trong khi thời gian để thực hiện chương trình có hạn thì nội dung kiến thức của SGK lớp 10 phân ban còn dài, nhiều chỗ nặng nề, hàn lâm, vượt quá khả năng nhận thức của nhiều đối tượng học sinh", Ông Trần Đức Lân (Sở GD-ĐT TP.HCM) đồng tình: "SGK chương trình phân ban có khối lượng kiến thức quá nhiều trong từng bài, giáo viên không thể sử dụng phương pháp dạy - học mới".

Đại diện tổ Tiếng Anh trường Trung học thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) phản ánh ý kiến của tổ: "Phân phối chương trình không hợp lý và giáo viên không đủ thời gian để đáp ứng đầy đủ yêu cầu được nêu ra ở sách hướng dẫn. Chương trình Tiếng Anh lớp 10 (ban cơ bản) nên giảm 2 Unit và tăng 2 tiết cho mỗi Unit để giáo viên có thời gian sửa bài viết của học sinh, đưa ra nhận xét điểm yếu và mạnh kỹ năng nói của học sinh và củng cố sau mỗi Unit". Ông Nguyễn Phước Bửu Tuấn (Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng, Huế) nhận xét: "Ta mới đổi mới về nội dung chương trình nhưng quan trọng nhất là thi cử. Bộ nói "học gì, thi nấy", nhưng dân thì lại nói "thi gì, học nấy" vì kết quả của kỳ thi mới là quyền lợi sát sườn của phụ huynh và học sinh".

Không dựa vào sách giáo khoa

Phó vụ trưởng Vụ THPT (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Hải Châu:

Bỏ cụm từ "đề thi nằm trọn trong sách giáo khoa"

“Một số giáo viên cho là khối lượng kiến thức chương trình phân ban quá nhiều, tôi cho rằng chưa đúng. Cái chính là chúng ta chưa làm cho từng giáo viên nắm sâu được chương trình, trong đó có ghi rất rõ yêu cầu của chuẩn kiến thức là yêu cầu tối thiểu mà học sinh phải đạt được và có thể đạt được. Vậy thì giáo viên phải dạy phù hợp với từng đối tượng; chẳng hạn đối với học sinh yếu thì chỉ cần dạy cái yêu cầu tối thiểu ấy, chứ không phải "tung" hết tất cả những gì có trong SGK.

Ngay sau hội thảo này, Vụ THPT sẽ yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục mời các tổng chủ biên SGK để xem xét toàn bộ những góp ý chi tiết của giáo viên và có điều chỉnh kịp thời. Theo quy chế mới, sẽ không còn cụm từ "đề thi nằm trọn trong SGK" mà sẽ là "đề thi bám sát chương trình, chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng yêu cầu thái độ trong chương trình giáo dục phổ thông". Phải hiểu rằng SGK chỉ là minh họa cụ thể của chương trình mà thôi".

Tất cả những bức xúc trên có thể xuất phát từ việc triển khai không đồng bộ từ các cấp quản lý (bộ đến sở, hiệu trưởng đến giáo viên...); việc ra đề thi quá bám sát vào nội dung kiến thức trong SGK cũng là một nguyên nhân tạo áp lực lên người dạy và người học.

Tại hội thảo, ông Huỳnh Minh Cảnh (chuyên viên Phòng THPT phổ thông, Sở GD-ĐT Tiền Giang) nêu một thực trạng: "Đề thi của Bộ ra ngay kiến thức trong SGK, so đáp án của Bộ mà thiếu một gạch đầu dòng là có thể mất 0,25 điểm. Vì vậy giáo viên thực dạy nào cũng ngại bỏ sót chi tiết trong SGK, mà "tải" hết các nội dung này thì đúng là... quá tải!", ông đặt câu hỏi: "Phải chăng có sự mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới về chương trình của Bộ và nội dung dạy-học theo SGK?".

Để giải quyết mâu thuẫn trên, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng (Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đề nghị phải nhanh chóng tổ chức đánh giá chương trình đang triển khai, chỉnh sửa theo hướng như các nước tiên tiến: khi ban hành chương trình khung; SGK vẫn là một trong những tài liệu giảng dạy. Nhưng quan trọng nhất là chính giáo viên các trường phải được trao quyền chủ động xây dựng nội dung các bài học cụ thể để đáp ứng yêu cầu mà chương trình đặt ra. Do vậy, các trường sư phạm phải sớm đưa bộ môn "Xây dựng chương trình" vào chương trình học của sinh viên và đưa nội dung này vào kế hoạch bồi dưỡng giáo viên.

Cuối buổi hội thảo, hầu như ai cũng đồng tình với đề nghị của ông Võ Thành Long (Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT An Giang) về việc Bộ GD-ĐT cần tổ chức một số hình thức nào đó thật rộng rãi, vượt qua được những "cửa ngõ hành chính nặng nề" (như phổ biến chuyên mục "chương trình phân ban" trên trang web của Bộ, trao đổi giao lưu...) để giúp cán bộ chuyên môn và giáo viên tiếp nhận trực tiếp những chỉ đạo chính xác.

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.