Về tiến độ xây dựng tòa tháp cao nhất Việt Nam: Thách cược 100 tỉ đồng có hợp pháp?

15/11/2008 23:52 GMT+7

Như Thanh Niên số ra ngày 15.11 đã đưa tin, Công ty Keangnam - Vina đã chấp thuận cược 100 tỉ đồng theo đề nghị của một số cựu chiến binh, chuyên gia, kỹ sư xây dựng đăng trên báo Cựu chiến binh về tiến độ xây dựng tháp Keangnam Landmark Tower, tòa nhà cao nhất Việt Nam. Liệu việc thách cược hy hữu này có hợp pháp?

Keangnam khẳng định cứ 6 ngày sẽ xây xong 1 tầng

 
 

Chiều qua, 15.11, Oh Chun-Sik (ảnh), Giám đốc kỹ thuật của tập đoàn Keangnam đã trả lời Thanh Niên xung quanh vụ đặt cược hy hữu này.

* Thời điểm này, các ông đã sẵn sàng cho việc ký bản cam kết, đặt cược 100 tỉ đồng cho việc hoàn thành phần thô của tòa tháp Keangnam Landmark Tower trước tháng 10.2010 (dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội) chưa?

- Ông Oh Chun-Sik: Trước hết, chúng tôi muốn giải thích rõ rằng: Keangnam Landmark Tower là công trình vốn đầu tư nước ngoài, hoàn toàn không nằm vào nhóm các công trình dùng vốn ngân sách bắt buộc phải hoàn thành trước ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khi chuẩn bị đầu tư, ký kết việc thực hiện dự án này, cũng không có điều khoản nào ràng buộc việc tiến độ phải hoàn thành để chào mừng đại lễ. Sau khi vào đầu tư, chúng tôi biết năm 2010 Hà Nội có một lễ kỷ niệm lớn nhất từ trước đến nay. Sau khi xem xét thực tế tiến độ thi công, chúng tôi thấy có thể hoàn thành phần thô vào thời điểm trước tháng 10.2010. Vì lý do đó, chúng tôi đã chủ động đề xuất sẽ hoàn thành công trình này trước đại lễ để trở thành một công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau khi chúng tôi thông báo như vậy, lãnh đạo TP Hà Nội đã rất hoan nghênh.

Còn về việc ký cam kết với số tiền “đặt cọc” 100 tỉ đồng, nói thực là chúng tôi không muốn tiến hành việc này. Việc này cũng không phải chúng tôi đề xuất ra. Khi quyết định ký cam kết, chúng tôi không muốn thách đố hay muốn hành động như một trò đánh bạc, mà chúng tôi ký cam kết vì bảo vệ thương hiệu của tập đoàn chúng tôi, một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất Hàn Quốc. Tôi cho rằng công trình này là một trong những biểu tượng của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.

* Một phóng viên báo Cựu chiến binh tiết lộ: “Về vấn đề tài chính, theo tôi biết, các tác giả bức thư cũng đã có chuẩn bị từ trước khi đưa ra đề xuất hai bên ký bản cam kết. Họ sẽ bỏ ra 100 tỉ đồng để tham gia việc ký kết này, đây là vấn đề danh dự và trách nhiệm của các tác giả bức thư, những cựu chiến binh”.

* Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, cho biết, về công nghệ xây dựng, các nước trên thế giới xây trung bình 1 tuần xong 1 tầng. Do đó, nếu nói xây trong 6-7 ngày xong một tầng, về mặt công nghệ và kỹ thuật, là có thể làm được. Vấn đề quan trọng là phải có mặt đỡ cốp pha tốt và bê tông sử dụng phụ gia hợp lý.

K.L - H.M

* Hiện tại tiến độ xây dựng tòa tháp Keangnam Landmark Tower như thế nào, thưa ông?

- Hiện tại, phần đài móng của tòa nhà đã hoàn thành. Đợt ngập ở Hà Nội vừa qua khiến một số máy móc trên công trường đã bị hư hỏng nặng, chúng tôi phải cho máy bơm hoạt động ngày đêm để bơm khoảng 1 triệu m3 nước ra nhằm giúp cho quá trình thi công trở lại bình thường. Chúng tôi đã và đang thi công 24/24 giờ để đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Phần khó khăn nhất là xây dựng phần móng, còn phần chồng tầng sẽ đơn giản hơn nhiều.

* Keangnam Hà Nội Landmark Tower có phải là tòa nhà cao nhất mà tập đoàn Keangnam từng xây dựng?

- Đúng vậy, trước Keangnam Hà Nội, chúng tôi từng xây những tòa nhà cao 65-68 tầng tại Hàn Quốc. Việc xây tòa nhà cao 68 tầng với cao 70 tầng về cơ bản là có công nghệ như nhau.

* Nhiều người tỏ ý nghi ngờ vì chỉ còn khoảng 700 ngày nữa là đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Như vậy các ông sẽ phải xây 10 ngày xong một tầng ?

