Tụt, nhưng không phải kém đi

03/11/2007 00:07 GMT+7

Ngày 31.10, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã công bố bản báo cáo "Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2007-2008". Theo đó, Việt Nam từ vị trí thứ 64 đã bị rơi xuống vị trí 68 về năng lực cạnh tranh. Trong mắt các chuyên gia kinh tế, nhận định trên được giải mã như thế nào?

Ông Ajay Chhipber, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: 

 Việt Nam còn nhiều trở ngại

“Theo tôi hiểu là việc đánh giá, xếp hạng của WEF được tổng kết trên nhiều chỉ số về kinh doanh, khả năng điều hành nền kinh tế của Chính phủ, chính sách kinh tế vĩ mô, điều kiện cơ sở hạ tầng, y tế... và được phân tích bởi nhiều cơ quan khác nhau. Vào thời điểm hiện nay, Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Nhưng có thể điểm đánh giá thấp cho Việt Nam về cải tiến năng suất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường chưa cao; thiếu những kỹ năng tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao...

Theo tôi, Việt Nam cũng cần lưu ý đến những đánh giá này vì để phát triển năng động trong nền kinh tế thế giới, ngày càng có sức cạnh tranh cao hơn thì Việt Nam vẫn còn phải cố gắng để vượt qua các trở ngại về thể chế, khắc phục những yếu kém của nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh chống tham nhũng... Chúng tôi có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình này, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp nguồn lực cho Việt Nam để duy trì tính cạnh tranh của nền kinh tế và sản phẩm hàng hóa. Việt Nam vẫn chưa phải là một quốc gia về công nghiệp và nếu Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thì lại càng phải có những cố gắng hơn".

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Cải cách chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp, người dân

"Kết quả này không nói lên là Việt Nam kém đi trong năng lực cạnh tranh. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn được đánh giá là tăng lên. Nhưng phải thấy rằng, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các quốc gia thì không phải chỉ có mình chạy mà cũng có những nước khác chạy và họ đã chạy còn nhanh hơn mình. Điều tôi muốn nói ở đây là trong bối cảnh Việt Nam vừa gia nhập WTO, với nhiều vận hội và thời cơ mới để phát triển và người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư... đều kỳ vọng những cuộc cải cách, đổi mới sẽ nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam nhưng, một kết quả đánh giá như thế này cho thấy, kỳ vọng đó chưa được đáp ứng. Những chuyển biến về cải cách môi trường kinh doanh, cải cách hành chính vẫn chưa đem lại kết quả như chúng ta mong đợi. Và về phía các doanh nghiệp, chúng ta cũng đã thấy khả năng ứng phó của doanh nghiệp nhìn chung vẫn chưa nhanh với tình hình mới".

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM: 

Vấn đề là làm thế nào "tiêu thụ" hết số vốn đang xếp hàng...

Ảnh: M.Q

"Những đánh giá xếp hạng như thế này, tất nhiên chỉ có tính chất tham khảo. Bởi vì mỗi tổ chức đánh giá có tiêu chí khác nhau, của mình trùng với họ thì tốt và ngược lại. Ví dụ vừa rồi bảng đánh giá của Ngân hàng Thế giới mình lại tốt, thăng hạng. Khách quan mà nói thì môi trường đầu tư của mình được cải thiện nhiều, theo chiều hướng tốt lên chứ không xấu đâu. Nhìn dòng vốn là biết, vốn đầu tư đang xếp hàng, dấu hiệu thị trường cũng tốt. Nói đến môi trường đầu tư thì lớn nhất là hạ tầng giao thông, thứ đến là nguồn nhân lực; cả 2 cái đó đều cần tiền và thời gian...

Việc Việt Nam tụt hạng theo đánh giá của WEF lần này là do  có thêm thành viên mới được đưa vào đánh giá hoặc có thể một vài nước khác làm nhanh hơn mình. Xếp hạng là so sánh, không nên vì thế mà nản. Vấn đề bây giờ chúng ta quan tâm làm thế nào để "tiêu thụ" hết số vốn đầu tư trực tiếp đang xếp hàng. Đối với doanh nghiệp thì có 3 vấn đề cần quan tâm, trong đó có 2 cái đặc biệt quan trọng: muốn giảm chi phí đầu vào phải có hạ tầng giao thông tốt, thứ hai là nguồn nhân lực tốt. Còn thủ tục hành chính cũng quan trọng nhưng chỉ quan trọng lúc đầu. Và như trên tôi đã nói 2 vấn đề lớn đó chúng ta phải cần có thời gian mới cải thiện rõ rệt được".

Mạnh Quân - Tuyết Nhung
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.