Gốm đã nung thế đấy

17/11/2008 11:41 GMT+7

Thành cho tôi xem hai bức tượng đất nung có tên "Tự hoạ" của cậu. Kỳ lạ là cả hai bức tượng chân dung ấy trông giống hệt gương mặt người nặn ra nó - một cậu bé chưa bao giờ nhìn thấy mặt mình, cũng như không bao giờ được nhìn thấy những tác phẩm ấy của mình...

"Khó nhất là biết miệng mình dày hay mỏng"

Tôi gặp "nghệ sĩ điêu khắc" nhí này ở một lớp học đặc biệt: Lớp dạy làm gốm cho học sinh khiếm thị tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội)*, vừa được khai giảng hôm 11.11 vừa rồi. Một lớp học nhỏ, tưởng như không có nhiều chuyện để nói, khi mà chuyện trẻ khiếm thính, khiếm thị chơi nhạc, vẽ tranh... từ lâu đã không còn là chuyện lạ. Tôi chỉ thấy lạ, khi ngồi nhìn Thành nặn bức tượng đất nung mà sau đó quả nhiên Thành đặt tên nó là "Tự hoạ".

Một thao tác nặn tượng chưa từng thấy ở nhà điêu khắc nào: Một tay cầm đất, một tay chốc chốc lại quờ lên mặt mình, lần hồi từng hốc mắt, sống mũi, khoé miệng... Lơ mơ loạng quạng thế thôi mà mỗi một đường nét trên mặt tượng hiện ra, bức chân dung tự hoạ người nặn nó lại càng trở nên rõ nét và sống động. "Tự hoạ" mình, Thành làm hẳn hai bức. Một bức tên "Mặt vui", bức còn lại tên "Mặt buồn". Thành bảo: "Nặn mặt vui khó hơn nặn mặt buồn. Vì khi cái mồm mình cười, rất khó biết mồm mình dày hay mỏng...". Thành bị bệnh tim từ bé, cũng vì bệnh tim mà dẫn đến hỏng mắt. Thành nói, vì vậy mà bên cạnh chân dung, em còn thích nặn tượng phong cảnh, mà nhất là cảnh chùa chiền. "Vì nặn những thứ đó, em tự dưng thấy dễ thở..." - Thành bảo.

Không chỉ Thành mà cả Mai cùng nhiều "nhà điêu khắc" trong lớp làm gốm khiếm thị ấy thích nặn tượng mái đao, ngọn tháp... Mai nặn được một bức tượng hình tháp, khiến thầy giáo hướng dẫn, hoạ sĩ Đỗ Quốc Vị sững người: "Quá hay về mặt cấu trúc! Cả một chuỗi thẳng vút lên, tự dưng lõm xuống một cái hốc đen tròn và phụ cận, là những cái mấu tháp nhọn hoắt. Nếu là mình, có khi mình chỉ biết chuốt thẳng một lèo, chứ không cảm thấy được: Đến đâu là cần phải có một lỗ thủng không gian như thế, những cái mấu bắt vít vào thời gian như thế...".

 

"Nghệ sĩ gốm" Bùi Thế Thành với hai tác phẩm "tự hoạ".

"Lại vẫn là câu chuyện lạ kỳ về linh giác ở những người khuyết tật! (Giới hoạ sĩ gọi "linh giác" này là "con mắt sau gáy" - T.A) - ông Vị nói - ở những người khiếm thị, linh giác ấy lại càng đặc biệt. Nếu như người khiếm thính khi ngồi vẽ có cái "kim chỉ nam" của "thiền định": Không nghe, không nhiễu..., thì người khiếm thị khi nặn tượng cũng được trời phú cho khoảnh khắc vàng đó của trạng thái "thiền định". Giống như khi ta nhắm mắt lại, sẽ lập tức cảm thấy nhìn được rộng hơn, sâu hơn, không còn bị bó hẹp trong bốn bức tường và trí tưởng tưởng nhờ đó được tung hê, giải thoát...".

