Ngày về của ông Nawaz Sharif

25/11/2007 23:11 GMT+7

Sau chuyến hồi hương bất thành hồi tháng 9, ông Nawaz Sharif không bỏ cuộc. Cựu Thủ tướng Pakistan đã về nước vào hôm qua để thách thức đối thủ chính trị cũ.

Hơn 7 năm sống lưu vong đã là quá đủ đối với cây đa cây đề một thời của chính trường Pakistan. Giờ đây, khi trong nước đang có nhiều diễn biến quan trọng, ông Nawaz Sharif phải trở về để gầy dựng lại sự nghiệp chính trị vốn đã bị tàn lụi sau một đêm, do cuộc đảo chính của tướng Pervez Musharraf hồi năm 1999. Sự nôn nóng lộ rõ ngay trong lần trở về trước, vào ngày 10.9.2007, của ông Sharif. Lúc đó hoàn cảnh không mấy thuận lợi khi tòa án ra lệnh bắt giữ Shahbaz Sharif, em trai của ông. Lệnh bắt là một lời cảnh báo, nhưng cựu Thủ tướng Sharif vẫn cứ về để rồi bị trục xuất trở lại. Chuyến trở về bất thành, nhưng không phải vô nghĩa, vì ít nhất với hành động này ông Sharif cũng đã đẩy đối thủ chính trị Musharraf, người đã lật đổ chính phủ của ông vào năm 1999, phải "ra đòn". Và khi mà ông Musharraf mạnh tay trục xuất Sharif thì hình ảnh vị tướng độc tài trong con người ngài tổng thống đương nhiệm càng lộ rõ hơn. Làn sóng phản đối nhằm vào ông Musharraf gia tăng một phần vì điều đó.

Sau khi ông Sharif bị tái trục xuất thì có chuyện bà Benazir Bhutto về. Cuộc hồi hương của bà cựu thủ tướng cũng đầy sóng gió. Ngay khi bà vừa đặt chân xuống thành phố Karachi, một nhóm khủng bố đã "chào đón" bà bằng hai vụ đánh bom khiến hơn 130 người chết. Tiếp theo, bà còn bị nhà cầm quyền quản thúc hai lần khi có kế hoạch tham gia tuần hành vì dân chủ. Dưới nhiều áp lực, ông Musharraf đã phải thả bà Bhutto,  nhưng những biện pháp khác nhằm duy trì quyền lực thì vẫn bảo lưu, chẳng hạn như việc áp đặt tình trạng khẩn cấp. Dù gặp nhiều bất trắc, nhưng có thể thấy bà Bhutto đã giành được nhiều sự ủng hộ sau khi trở về. Đây có lẽ là một trong những yếu tố thúc giục ông Sharif hành động.

Sau hơn hai tháng "tạm trú" tại Ả Rập Xê Út, ông Sharif lại trở về vào hôm qua, lần này ông chọn thành phố Lahore làm điểm hạ cánh. Hàng chục ngàn người đã chào đón ông ở đó, cảnh sát cũng được huy động tối đa, nhưng không phải để trục xuất ông mà để bảo vệ an ninh. Hồi tháng 9, khi mà tướng Musharraf đang nỗ lực chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống, thì việc ông Sharif xuất hiện trở thành "mối đe dọa sát sườn". Ông bị trục xuất là vì thế. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã ngã ngũ, việc ông Sharif trở về không còn là mối đe dọa trước mắt của ông Musharraf nữa, có chăng chỉ tạo thêm áp lực mà thôi. Có thể vì thế mà ông Sharif tự tin hơn trong chuyến trở về này, bởi đằng nào thì ông Musharraf cũng đã làm tổng thống. Nhiệm vụ của ông tướng quân đội lúc này là củng cố quyền lực bằng các biện pháp uyển chuyển hơn để xóa bớt phần nào hình ảnh về một vị tướng độc tài, điều mà đồng minh Mỹ không ưa chút nào.

Trên thực tế thì ông Musharraf vẫn còn đủ cơ sở để trục xuất đối thủ Sharif một lần nữa. Sau cuộc đảo chính năm 1999, ông Sharif bị tòa án dưới chế độ Musharraf kết án tù chung thân. Sau đó, năm 2000, ông Sharif đạt được một thỏa thuận với chính quyền Musharaf: án tù chung thân được hủy nhưng ngài thủ tướng bị lật đổ phải chịu "án" 10 năm lưu vong. Giờ đây, việc ông Sharif trở về được coi như một hành động "lật kèo" nên ông Musharaf có thể trục xuất. Đó là về lý thuyết. Còn trên thực tế thì ông Musharraf dường như đã chịu "sống chung với hổ", không phải một mà đến hai con hổ lớn, đó là bà Bhutto và ông Sharif. Ngay khi vừa trở về Pakistan vào hôm qua, ông Shahif đã khẳng định “sự có mặt” của mình bằng tuyên bố mạnh mẽ, rằng việc tướng Musharraf làm tổng thống là không thể chấp nhận.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.