Tai nạn lao động chết người ngày càng tăng

27/11/2008 12:01 GMT+7

So với cùng kỳ năm 2007, số vụ tai nạn lao động chết người trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TPHCM từ đầu năm đến nay tăng 21%. Ngay cả tại các công trình xây dựng lớn tầm cỡ quốc gia, các nhà thầu cũng đều vi phạm pháp luật về lao động.

Khoảng 17 giờ, ngày 22-11, trong khi đang di chuyển trên công trường xây dựng một nhà dân ở đường số 2, khu cư xá Đô Thành (quận 3 – TPHCM), anh N.D.L (19 tuổi) đã bị trượt chân ngã vào hố thang máy. Tai nạn lao động (TNLĐ) này khiến anh L. chết ngay sau đó. Nguyên nhân ban đầu được xác định, hố thang máy đã không được che chắn đúng quy định.

Chủ quan là mất mạng

Vụ việc trên đã nâng số người chết do TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TPHCM từ đầu năm đến nay lên 34 vụ. So với cùng kỳ năm 2007, số vụ TNLĐ chết người trong xây dựng tăng 21%. Phân tích các vụ TNLĐ chết người cho thấy nhiều vụ TNLĐ sẽ không xảy ra nếu như thực hiện đúng quy định về an toàn lao động. Chẳng hạn, vụ TNLĐ tại trạm nghiền xi măng Hạ Long (KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè-TPHCM do Công ty S.Đ thi công) ngày 3-4. Trong khi đang điều khiển palăng di chuyển các dụng cụ, vật liệu lên tầng 7, anh V.T.H sơ ý bị ngã qua lỗ sàn tầng (không có biển báo, rào chắn) rơi xuống từ độ cao 26 m và chết ngay sau đó. Hay như vụ TNLĐ ngày 28-6 tại công trình lắp ghép nhà xưởng của Công ty Cổ phần Đầu tư – Xây dựng 45 ở Khu Công nghệ cao (quận 9-TPHCM). Trong khi nhóm công nhân (CN) đang làm việc thì 7 tấm bê tông rơi xuống làm chết hai CN và bị thương một CN khác.

Đáng nói là TNLĐ chết người trong xây dựng có nguyên nhân do điện giật chiếm tới 45,2%. Trong đó, chủ yếu là vi phạm nguyên tắc an toàn sử dụng điện, sử dụng thiết bị tự chế không an toàn... Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 20-6 tại Công ty Cổ phần Thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước). Trong khi 6 CN di chuyển một máy bơm để hút nước đã làm tróc vỏ dây điện máy bơm khiến CN bị điện giật. Sau đó một CN tên T. đã chết.

“Tham bát bỏ mâm”

Một điều đáng buồn là hầu hết nạn nhân đều nằm trong độ tuổi từ 18 đến 30 (hơn 65%)- lứa tuổi có khả năng lao động cao nhất và thường là trụ cột trong gia đình. Mặt khác, theo quy định hiện hành, khi TNLĐ chết người nếu không do lỗi của người lao động (NLĐ) thì người sử dụng lao động phải bồi thường ít nhất 30 tháng lương. Nếu do lỗi của NLĐ, phải trợ cấp ít nhất 12 tháng lương. Nếu lương trung bình của một lao động xây dựng hiện nay là 1,5 triệu đồng/người/tháng thì số tiền người sử dụng lao động phải bỏ ra từ 18 triệu đồng đến 45 triệu đồng cho một trường hợp, chưa kể các chi phí khác. Trong khi đó, chi phí để trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ rất nhỏ so với chi phí để giải quyết hậu quả. Một chủ thầu xây dựng đã thật thà nói: “Biết như vậy là nguy hiểm nhưng trốn được lúc nào hay lúc ấy”.

Bà Dương Kim Loan, chuyên viên Ban Thi đua- Chính sách LĐLĐ TPHCM, cho biết các chi phí bảo hộ lao động được tính vào giá thành nhưng thực tế rất ít chủ thầu quan tâm đến điều này và trang bị bảo hộ lao động đầy đủ cho CN. Họ tham cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài.

Đại đa số đều vi phạm pháp luật

Trước thực trạng trên, mới đây, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM đã thanh tra một số công trường. Kết quả thanh tra đã phản ánh một sự thật đáng lo ngại: Đa số các đơn vị đều vi phạm pháp luật lao động nghiêm trọng. Ông Hồ Hải Nam, tổ trưởng thanh tra, cho biết hầu hết lao động không được ký hợp đồng lao động hoặc có thì phải qua cai thầu với hợp đồng thời vụ. Chính vì vậy, họ không được tham gia BHXH, BHYT. Công tác huấn luyện an toàn- vệ sinh lao động không được thực hiện, nếu có thì rất hình thức, không đủ nội dung theo quy định. Do chạy theo lợi nhuận, việc trang bị các trang thiết bị bảo hộ cho NLĐ rất sơ sài. Ở các công trường lớn, NLĐ chỉ được trang bị một áo và nón, còn lại phải tự mua giày, ủng cho mình. Còn ở các công trình nhỏ, lẻ thì NLĐ hoàn toàn không được trang bị bảo hộ lao động. Về phía NLĐ, do áp lực công việc và ít được đào tạo bài bản nên chưa có ý thức phòng chống TNLĐ khi làm việc.

Điều đáng nói, ngay tại các công trình xây dựng lớn tầm cỡ quốc gia, các nhà thầu cũng vi phạm pháp luật. Đơn cử như trường hợp Công ty Liên doanh Obayashi – P.S Mitsubishi (thầu xây dựng đại lộ Đông Tây khu vực cầu Calmette). Công ty này sử dụng 52 lao động nước ngoài nhưng không có giấy phép lao động; thuê lại lao động của công ty khác, trong đó có nhiều người không được tham gia BHXH, BHYT. Thậm chí, khi xảy ra TNLĐ chết người cũng không khai báo với các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM:

Nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao

Xu hướng xây dựng sắp tới là xây nhà tầng cao, hầm sâu ngày càng nhiều. Để xây dựng các công trình này, cần nhiều thiết bị cơ giới lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra TNLĐ cao nếu như các biện pháp bảo hộ không được thực hiện đầy đủ.

Theo Nam Dương / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.