Miền Trung lại ngập chìm trong lũ

04/11/2007 23:34 GMT+7

* Bão Peipah mạnh cấp 11 sắp vào biển Đông * Số người chết và mất tích tăng lên từng ngày * Báo Thanh Niên cứu trợ khẩn cấp tại Bình Định Mưa lớn liên tiếp nhiều ngày qua làm cho mực nước ở các sông dâng cao, gây ngập lụt nặng ở các địa phương miền Trung. Số người chết và mất tích đang tăng lên từng ngày.

Tại Phú Yên, hôm qua lũ đã cuốn thêm 6 người mất tích. Người đầu tiên là anh Võ Văn Thạch (20 tuổi, ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An). Anh Thạch là sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, khi đi qua cầu Cây Cam để về nhà thì bị nước cuốn trôi mất tích. Người thứ hai là chị Phạm Thị Sanh (34 tuổi, ở xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa). Chị Sanh cùng con gái là Nguyễn Thị Kim Thoa (6 tuổi) đi trên xuồng chạy lũ thì bị lật úp làm cả hai trôi mất tích.

Một người khác là ông Sơn (cán bộ Tư pháp huyện Đông Hòa). Khi lũ dâng cao, ông Sơn và hai cán bộ cùng phòng vẫn cố gắng lội nước vào nơi làm việc để thu dọn tài liệu vì sợ hư hỏng. Khi bị nước cuốn, ba người chỉ kịp bám vào một cây nhỏ gần đó và kêu cứu. Hai người đồng nghiệp của ông Sơn thì được cứu kịp, riêng ông bị nước cuốn mất tích. Thậm chí ngay trong giờ trưa hôm qua, anh Lê Văn Trúc (18 tuổi, trú thôn Phước Mỹ Tây, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa) đi vớt củi trên sông Ba cũng bị nước cuốn trôi mất tích.


Nước lũ tràn vào TP Tuy Hòa (Phú Yên) - ảnh: VP Bình Định
Ngoài ra, theo thông tin PV Thanh Niên nắm được, hôm qua còn có một người dân ở xã Hòa Thành đi ghe thì bị lật, bị nước cuốn trôi mất tích chưa xác định được danh tính. Trong ngày hôm qua, nhiều tuyến đường ở TP Tuy Hòa đã bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m. Các tuyến đường từ tỉnh lỵ đến các huyện cũng bị nước cô lập.

Tại Quảng Ngãi, tính đến cuối chiều hôm qua đã có trên 50.000 ngôi nhà bị ngập. Các huyện miền núi cũng bị chia cắt hoàn toàn với đồng bằng. Đáng nói là hôm qua cũng có thêm 2 người chết (do bị điện giật khi chạy lũ) là Đỗ Thạch (43 tuổi, ở thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) và Nguyễn Văn Nhất (15 tuổi, ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa). Tại huyện Trà Bồng, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 14 hộ dân của xã Trà Lâm và Trà Xanh đến nơi an toàn để tránh nguy cơ sạt lở núi.


Nước lũ bao vây khắp nơi ở Quảng Ngãi - ảnh: VP Bình Định

Tại Bình Định, Ban Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết do mưa lớn trên diện rộng đã làm hàng chục ngàn hộ dân ở các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Hoài n, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn ngập chìm trong nước sâu từ 0,5 - 2m; gần 10.000 hộ dân ở nơi nguy hiểm được di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Theo thống kê, hôm qua lại có thêm 4 người chết và mất tích do lũ và sạt lở đất là Nguyễn Văn Thìn (20 tuổi, ở xã n Hữu, huyện Hoài n), Lê Thanh Thắng (18 tuổi, ở xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn), Phạm Đình Hùng (43 tuổi, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát) và một người mất tích ở huyện Tuy Phước; hơn 50 căn nhà bị hư hỏng và sập hoàn toàn cùng hàng chục km đường giao thông bị phá hủy.


(ảnh: VP Bình Định)

Đến 20 giờ tối qua, cả 3 đoàn tàu Thống Nhất (SE1, SE3 và SH1) với hàng ngàn hành khách trên đường về TP.HCM đã bị kẹt lại tại ga Diêu Trì.

Tại Quảng Bình, hôm qua có thêm 2 người thiệt mạng trong đợt lũ đang diễn ra là Trần Thị Nguyệt (21 tuổi) và Võ Thị Dưỡng (25 tuổi) đều ở thôn Hoàng Đàm, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy. Hai chị đi trên một chiếc xe máy, khi qua đoạn đường ngập lũ gần đập Mỹ Trung (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) thì bị sụp xuống một hố to do nước xói ngay giữa đường. Khi mọi người phát hiện thì chỉ thấy một chị đã chết đuối nằm gần chiếc xe máy. Lực lượng xung kích của địa phương tổ chức tìm kiếm rất lâu mới tìm thấy thi thể thứ hai.