Ông Vị không đồng ý với so sánh: Những tác phẩm đất nung của những cô cậu học trò khiếm thị của ông với những chú tò he dân gian. Vì ông cho rằng: "Tò he được tạo ra từ những dập khuôn, lối mòn, còn những tác phẩm của các em dù còn ngây ngô vụng dại thì vẫn là được sáng tạo nên trong trạng thái đích thực của người nghệ sĩ: Là duy nhất, đầu tiên, không lặp lại". "Và hẳn cũng là nghệ sĩ, trong sự "hy sinh" vì nghệ thuật của người sáng tạo: Những người làm ra tác phẩm lại là những người không bao giờ được nhìn thấy "đứa con tinh thần" ấy của mình" - hoạ sĩ Đào Ngọc Huỳnh nói.

Lòng nhân - "gốm quý" không nung bằng lửa

Chỉ là một lớp học nhỏ, nhưng để có được nó, có người đã đi suốt một chặng đường 10 năm trời từ đất nước Thụy Điển xa xôi. Đó là bà Elisabeth Persson - một nghệ sĩ gốm hiện sống độc thân tại một thị trấn nhỏ phía nam Thụy Điển. Năm 1997, lần đầu tiên bà đến VN, trong một chương trình hợp tác cùng Hội Mỹ thuật VN. Giữa những lần qua lại để tổ chức triển lãm giao lưu giữa hai bên và nghiên cứu nghệ thuật gốm, bà đã đến thăm làng gốm Bát Tràng. "Tại đây, do không may gặp phải một tai nạn lò nung, bà đã suýt bị hỏng mắt" - hoạ sĩ Thẩm Đức Tụ, một cộng sự VN thân thiết của bà nhớ lại.

"Đã từ lâu, tôi luôn tự hỏi: Nếu không có thị giác thì con người tiếp cận với nghệ thuật thế nào? - Bà Elisabeth nói - cho đến khi, được đi xem triển lãm của hoạ sĩ Lê Duy Ứng - người nổi tiếng với bức chân dung Bác Hồ vẽ bằng máu khi hai mắt đã bị mù. Tôi chợt nhận ra mình thích những tác phẩm của hoạ sĩ sáng tác sau khi mất thị lực hơn là trước đó và hiểu rằng: Người nghệ sĩ dẫu mất đi đôi mắt, vẫn có thể mở ra một cánh cửa khác, để cảm nhận thế giới, có khi còn vẹn đầy hơn những người bình thường khác".

Từ cơ duyên đồng cảm ấy, mà trong suốt 10 năm qua, bà Elisabeth đã 16 lần sang VN, cho một dự án mà bà hết lòng theo đuổi: Đưa nghệ thuật đến với trẻ em khiếm thị VN - một công việc không chỉ đòi hỏi nhiệt huyết, thời gian, mà còn cần nguồn lực tài chính. Công việc giảng dạy nghệ thuật tại Thụy Điển không đủ để bà dốc tiền túi theo đuổi dự án. Thế là năm 2000, khi cha bà qua đời, bà đã quyết định dùng toàn bộ số tiền thừa kế để thực hiện dự án: Xây dựng tại Trường Nguyễn Đình Chiểu một trường nghệ thuật thu nhỏ, một thư viện máy tính cho các em, đưa tranh của các em đi triển lãm tại Thụy Điển. Tháng 5.2005, bà tổ chức một đoàn 7 học sinh khiếm thị sang Thụy Điển giao lưu và được Hoàng hậu Thụy Điển đón tiếp tại hoàng cung. Trong hơn một giờ đồng hồ, các em đã biểu diễn văn nghệ và tặng hoàng hậu các bức tranh của mình.

 

Các em thiếu nhi đang nặn trái tim theo trí tưởng tượng của mình.

"Cũng vì cái "tội" "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" ấy mà bà ấy thậm chí đã phải đánh đổi cả hạnh phúc gia đình" - hoạ sĩ Thẩm Đức Tụ kể. "Hoá ra ở nước nào cũng vậy, cứ phàm là đàn bà tuổi Tuất thì đều vất vả vì toàn tự "đeo nợ" vào thân!" - ông Tụ lắc đầu thương bà bạn già. Cô học trò Mai thì thương bà bằng một ý tưởng khác: Em muốn nặn tượng bà. Nhưng em nói, em lo là mình không làm nổi, vì em đoán chắc là bà đẹp lắm.

