Hội thảo về giáo dục phổ thông: Chương trình phân ban lại bị chỉ trích

10/11/2006 22:25 GMT+7

Trong công cuộc đổi mới giáo dục, việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống giáo dục phổ thông (PT) chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, cuộc hội thảo với tên gọi "Về một số chủ trương lớn trong giáo dục PT ở nước ta hiện nay" do Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục (KH-GD) tổ chức ngày 10.11 đã nhận được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo dục tên tuổi.

Theo ông Phan Đình Diệu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về KH-GD của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giáo dục PT hiện nay còn tồn tại 3 vấn đề quan trọng: Thứ nhất là chương trình GDPT còn nặng về các chi tiết, các tri thức cụ thể, thiếu chất liên kết có tính tổng hợp. Tính hiện đại và tính truyền thống dân tộc trong hệ thống kiến thức của chương trình còn rất mờ nhạt... Thứ hai là vấn đề SGK: hệ thống SGK đã được soạn thảo, xuất bản và sử dụng đại trà từ năm học 2006-2007. Bên cạnh những lời khen về sự đổi mới của cuốn sách này, cuốn sách kia, thì cũng có không ít lời chê về chất lượng sách. Dư luận xã hội thời gian gần đây đặc biệt quan tâm đến vấn đề độc quyền trong việc làm SGK. Đã đến lúc cần phải tìm giải pháp thỏa đáng chấm dứt tình trạng độc quyền đó. Vấn đề "nóng" thứ ba là phân ban. Việc áp dụng đại trà có tính chất bắt buộc đã gây nên tình trạng xáo trộn và hoang mang ở nhiều địa phương đầu năm học này. Câu hỏi một lần nữa được đặt ra là: có nhất thiết nền giáo dục nước ta phải được phân ban ở cấp THPT hay không? Đây là 3 vấn đề lớn mà cá nhân ông Diệu cũng như Hội đồng tư vấn về KH-GD mong muốn nhận được những câu trả lời có sức nặng từ phía các nhà khoa học đầu ngành.

Với bản tham luận có tựa đề "Giải pháp cho mấy vấn đề nóng của giáo dục", GS Hoàng Tụy phân tích: Chương trình phân ban là vấn đề nhùng nhằng hơn 10 năm nay của Bộ GD-ĐT. Bản thân GS Hoàng Tụy đã nhiều lần đề nghị dừng chủ trương phân ban, nhưng chương trình THPT chính thức vẫn theo phương án chia 3 ban cứng nhắc. Tính cứng nhắc bất lợi của 2 ban KHTN và KHXH đã buộc học sinh phải học nâng cao tất cả các môn của ban đó. Và sở dĩ vẫn còn tồn tại 2 ban này vì SGK 2 ban này đã biên soạn và đã... in sẵn cả rồi, nếu xóa 2 ban này thì chẳng qua "bỏ thì thương mà vương thì tội"!

GS Hoàng Xuân Hãn cũng là một trong những người "kêu gọi" bỏ chương trình phân ban ở giáo dục PT: "Sau chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 1.9.1998 xem xét lại chương trình phân ban, Luật Giáo dục sau đó cũng dừng phân ban. Năm 2000, vấn đề phân ban lại được "khơi" lại. Luật Giáo dục sửa đổi cũng không hề đề cập đến phân ban, vậy việc triển khai chương trình đại trà phân ban có hợp pháp ? Hiện nay, trong số 5 nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức chỉ có mỗi Pháp còn thực hiện phân ban. Nếu chúng ta đi theo xu hướng thế giới thì phải xem có nên tiếp tục tiến hành phân ban hay không?".

Thực trạng của GD-ĐT từ sau báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho đến nay như thế nào? Tại sao bao nhiêu quan tâm, bao nhiêu cố gắng về vật chất và tinh thần như thế của toàn Đảng, toàn dân không đi đến đâu? Hình như bị phê bình từ bốn phía, ngành GD-ĐT đã trở nên trơ lỳ, vô cảm, không còn đủ sức tiếp thu nữa, cũng không biết đâu mà sửa chữa khuyết điểm. Tìm lối thoát như mớ bòng bong ngày càng rối rắm thêm. Điều quan trọng là cần tập trung nhận ra vấn đề nào là then chốt nhất, cần được tháo gỡ đầu tiên để khai thông các vấn đề khác.

GS Trần Thanh Đạm

GS Nguyễn Cảnh Toàn cũng tán đồng quan điểm: "Tôi chưa bao giờ tán thành phân ban cả. Xu thế của thế giới hiện nay là học trên lớp càng ít, và học ngoài đời tăng lên. Do đó học nội khóa phải hết sức tinh, hàng chục năm cũng không thể "lão hóa" được, chứ hôm nay thay, mai thay sách, lãng phí vô cùng khi chúng ta còn quá nghèo". Về vấn đề SGK, GS Nguyễn Cảnh Toàn khẳng định: không nên coi SGK là pháp lệnh, vì nó sẽ bó tính năng động, sáng tạo của người thầy. Không thể bắt SGK theo chương trình, mà chương trình và SGK phải ăn khớp với nhau. Cách làm SGK theo kiểu cuốn chiếu như cách làm hiện nay là không hợp lý.

Trả lời những ý kiến phản đối độc quyền SGK, ông Nguyễn Xuân Hòa - đại diện NXB Giáo dục cho biết: Mỗi năm NXB Giáo dục đăng ký hơn 200 đầu sách, trong đó SGK chiếm khoảng 35%. Cũng theo ông Hòa thì thực tế không lãng phí hàng tỉ đồng như báo chí nêu, tỷ lệ tồn kho dưới 1%. Ông Hòa khẳng định NXB đã có chủ trương phá độc quyền ngay từ khâu biên soạn, biên tập SGK; NXB Giáo dục sẵn sàng tham gia cuộc chơi bình đẳng với các NXB khác. Tuy nhiên, nếu các NXB muốn tham gia "sân chơi" làm SGK thì phải thay đổi chức năng, nhiệm vụ và chức năng kinh doanh. Đáng tiếc là cả 3 vấn đề nóng của GDPT mà GS Phan Đình Diệu đưa ra, đặc biệt là các giải pháp phá độc quyền SGK mà dư luận đang hết sức quan tâm, lại chưa được đưa ra một cách thấu đáo, nếu như không nói là còn bị... bỏ lửng !

T.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.