Khi “tổng thống hụt” làm ngoại trưởng

01/12/2008 16:28 GMT+7

(TNO) “Tôi cam đoan rằng bà ấy (Hillary Clinton) sẽ có mặt ở Chicago trong ngày mai để được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Mỹ”, một nhân vật máu mặt thân cận với bà cựu đệ nhất phu nhân đã khẳng định với hãng tin AFP như trên trong ngày hôm qua (30.11).

Dẫn hổ về nhà?

Không chỉ có AFP mà hầu hết các hãng truyền thông đại chúng lớn trên thế giới đều đồng loạt dẫn các nguồn tin khác nhau để nói về sự kiện Tổng thống tân cử của Mỹ, ông Barack Obama sẽ chính thức tuyên bố chọn cựu đối thủ sừng sỏ Hillary Clinton vào chức vụ ngoại trưởng trong cuộc họp báo vào hôm nay (tức đêm nay theo giờ VN). Sau một chiến dịch tranh cử nội bộ dai dẳng đầy kịch tính và quyết liệt, bà Clinton đã để thua ông Obama với một tỉ lệ sít sao, khiến cho Obama trở thành gương mặt đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ và đã chiến thắng hồi tháng trước.  

 

 Đối đầu trong chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ - Ảnh: Reuters

Các chuyên gia chính trị thường nhắc đến mối quan hệ thân cận giữa cựu Tổng thống George H.W.Bush (Bush cha) và cựu Ngoại trưởng James Baker như là một mô hình lý tưởng cho việc điều hành chính sách đối ngoại một cách trơn tru. Chính nhờ quan hệ rất thân thiết giữa hai người mà khi ông Baker nói chuyện với các lãnh đạo nước ngoài, ông luôn làm cho họ yên tâm rằng ông đang truyền đạt những điều mà Tổng thống Bush muốn nói.

Trong khi đó, Tổng thống George Bush (Bush con) lại không có được mối quan hệ trơn tru đó với ngoại trưởng đầu tiên của mình, ông Colin Powell. Sự “giá lạnh” giữa hai người khiến cho tiếng nói của Powell trên trường quốc tế cũng yếu ớt đi. Cuối cùng thì ông đã phải rút lui, nhường chỗ cho người đàn bà rất thân cận với gia đình Bush là Condoleezza Rice.

Các cố vấn của ông Obama vẫn thường bảo rằng lãnh đạo của mình ngưỡng mộ đạo đức làm việc của bà Clinton. Ông Obama cũng ca ngợi sự nổi trội của bà cựu đệ nhất phu nhân sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao thế đứng của Mỹ trên trường quốc tế.

Nhưng điểm mạnh của riêng bà Clinton cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cho chính trị gia trẻ tuổi và ít kinh nghiệm chính trường Barack Obama.

“Bà ấy chính là người đã suýt trở thành tổng thống. Bà là một lãnh đạo chính trị cực kỳ mạnh mẽ và có thể vẫn giữ cảm giác rằng mình phải là tổng thống mới phải. Bà ấy có thể sẽ đi lố về phía trước để áp đặt các chính sách của riêng mình”, Reginald Dale, một học giả của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, phát biểu với hãng tin Reuters.

Thật vậy, nhiều nhà chuyên môn cũng có chung quan điểm trên, cho rằng người đàn bà đầy tham vọng này sẽ vẫn duy trì căn cứ quyền lực của riêng mình trong nội bộ đảng Dân chủ và sẽ không hoàn toàn từ bỏ tham vọng làm tổng thống.

Sau khi thất bại trong chiến dịch tranh cử ở đảng Dân chủ, Hillary Clinton tuyên bố ủng hộ Obama. Bà đã công khai làm điều đó và dùng rất nhiều mỹ từ cho người đàn ông này. Nhưng rõ ràng, bà chưa bao giờ là người thân thiết với Obama.

