Huyền thoại những con đường - Kỳ 2: Đất của những lời thề

22/05/2014 10:35 GMT+7

Những năm chiến tranh, Quảng Bình là cả một trận địa lớn, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất; địch càng ngăn ta càng quyết tâm mở đường để dồn sức tiếp tế cho chiến trường.

 
Xe vượt cầu phao Long Đại nhân dịp 3 ngày ngừng bắn năm 1968 - Ảnh tư liệu chụp lại

>> Huyền thoại những con đường: Tầm chiến lược của giao thông

Năm 1960, Bộ Giao thông-Vận tải quyết định xây dựng bến phà 2 sông Gianh nối 2 huyện Quảng Trạch và Bố Trạch tại điểm vượt sông ngắn nhất. Trên các công trường cầu đường, phà đã phát động phong trào thi đua rầm rộ: “Nhổ cờ trắng, cắm cờ hồng”, “Thà ướt áo để ráo đường”, “Thà để phà chờ xe, không để xe chờ phà”.

Năm 1965, địch đánh 1001 trận, qua năm 1966 là 9482 trận vào các mục tiêu giao thông vận tải ở Quảng Bình. Tại bờ bắc phà Gianh, xã Quảng Thuận (nay thuộc thị xã Ba Đồn) trở thành trạm trung chuyển lớn của ta và cũng là túi hứng chịu bom đạn của giặc. Địch dùng 16 kiểu máy bay, 17 loại vũ khí, đánh phá 5.557 trận lớn nhỏ xuống Quảng Thuận, có trận đánh liên tục 24 giờ cả ngày đêm. Giặc dội xuống Quảng Thuận hơn 200.000 quả bom đạn các loại. Nhưng người Quảng Thuận dũng cảm chiến đấu, vận tải lương thảo đạn dược với khẩu hiệu: “Dẫu cho đầu đội tọa độ, chân đạp thủy lôi, không phút nghỉ ngơi, đưa hàng ra phía trước”. Bà con dũng cảm, mưu trí cứu thoát 1.000 đầu xe bị đánh phá trên địa bàn. Noi theo gương bà mẹ Trần Thị Choàng, 10 hộ tự nguyện phá tường nhà lấy vật liệu lấp hố bom thông đường cho xe qua; nên dân Quảng Thuận có câu ca: “Hết nhà ta lại phá tường/Không để xe tắc và đường ta hư”.

Đầu tháng 5.1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 triệu tập hội nghị liên tịch các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh với chuyên đề đảm bảo giao thông vận tải thời chiến. Hội nghị chủ trương phải bố trí một mạng lưới giao thông vận tải toàn diện. Khẩu hiệu chung được đề ra: “Địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá, ta lại sửa ta đi”, tiến tới “Địch phá ta cứ đi từng đoạn, từng tuyến”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc/Đường chưa thông, không tiếc máu tiếc công”.

Qua phía nam sông Gianh, khu vực đèo Lý Hòa trên QL 1 tuy không cao nhưng nằm sát biển nên trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt. Vì thế ta mở đường Ba Trại tránh trọng điểm trên. Một buổi chiều trên cung đường này, 3 nữ TNXP Hoàng Thị Minh Thú, Trần Thị Thế và Nguyễn Thị Tình tránh máy bay trong hầm thì bị bom dội trúng ngay hầm, cả 3 hy sinh. Khi mọi người đến cứu hầm thì thấy một bức thư của Minh Thú viết cho mẹ chỉ mới 6 tiếng đồng hồ trước đó; thư có đoạn: “Dù đổ máu con không tiếc tuổi xuân, hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Nếu con chết vì Tổ quốc, xin mẹ hãy tự hào về con”.

Năm 1968, địch đánh liên tục, khúc đường ra phà Gianh bị đào xới thành bãi lầy, ta phải rải đá làm đường ngầm. Cũng trên QL 1, nhân dân xã Võ Ninh (H.Quảng Ninh) là những người đầu tiên đưa ra khẩu hiệu: “Xe chưa qua nhà không tiếc”. Nhằm phá thế độc đạo cho 2 tuyến đường dọc xuyên suốt qua Quảng Bình, ta đã mở hệ thống đường nấc thang nối liền QL 1A và 15A gồm: tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 2, đường Chánh Hòa - Đá Mài, Đồng Phú - Phú Quý, Đồng Hới - Cộn, Quán Hàu - Vĩnh Tuy…

Trong đó, bị đánh ác liệt nhất nhưng ta cũng thành công nhất phải kể đến hệ thống đường ngang vượt Trường Sơn, phá thế độc tuyến. Đó là đường 12A với 500 công nhân ngày đêm đảm bảo giao thông. C759 đảm nhiệm 10 km từ Khe Cấy lên Bãi Dinh (H.Minh Hóa), cứ 1km có 1 tiểu đội TNXP chốt giữ. Địch đánh quét điên cuồng nhưng các TNXP vẫn kiên cường bám đường. Trước khi đi làm, đơn vị tổ chức truy điệu sống; “máu 759 có thể đổ nhưng đường 759 không bao giờ tắc”. C759 TNXP được tuyên dương là đơn vị Anh hùng; tiểu đội trưởng A6 Nguyễn Thị Kim Huế được tuyên dương Anh hùng lao động.

Đường 20 xuất phát từ động Phong Nha (H.Bố Trạch) vượt qua Trường Sơn, rút ngắn cung đoạn xuống đường 9. Đường được coi là một đầu mối trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Bộ GTVT và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã đặt tên là “con đường tuổi hai mươi” bởi lực lượng tham gia làm đường đều ở lứa tuổi 20. Hơn 8.000 người đã ào ạt xẻ núi, lấp khe mở đường. 84km được hình thành trong 6 tháng, đường 20 thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trên mặt trận vận tải, nên đường còn có tên là Quyết Thắng.

Đường 10 nối đường 15A vào đến đường 9 ở phía tây Quảng Trị. 6.000 TNXP đã đồng loạt mở đường với khí thế “địch phá ta cứ đi”. Khó có thể kể hết những gian khổ mà các nam nữ TNXP tuổi đôi mươi phải gánh chịu trong điều kiện đói cơm, thiếu nước, bệnh tật; thương nhau ai cũng chỉ biết rơi nước mắt. Trên 200 người đã ngã xuống oanh liệt, gần 700 người mang thương tật suốt đời...

Rồi đường 16 và nhiều con đường khác nữa, tất cả đã làm nên huyền thoại của dân tộc, của thế giới và của sức mạnh lòng dân.

Trương Quang Nam

>> Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển cập bến sông Gianh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.