Không chỉ nghĩ cho riêng mình

12/11/2008 10:24 GMT+7

Không hoa, băngrôn hay những tiếng reo hò cổ vũ thường thấy ở các hội thi, vòng sơ khảo hội thi “Tuổi trẻ làm theo lời Bác” (Thành đoàn TP.HCM tổ chức) cứ đi nhẹ nhàng, cụ thể từng lời dạy của Bác vào lòng mỗi bạn trẻ bằng những sản phẩm, công trình thuyết phục.

Những việc làm, công trình ấy như lời dạy ngày nào của Bác: gắn bó chặt chẽ với phục vụ.

Từ “máy tính tặng bạn”

“Là cán bộ Đoàn đam mê máy tính, tôi thấy những chiếc máy cũ đến hạn thanh lý của đơn vị đem bán rẻ như bán ve chai thì uổng quá, nếu sửa chữa thì máy vẫn có thể hoạt động được. Trong khi nhiều bạn trẻ ở vùng sâu vùng xa chưa được tiếp cận với máy vi tính, tôi đề xuất ban giám đốc xin máy cũ và hình thành đội hình sửa chữa máy tính tặng lại những nơi còn thiếu thốn” - anh Nguyễn Ang Quốc Dũng (Đoàn Bưu điện TP.HCM) trình bày ý tưởng về công trình “Máy tính tặng bạn” như thế. Văn phòng đoàn vốn chật chội vẫn được tận dụng làm bản doanh của đội sửa chữa máy tính.

Sau giờ làm việc, các kỹ sư trẻ lại lui cui tháo ráp, lau chùi, “tút” lại sáng choang và kiểm tra kỹ, đóng thùng cẩn thận. Không chỉ tặng máy cho nhiều nơi như Bến Tre, Tây Ninh, Bình Phước, Gia Lai..., đội còn mở lớp phổ cập tin học cho bạn trẻ vùng biên giới tỉnh Tây Ninh. “Tôi học được từ Bác đức tính cần - kiệm và sự quan tâm đến người xung quanh” - Dũng chia sẻ. Đến nay công trình đã tặng 134 máy tính và bảy máy in cho các bạn vùng sâu vùng xa. 

Cũng thế, tiết kiệm với Đặng Xuân Minh (Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn) là phương án “Tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản” được ban giám đốc áp dụng trong xây dựng trại nuôi cá sấu Phạm Văn Hai. Công ty dự toán hơn 870 triệu đồng nhưng sau khi áp dụng việc tự quản lý vật tư, không khoán thi công, chỉ hết hơn 834 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm khoảng 36 triệu đồng không nhiều nhưng có lẽ là tấm lòng gắn bó thật sự đối với công ty. “Tôi mới xây nhà nên rút kinh nghiệm tự mua vật tư và thuê thi công chất lượng công trình sẽ tốt hơn và giảm chi phí” - anh Minh cho biết.

Đến “xe treo móc ba chấu”

Công nhân xưởng chế biến thực phẩm Công ty Vissan vẫn thường dùng móc ba chấu để treo thịt ba rọi, thăn heo xông khói, nem chua, jambon...; đựng lộn xộn trong những chiếc rổ nhựa. Mỗi ngày bắt đầu công việc phải mất thời gian sắp xếp các móc này. Anh Lưu Kim Ngân nhận thấy không chỉ mất thời gian, 2.500 móc ba chấu đựng trong 20 chiếc rổ nhựa choán nhiều diện tích.

Chiếc xe được thiết kế đơn giản bằng vật liệu các thanh inox đảm bảo vệ sinh thực phẩm, gọn và vừa tầm sử dụng. Mỗi xe treo móc ba chấu 2,4 triệu đồng nhưng tiết kiệm thời gian lao động mỗi tháng gần 17 ngày công (hơn 3 triệu đồng). Mỗi năm chiếc xe giúp đơn vị tiết kiệm khoảng hơn 36 triệu đồng, chưa tính đến việc tăng năng suất của mỗi lao động khi sử dụng.

Sau khi đưa vào sử dụng, anh Ngân khảo sát và nhận được đánh giá của mọi người: “Thao tác sử dụng móc ba chấu thuận tiện hơn, vệ sinh móc ba chấu sạch sẽ, ngăn nắp hơn”.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, trưởng ban tổ chức hội thi, thành viên hội đồng giám khảo khu vực công nhân lao động: “Phần lớn sản phẩm, công trình gắn liền với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và từng vị trí của các bạn. Những công trình rất cụ thể của từng cá nhân, chi đoàn mang tính thiết thực, không nhất thiết phải đem lại giá trị thật cao. Bên cạnh việc đem lại hiệu quả tiết kiệm cho đơn vị, các bạn đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tập thể đơn vị trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”

Theo Kim Anh/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.