Học làm công nhân cũng... khó

09/11/2005 22:41 GMT+7

Giữa tiếng máy chạy ồn ào của xưởng phay, xưởng tiện và xưởng gò, gần hai chục học sinh mặc áo xanh đồng phục lớp 04T - CK3 Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh) đang hì hụi phay phôi tròn thành các loại mặt phẳng, rãnh, bánh răng... Mồ hôi rịn trán, bàn tay lấm lem vuốt tóc, một bạn nói: "Tụi em học chỉ ra làm công nhân thôi nhưng cũng... căng lắm, nếu không học hành nghiêm chỉnh vẫn bị loại như thường".

Quy luật đào thải trong trường học

Thầy Phan Văn Thành, giáo viên đang hướng dẫn thực hành cho biết: "Chương trình học của các em khá nặng, thực hành mỗi tuần 2 ca, mỗi ca 5 giờ. Các em mà lười học hoặc thiếu sự thông minh thì có khi phải thi đi thi lại cả môn lý thuyết lẫn thực hành".  Toàn và Trung, hai cậu học trò đang đứng máy nói thêm: "Chỉ thao tác sai một chút là bị trừ điểm. Vì thế, tụi em phải tập trung ghê lắm. Nhưng học hành khó thì ra trường tay nghề mới cứng được".

Thầy Đỗ Kỳ Công, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng cho biết, luôn có khoảng 10% trong số gần 1.000 em khối công nhân kỹ thuật (CNKT) của trường không đủ năng lực học ngành này và đã bị đào thải ngay khi đang theo học. Chủ yếu do các em không chịu khó học hành và nghĩ rằng học làm công nhân thì có gì là khó nên cũng không cần cố gắng. Tương tự như vậy, khối CNKT Trường trung học Công nghiệp TP.HCM năm học 2004 - 2005 có hơn 200 em thì hơn 20 em bị ở lại lớp và khoảng 15% không qua tốt nghiệp (cả 2 hệ THCN và CNKT). Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng có số lượng học sinh hệ công nhân đông đảo, hơn 3.000 học sinh, thì con số bị "loại" trong quá trình học cũng "đông đảo" hơn.  Đáng kể là lớp CN Ô tô 04A năm học vừa rồi sĩ số là 78 thì "rơi rụng" chỉ còn... 40 HS. Hai lớp 03A và 03B phải gộp lại vì số người rớt nhiều quá.

Có nhiều lý do khiến cho những công nhân tương lai bị loại ngay trong trường học: lười học, nộp hồ sơ với mục đích "trốn" nghĩa vụ quân sự nên bỏ bê học hành, trông chờ thi vào trường khác nên cũng xao nhãng việc học... Một phần là quy chế kiểm tra, thi, xét lên lớp dành cho hệ trung học chuyên nghiệp của Bộ GD - ĐT, trong đó có khối CNKT có phần nghiêm ngặt cũng khiến nhiều học sinh phải ngậm ngùi. Đ.P, học sinh lớp CN Sửa chữa cơ khí 04B Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng bức xúc: "Tụi em nhiều đứa thấp thỏm ăn không ngon ngủ không yên, chỉ sợ xét duyệt không được lên lớp. Em bị "chết" môn tiếng Anh. Thêm 1 môn kiểm tra dưới điểm trung bình nữa là coi như bị lưu ban. Nhiều đứa nói nếu không được lên lớp sẽ bỏ học luôn". Việc xét lên lớp còn phụ thuộc vào hạnh kiểm, số giờ nghỉ học, điểm trung bình các môn...

Và quy luật đào thải ngoài xã hội

Hầu hết những học sinh đang theo học hệ CNKT một cách nghiêm túc đều công nhận một điều: thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với những trang thiết bị máy móc hiện đại, văn minh thì các ngành nghề không còn đơn giản, dễ dàng như bao người vẫn nghĩ. Phải làm sao để sử dụng và điều khiển máy móc theo đúng mục đích một cách hiệu quả là một yêu cầu lớn, buộc người công nhân phải nắm bắt kịp thời sự phát triển của công nghệ máy móc. Chúng ta không thể cứ làm thủ công mãi! Thầy Trần Quang Khải, Trưởng phòng Đào tạo Trường trung học Lương thực thực phẩm (TP.HCM) nói: "Hiện nay có nhiều công nhân đang làm việc tại nhiều nhà máy, xí nghiệp mà chưa từng qua một trường lớp đào tạo nào, không có trình độ kỹ thuật cơ bản nên khó có thể tiếp cận với khoa học, máy móc thiết bị hiện đại, sớm muộn gì cũng bị đào thải. Những công ty, nhà máy, xí nghiệp đang phát triển tốt cũng tuyển dụng công nhân với yêu cầu rất cao. Vì thế, không còn cách nào khác là các em phải cố gắng học ngay từ khi ở trường học". Thầy Đỗ Kỳ Công cũng đưa ra những yêu cầu cho học sinh của mình: "Dù làm công nhân thì các em cũng cần phải có tác phong công nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp. Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện cho các em có thể tiếp cận được với công việc ngay từ khi còn đi học bằng cách liên kết với nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy cho việc thực hành, thực tập. Hiện nay có khoảng gần 200 đơn vị tiếp nhận công nhân kỹ thuật từ trường chúng tôi".

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.