Tự tạo cơ hội - Kỳ 30: Chăn nuôi theo cách chẳng giống ai

05/05/2014 01:35 GMT+7

Đang là sinh viên năm nhất ngành xây dựng, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng thì phải bỏ ngang vì bị hen suyễn, Nguyễn Trung Đang (29 tuổi, ở thôn Hoài Sơn, xã Bình Tường, H.Tây Sơn, Bình Định) về lại quê nhà. Không đầu hàng bệnh tật và hoàn cảnh, Đang đã tự tạo cho mình thêm nhiều cơ hội để làm giàu.

Chăn nuôi theo cách chẳng giống ai
 Anh Đang bên chuồng bồ câu trong trang trại - Ảnh: Tâm Ngọc

>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 29: Có nhu cầu là chế tạo
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 28: Hỗ trợ nghề nuôi tôm chân trắng
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 27: Thuần hóa vịt trời

Chúng tôi đến trang trại của Đang trong một trưa nắng gắt. Đường vào trại ngoằn ngoèo, mấp mô. Vừa vào đến trại, trước mắt là một màu xanh mát mắt với dàn bầu xanh mướt lủng lẳng trái, hồ cá, những cây xoài trĩu trái, bầy chim bồ câu đậu đặc kín trên mái chuồng heo... Trước khi lên trang trại, chúng tôi có nghe kể về bầy heo rừng đông đúc hiếm có của Đang nên rất háo hức để được nhìn tận mắt. Thế nhưng, “lên giờ này thì tụi nó không có ở nhà đâu, đi ăn rong trên rừng hết cả, chiều tối mới dắt nhau về”, Đang cười giải thích cho những khu chuồng trống không. Chúng tôi chưa hết ngạc nhiên thì Đang cho biết thêm: “Lúc đầu, nhiều người cũng thấy lạ và nghĩ tui... điên vì kiểu nuôi heo rừng mà lại cho thả rông như thế. Nhưng thật ra, heo rừng khôn lắm, đi rồi về chứ không mất, trừ khi bị ai bắt trộm thôi. Nuôi như vậy thì mới đúng là heo rừng, và heo mới sống khỏe được. Heo rừng mà đem nuôi nhốt như heo nhà thì nhanh chết lắm”.

 

Khởi nghiệp từ 20 triệu đồng nguồn vốn vay giải quyết việc làm để cải tạo khu đồi hơn 2 ha mở trang trại chăn nuôi, hiện nay anh Nguyễn Trung Đang đã có trang trại hơn 3 ha, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho một số thanh niên trong vùng với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Khởi đầu với mảnh đất nhỏ chưa đầy 2 ha của gia đình, Đang trồng bạch đàn rồi mua 2 heo mẹ, 7 heo con rừng về nuôi. Nào ngờ, số heo con lần lượt chết. Đang không nản, cố tìm kiếm tư liệu trên mạng và qua sách báo, quyết tâm nuôi gầy đàn từ 2 heo rừng mẹ sau 2 năm trở thành đàn heo 20 con. Không chỉ với heo rừng mà bầy dê của Đang cũng được nuôi như thế. Theo anh, dê là loại dễ nuôi và dễ bán nhất. Năm 2006, Đang mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở rộng chăn nuôi với đàn gà vịt, bồ câu hơn 1.200 con, đàn heo rừng, heo thịt và dê hơn 200 con... tạo thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Với người dân ở vùng đất cằn khô xã Bình Tường vào thời điểm trên thì thu nhập ấy quả là “khủng”.

Chỉ tay về con đường dẫn vào trang trại, Đang kể: “Đó là con đường mà tôi và gia đình đã tự mở cho mình”. Anh kể, lúc vừa rời trường đại học, về nhà với tình trạng sức khỏe nay ốm mai đau nên rất buồn và chán nản. “Không lẽ làm thanh niên, lại để cha mẹ già nuôi nên tôi quyết tâm thay đổi chính mình và cuộc sống của mình”, Đang bộc bạch. Quyết tâm vậy nhưng thực tế thì khó khăn không để đâu cho hết. Lúc đầu, Đang gầy dựng bầy heo rừng gần chục con, chưa kịp mừng thì cả đàn lần lượt chết. Sau đó, gầy lại bầy heo khác, nuôi thêm gà vịt, trồng keo bạch đàn, nuôi lươn... Mới ngẩng mặt lên được chút đỉnh thì gặp phải trận dịch năm 2010, cả trang trại với nhiều loại gia súc, gia cầm đều chết hết khiến vợ chồng anh nông dân trẻ trắng tay. Một lần nữa gượng dậy thì đến cuối năm 2013, trận lũ lịch sử chưa từng có ở Bình Định đã cuốn phăng tài sản, vốn liếng trong trang trại của Nguyễn Trung Đang. Anh chia sẻ: “Nói thật là nhiều lúc cũng muốn bỏ hết vì khó khăn này chưa qua thì tai họa khác ập tới. Vậy mà cũng không bỏ được. Bỏ thì ai làm, ai lo? Đầu năm 2014, Đang bắt tay thiết kế mô hình vườn - ao - chuồng cho trang trại của mình lần nữa. Lần này, anh mạnh dạn vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để đào hồ cá hơn 2.000 m2, mua thêm đất mở rộng trang trại...

Đang nói nuôi trồng con, cây gì cũng phải am hiểu thật tường tận về nó, kiên trì và sẽ thành công.

Tâm Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.