- Công nghệ tiên tiến trên thế giới bây giờ cho phép xây chỉ 2-4 ngày là xong một tầng, chúng tôi cũng tính toán có thể xây 4 ngày xong 1 tầng. Nhưng để trừ đi các tình huống bất ngờ, chúng tôi đặt ra kế hoạch trung bình cứ 6 ngày xong một tầng. Để xây nhanh, chúng tôi sẽ nhập các tấm cốp pha bằng nhôm ghép diện tích từ 90m2 trở lên, các tấm này sẽ được cẩu lên, lắp ghép với nhau tạo thành mặt sàn đỡ phẳng và chắc, việc đổ bê tông sẽ rất nhanh mà không cần nhiều nhân công ghép cốp pha.

* Xây “thần tốc” như vậy, chất lượng công trình có đảm bảo? Khi hoàn thành, công trình sẽ chịu được bão hoặc động đất đến cấp mấy?

- Chất lượng công trình vẫn đảm bảo dù thời gian thi công nhanh vì chúng tôi áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới. Con số chính xác nóc tòa nhà sẽ dao động bao nhiêu trong gió, tòa tháp chịu được bão cấp mấy, động đất cấp mấy, tôi không nhớ chi tiết nhưng tôi có thể khẳng định công trình đảm bảo các tiêu chuẩn về thiết kế và an toàn của Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông!

 

Diễn biến sự việc

- Ngày 18.6.2008, Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép XD số 78/GPXD cho công ty TNHH một thành viên Keangnam-Vina xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp tại khu đô thị mới Cầu Giấy (đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội). Theo thiết kế, dự án gồm 3 tòa tháp: Tháp A cao 70 tầng là khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp cho thuê, văn phòng, trung tâm thương mại. 2 tháp B và C cao 47 tầng, gồm 900 căn hộ cao cấp để bán.

- Ngày 9.10.2008, một số người đã đồng ký một lá thư gửi Thủ tướng, UBND thành phố và các cơ quan thông tin báo chí phản ánh về những dấu hiệu bất thường liên quan đến dự án tòa nhà cao nhất Việt Nam. Theo phản ánh này thì mặc dù đăng ký là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng tiến độ công trình không đảm bảo.

- Ngày 13.11.2008, báo Cựu chiến binh Việt Nam số 732 đăng bức thư ngỏ (tác giả bức thư là một số cựu chiến binh, chuyên gia, kỹ sư xây dựng) gửi chủ tịch tập đoàn Keangnam Vina – Ha Jong Suk. Bức thư cũng đặt vấn đề nghi vấn về dự án và cho rằng công trình tháp Keangnam sẽ không thể hoàn thành trước tháng 10.2010. Các tác giả bức thư thách công ty Keangnam ký một bản cam kết, theo đó nếu Keangnam hoàn thành đúng tiến độ trước tháng 10.2010 thì các tác giả bức thư sẽ thưởng Keangnam 100 tỉ đồng; nếu ngược lại không hoàn thành kịp thời hạn trên, phía Keangnam sẽ mất 100 tỉ đồng.

- Cũng ngay trong ngày 13.11, công ty Keangnam gửi công văn tới báo Cựu chiến binh và một số cơ quan truyền thông chấp thuận đề xuất lập bản cam kết, và thông báo “đặt cược” bằng một số căn hộ tương đương 100 tỉ đồng. Hai bên cam kết dùng tiền “thắng cược” vào mục đích từ thiện.

An Nguyên - Hồng Minh

Luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM): Giao dịch này mang tính chất cá cược

Việc chấp nhận thách thức của Công ty Keangnam - Vina không có giá trị pháp lý. Thỏa thuận này chỉ có giá trị pháp lý khi đó là giao kết giữa chủ đầu tư và bên thi công.

Trường hợp này, bên đề nghị chỉ là một số cựu chiến binh, chuyên gia, kỹ sư xây dựng, là những người không liên quan tới chủ đầu tư và bên thi công công trình. Giao dịch này có tính chất một vụ cá cược được thua bằng tiền có giá trị rất lớn.

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định: Mọi trò chơi được thua bằng tiền đều là đánh bạc và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Lê Hồng Sơn (Trưởng văn phòng công chứng Sài Gòn): Thỏa thuận này không thể công chứng

Trong hợp đồng thi công xây dựng thường các bên có đặt vấn đề thưởng, phạt ngoài chuyện bồi thường vi phạm hợp đồng để đảm bảo tiến độ thi công công trình. Nhưng chủ thể của các giao kết này phải là chủ đầu tư và đơn vị thi công. Trong trường hợp này thì một bên là những cá nhân không liên quan. Thêm vào đó, tính chất của vụ việc là hình thức cá cược, nhiều khả năng là không phù hợp pháp luật. Công chứng viên chỉ công chứng các giao dịch dân sự phù hợp với pháp luật, được pháp luật cho phép.

Lê Nga (ghi)

Káp Long - Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.