Cảm động trước tấm lòng đó của bà, nhiều cá nhân, tổ chức tại Đức và Thụy Điển (DED, LION CLUB...) cùng nhiều hoạ sĩ, nghệ sĩ tạo hình VN như: Thẩm Đức Tụ, Đỗ Quốc Vị, Nguyễn Tường Linh, Đào Ngọc Huỳnh (hoạ sĩ Báo Lao Động) đã cùng chung tay góp sức. Những bức tượng gốm (đúng hơn là đất nung) của các em nhìn thì đơn giản thô sơ, nhưng để giúp các "nhà điêu khắc" khiếm thị chạm được vào nghệ thuật và đánh thức được "linh giác", các họa sĩ đã phải mất hai năm ròng đứng lớp để truyền cho các em kỹ năng nặn tượng cũng như niềm hứng cảm.

Bài học vỡ lòng về trái tim

Dạy học trò một kỹ năng mà chính các em lúc đầu cũng không tin là mình sẽ làm nổi, bà Elisabeth đã bắt đầu bằng một đề bài đơn giản: Mỗi em hãy nặn một hình trái tim theo tưởng tượng của mình và việc cần làm sau đó là hãy tìm một chỗ để đặt nó lên. Những lóng ngóng lúc đầu dần được thay thế bằng những sáng kiến: Có em thả trái tim của mình lên một chiếc thuyền với mong muốn trái tim sẽ cập được bến, em thì nâng trái tim bằng một chiếc lá vì muốn trái tim mãi tươi xanh, em thì đặt trái tim lên một đôi guốc vì muốn trái tim đến được khắp muôn nơi... Riêng Mai lại bướng bỉnh bắt trái tim của mình đứng yên một chỗ ở vị trí ban đầu của nó: Ngực trái. "Vì chỉ ở đó, trái tim mới luôn không ngừng đập và luôn nóng bỏng yêu thương" - em nói.

Chúng tôi vì vậy khuyên Mai là nếu muốn nặn tượng bà Elisabeth, cứ gì phải nặn gương mặt đẹp mà em chưa bao giờ được nhìn thấy, sao không thử nặn chính trái tim mà em luôn cảm thấy? "Tôi vẫn tin với trẻ khiếm thị, điêu khắc, mà phương tiện là những đôi bàn tay đầy mẫn cảm sẽ là ngôn ngữ gần gũi nhất, hơn là hội hoạ. Bởi tranh thì thể hiện trên không gian hai chiều, tranh "làm khó" ta hơn trong tưởng tượng, còn điêu khắc thì thể hiện trên không gian ba chiều và tạo điều kiện nhiều hơn cho trực cảm" - bà Elisabeth nói.

"Và cái chính là khát vọng - hoạ sĩ Đỗ Quốc Vị tiếp lời - bởi nếu không có khát vọng, khó ai có thể làm được gì lớn trong nghệ thuật. Và cái các "nhà điêu khắc khiếm thị" của chúng ta có còn nhiều hơn chúng ta, đó chính là khát vọng. Khát vọng được làm những điều phi thường so với các em, được sống vui và có ích". Rồi ông ước: Giá kể từ lớp học này mà làm được một cái triển lãm, giới thiệu những tác phẩm của các em. Giá kể có những người giàu đến xem triển lãm và họ mua cho các em một vài bức tượng, để các em có được niềm vui: Sáng tạo của các em đã được người đời đón nhận... Tôi thì nghĩ: Giá kể mà có cái triển lãm ấy, và có người đến hỏi mua, chưa chắc cậu bé Thành sẽ chịu bán hai bức "Tự hoạ" của cậu đâu! Vì nhận biết mặt mình khó đến thế cơ mà!

Theo Thiên An / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.