Bill Clinton hy sinh vì vợ

Quyền lực và cá tính quá mạnh của Hillary không phải là cản trở duy nhất. Còn phải kể đến một tượng đài sừng sững khác: ông chồng Bill Clinton. Ánh hào quang vẫn còn chói sáng của vị tổng thống đã về hưu nhưng vẫn đầy quyền lực này bên cạnh “bà ngoại trưởng” có thể làm lu mờ một số thành công của chính quyền Obama.

Trong thời gian qua, các nguồn tin hành lang cho hay ông Clinton đã tích cực vận động chiếc ghế ngoại trưởng cho vợ và đã chấp nhận lùi sâu vào phía sau để không cản mũi vợ trên con đường công danh sự nghiệp, kể cả việc phải chấp nhận hạn chế các buổi diễn thuyết hái ra tiền mà bao năm nay ông tích cực lao vào.

Vì sự nghiệp của vợ, Bill Clinton đã nhượng bộ:

1. Tiết lộ tên của tất cả những nhà hảo tâm đã đóng góp cho Quỹ từ thiện của ông, mang tên Sáng kiến toàn cầu Clinton (CGI).
2. Từ chối những khoản đóng góp của các chính phủ nước ngoài.
3. Ngưng tổ chức các cuộc họp CGI ở nước ngoài.
4. Rút về phía sau, không trực tiếp hằng ngày điều hành công việc của CGI nữa.
5. Phải trình trước các kế hoạch phát biểu cho Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng xem xét.
6. Tiết lộ tất cả các nguồn thu nhập mới cho Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng.

Nội các đối địch

Dù sao, ở bà Hillary Clinton cũng có nhiều quan điểm tương đồng với người đàn ông mà bà đã tích cực tấn công trong chiến dịch trước kia: chẳng hạn như cả hai cùng cho rằng nước Mỹ cần dần rút quân khỏi Iraq, cần phải tập trung nhiều hơn vào công tác đối ngoại…

Còn nhìn chung, Clinton là người có khuynh hướng thích dùng từ mạnh và theo đường lối cứng rắn hơn Obama. Bà từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử là sẽ “xóa sổ” Iran nếu nước này tấn công Israel, chỉ trích Obama là “ngờ nghệch” khi nói tới ý định kêu gọi đối thoại trực tiếp cấp tổng thống với những kẻ thù của Mỹ như Iran và CHDCND Triều Tiên…

 

Bộ đôi ăn ý trong chính quyền mới? - Ảnh: AFP

Với sự lựa chọn Hillary Clinton giữa những tên tuổi cũng sáng ngời khác nhưng "ít gai góc hơn" cho chức vụ ngoại trưởng, Obama đã chứng tỏ rõ rằng mình không thuộc tuýp người ngại va chạm. Cái mà ông đang muốn tạo lập nên là một “nội các đối địch” theo tư tưởng của Abraham Lincoln, người mà Obama hằng ngưỡng mộ.

Cho tới nay, ông đã tái hợp được những cá tính cực kỳ mạnh mẽ thuộc các tư tưởng và cả đảng phái khác nhau cho bộ máy của mình, mà đơn cử là trường hợp của Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng đang phục vụ trong chính quyền Cộng hòa của Tổng thống Bush. Dự kiến, Obama sẽ tuyên bố tiếp tục giữ ông Gates lại chiếc ghế quyền lực này trong cuộc họp báo hôm nay.

Cùng lúc, Obama cũng sẽ trao chức vụ bộ trưởng tư pháp cho luật sư Eric Holder, bộ trưởng an ninh quốc gia cho Thống đốc Arizona, ông Janet Napolitano và cố vấn an ninh quốc gia cho cựu tướng hải quân James Jones.

Obama tin rằng một “nội các đối địch” sẽ là nơi có đầy chỗ cho sự tranh luận, từ đó có được những quyết định khôn ngoan nhất.

Kiều Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.