Tổ quốc

16/12/2007 23:56 GMT+7

Tại tiếp điểm của các thời đoạn đặc biệt thường xuất hiện những nhân vật và sự kiện lịch sử để lại dấu ấn đậm nét, có sức hấp dẫn, động viên rất lớn với thế hệ con em.

Hãy chỉ nói về âm vang từ trận quyết chiến chiến lược "Điện Biên Phủ trên không trong bầu trời Hà Nội" tháng 12.1972. Trước đó 5 năm, vào tháng 12 năm 1967, sau khi nghe báo cáo của Tư lệnh Phòng không-Không quân, Bác Hồ nói: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua... Nó chỉ chịu thua sau khi thua trên vùng trời Hà Nội. Vì vậy nhiệm vụ của các chú rất nặng nề" (1). Và rồi hiện thực lịch sử đã minh chứng cho lời "tiên tri" của Bác.

Lịch sử là một nhân tố mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào có thể đứng vững được. Một xã hội văn minh với dân chủ và công bằng mà nhân dân ta đang hướng tới sẽ không thể thực sự hình thành nếu thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay không biết rõ hành trình ông cha mình đã đi qua. Vì thế, vào thời điểm rất nhạy cảm của tháng 12 này, thời điểm của Điện Biên Phủ trên không 18.12, của ngày Toàn quốc kháng chiến 19.12 và ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12 càng cảm nhận rất rõ những ánh phản chiếu của lịch sử.

"Một nền văn minh bao giờ cũng là một quá khứ, một quá khứ sống động nào đó. Do đó, lịch sử một nền văn minh là sự tìm tòi trong những tọa độ cũ, những tọa độ mà ngày nay vẫn còn giá trị" (1). Lời Bác Hồ dẫn ra ở trên là minh chứng của "một quá khứ sống động", "quá khứ" ấy đã đưa ra một thông điệp chứa đựng nội dung thời sự nóng bỏng, không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả tương lai. Cũng như vậy, hãy nghe "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" ngày 19.12.1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước... Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước..." (2).

Những ánh phản chiếu từ những "tọa độ" có sức âm vang lịch sử như thế, sẽ góp phần nung nấu, giục giã ý thức dân tộc, điểm nhạy cảm nhất trong tâm tư tình cảm người Việt Nam ta. Không phải tự vỗ ngực để cho rằng ý thức dân tộc là sản phẩm riêng của người Việt Nam. Nhưng sẽ rất nông cạn và đánh mất một động lực cực lớn nếu không thấy hết nét đặc trưng làm nên điểm nhạy cảm độc đáo trong tâm thức người Việt. Vì, "chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước" (3) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Sau này, chủ nghĩa dân tộc, cội nguồn của sức mạnh Việt Nam, của nền văn hóa Việt Nam được Hồ Chí Minh diễn đạt bằng khái niệm lòng yêu nước. Mỗi khi nền độc lập của đất nước bị uy hiếp thì lòng yêu nước ấy lại bùng phát mãnh liệt "nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước" (6).

 Những lời bất hủ ấy đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước, thiêu cháy mọi sự ươn hèn khiếp hãi trước sức mạnh và thủ đoạn thâm độc, nham hiểm của kẻ thù xâm lược, giục giã tinh thần và ý chí mỗi người Việt Nam hành động theo mệnh lệnh của trái tim chống trả lại mọi âm mưu. Xưa nay, mọi thế lực xâm lược đều không hiểu được một thực tế Việt Nam, rất Việt Nam là: họa xâm lăng, nguy cơ mất nước là ngọn lửa thử vàng làm lộ rõ bản lĩnh của từng con người , gắn kết họ lại thành một khối vững chắc vì đã loại bỏ được vàng thau lẫn lộn do một sự khảo nghiệm nghiêm khắc: "thật vàng không sợ lửa". Hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người hiểu rõ cái giá của hòa bình xây dựng, của tình hữu nghị để cùng phát triển. Nhẫn nại, kiên trì theo đuổi con đường đàm phán, cố gắng tránh chiến tranh, đổ máu, thậm chí không ngần ngại dùng chính sách nhân nhượng để cứu vãn hòa bình đang mong manh như sợi chỉ mành trước gió, mặc dầu hiểu rất rõ bản chất của kẻ thù "ta càng nhân nhượng, địch càng lấn tới". Nhưng vì biết như vậy, nên Hồ Chí Minh và Đảng của mình luôn giành thế chủ động trong đấu tranh. Và đấy là bản lĩnh để đi đến thắng lợi.

Đương nhiên, lòng yêu nước không chỉ biểu hiện bằng "gươm súng, cuốc thuổng, gậy gộc". Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng che kín một mảng lớn khán đài sân Municipality trong trận bán kết Việt Nam-Myanmar giải thích được những giọt nước mắt thất vọng trên gương mặt đau đớn của cổ động viên Việt Nam lặn lội từ nhà sang nước bạn để cổ vũ cho đội bóng nhà. Đó cũng là lòng yêu nước.

Tổ quốc là trên hết. Từng tấc đất của Tổ quốc là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Mỗi một người Việt Nam đều có trách nhiệm giữ cho đất nước trọn vẹn và làm cho đất nước cường thịnh. Cốt lõi tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mà chúng ta học tập là ở đó. Vào những thời điểm cô đặc những sự kiện lịch sử của tháng 12 từng chứng kiến bản lĩnh Việt Nam và những giải pháp Việt Nam này, càng cảm nhận ra những ánh phản chiếu của lịch sử quả có sức lay động mãnh liệt, sức lay động của bản lĩnh và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tương Lai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.