(ảnh: VP Bình Định)

Tại Đà Nẵng, mưa lớn và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã gây ra tình trạng biển xâm thực mạnh vào khu dân cư thuộc tổ 29, phường Hòa Hiệp Bắc. Sóng biển dâng cao đã đánh sập các trại nuôi tôm sú giống của người dân. Hơn 500m chiều dài từ Nhà máy xi măng Hải Vân đến Đồn biên phòng 244 là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, với nhiều điểm xói lở nghiêm trọng.

Tại Khánh Hòa, trong hai ngày qua lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 200 - 260 mm, riêng huyện Vạn Ninh là 314 mm. Tại xã Ninh Thượng, huyện Ninh Hòa có 2 người bị lũ cuốn trôi là ông Lê Thanh Sơn (41 tuổi, hiện đã tìm được xác) và ông Ngô Diệc (47 tuổi, mất tích).


Trại nuôi tôm sú giống bị sóng đánh sập vào đêm 3.11 - ảnh: V.P.T
Vào khoảng 13 giờ 20 chiều qua, tại Km 1230+850 thuộc cung đường Đại Lãnh - Hảo Sơn, mưa lớn đã làm nền đường sắt sụt lở sâu 3m, dài 3m. Tại Km 1235+ 720 thuộc cung đường Đại Lãnh - Tu Bông (Khánh Hòa), nền đường sắt sụt sâu 1,5m, dài 6m. Nghiêm trọng nhất là sự cố ở đoạn đi qua vùng rừng núi giáp ranh hai tỉnh Bình Định - Phú Yên. Vào khoảng 17 giờ, tại Km 1134+510 thuộc cung đường Vân Canh - Phước Lãnh, nền đường sắt sụt sâu 5m, dài 9m. Đến 18 giờ hôm qua, ga Nha Trang cũng "chưa có kế hoạch chạy tàu". Chưa biết lúc nào các tàu TN1, TN3, SE1, SE3, SE5, SH1, QN11 chạy từ phía Bắc sẽ đến ga Nha Trang. Các tàu TN4, SE6, SH2 xuất phát từ TP.HCM ngày 4.11 có thể nằm lại ga Nha Trang chờ đường thông. Do một số tuyến đường bộ lên vùng này bị ngập nước nên ô tô chở người, phương tiện, vật liệu ứng cứu không đi được. Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh đang huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả để thông đường vào hôm nay 5.11.


* Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (NCHMF) hôm qua cũng đã phát tin bão xa Peipah khi cơn bão này đang hoạt động trên vùng biển phía đông đảo Luzon (Philippines). Đây là cơn bão thứ 21 hoạt động trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm 2007.

NCHMF dự báo đến sáng nay 5.11, bão Peipah di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ sáng nay vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Bắc 121,0 độ Đông, trên đảo Luzon.

Để chia sẻ khó khăn, mất mát của người dân các vùng bị ngập lụt, Ban Biên tập Báo Thanh Niên quyết định cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt gây ra. Hôm nay 5.11, đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên phối hợp cùng UBND tỉnh, Tỉnh Đoàn Bình Định và huyện Tuy Phước tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào các xã khu Đông huyện này đang bị nước lũ chia cắt nhiều ngày qua. Tổng số tiền cứu trợ là 100 triệu đồng (gồm 70 triệu đồng tiền mặt cho gia đình người chết và 30 triệu đồng lương thực, thực phẩm cho các gia đình ngập lụt).

Trong 24 giờ tới bão Peipah di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 7 giờ ngày 6.11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Bắc 119,0 độ Đông, trên khu vực phía Đông biển Đông.

Do ảnh hưởng của bão, từ chiều tối 4.11 đến sáng 5.11 ở khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam lượng mưa phổ biến từ 20 - 30 mm, từ Quảng Ngãi đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên từ 80 - 100 mm, có nơi mưa tới 100 - 150 mm. Lũ các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên tiếp tục lên; riêng các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên lên mức rất cao. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất vùng núi, sườn dốc và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng ven sông các tỉnh trên.

Ngày 4.11, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau và Kiên Giang. Theo công điện, hiện vùng nguy hiểm của bão được xác định là khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa. Các tỉnh kể trên thông báo và hướng dẫn chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh; kiểm đếm tàu thuyền đánh bắt xa bờ, giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các sự cố; kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền đánh bắt ven bờ.

Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương yêu cầu các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa triển khai ngay các biện pháp đối phó với mưa lũ theo cấp báo động; chủ động sơ tán dân và kiểm soát chặt chẽ vùng có nguy cơ bị ngập lụt, vùng có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các bến đò qua sông, các ngầm, tràn trên những đoạn đường giao thông thường bị ngập để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. (Q.D)

Nhóm PV thời sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.