Nóng bỏng buôn lậu vùng biên cuối năm - Cấm không được bán

23/12/2010 07:26 GMT+7

Nếu đọc ngược lại tựa bài trên “bán được không cấm”, bạn đọc sẽ hình dung được tình trạng buôn bán hàng cấm mà dân buôn lậu thường khẳng định qua cửa miệng như thế để thách thức lực lượng chống buôn lậu. Thuốc lá, rượu, pháo nổ, ma túy, tiền giả, vũ khí thô sơ… là những mặt hàng cấm buôn bán. Thế nhưng ở Quảng Ninh và Lạng Sơn, dân buôn lậu vì lợi nhuận cực cao, không từ bỏ mọi thủ đoạn để vận chuyển, buôn lậu những mặt hàng trên.

Làm giả tinh vi

Cửa khẩu Ka Long, Móng Cái, những ngày cuối năm, tấp nập những chuyến xe vận tải lớn. Dưới bến sông Ka Long, khu gần chợ trung tâm Móng Cái, hàng trăm chiếc thuyền chất ngất hàng hóa, ngược xuôi giữa hai bờ Việt Nam, Trung Quốc. Đang dạo quanh những cửa hàng quần áo, chúng tôi giật mình bởi tiếng mời mua thuốc lá ngay phía sau lưng. Quay lại gặp 2 phụ nữ đang bê những khay thuốc lá đầy ắp, với hơn chục nhãn hiệu khác nhau mời chào chúng tôi mua.

Cầm bao thuốc 555 dẹt, người phụ nữ mời: “Hàng Tàu xịn đó, anh lấy loại này hút cho ngon, chỉ 15.000 đồng/bao, còn mua cả cây em lấy tròn 120.000 đồng. Nếu không hút thuốc ngoại, anh lấy Vinataba hút cho đậm, em để rẻ cho 6.000 đồng/bao”. Không biết mức độ xịn của những loại thuốc này tới đâu nhưng thực sự cầm bao thuốc 555 hay Vinataba lên xem, chúng tôi khó có thể phân biệt được thuốc thật hay giả, chỉ biết giá của những loại thuốc này quá rẻ. Còn đang lưỡng lự trước chất lượng của những loại thuốc lá trên, chúng tôi lại tiếp tục nhận được sự “tiếp thị” của thêm 3 phụ nữ khác cũng bán thuốc lá vây quanh: “Các anh mua ít thuốc về làm quà, còn nếu có ý định cất hàng buôn bán lớn, chúng em đảm bảo chuyển hàng về tới tận Hà Nội cho. Giá tốt, chất lượng khỏi phải lo…”.

Quả thực lâu nay, nói tới buôn lậu thuốc lá nhiều người nghĩ ngay tới khu vực biên giới phía Tây Nam, ở những cửa khẩu với Campuchia. Thế nhưng, thực tế tại khu vực biên giới phía Bắc cũng xô bồ, nhộn nhịp không kém. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan số 1, Móng Cái thẳng thắn cho biết: “Gần đây dân buôn thuốc lá Trung Quốc qua khu vực biên giới đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, khác với biên giới Tây Nam, hàng lậu toàn thuốc xịn, còn thuốc lá Trung Quốc được tuồn qua biên giới phần lớn đều là hàng giả, làm nhái nhiều loại thuốc nổi tiếng, bán chạy của nước ngoài và Việt Nam như: 555, Mild seven, Esse, Vinataba, Vinagold… rất độc hại. Nguyên liệu sản xuất các loại thuốc chất lượng rất kém, nên giá thành mới quá rẻ như vậy”.

Ông Quân cho biết thêm, bên đó họ làm hàng giả rất tinh vi, nếu lấy 2 bao thuốc thật và giả ra so sánh, rất khó phát hiện được điểm khác nhau, nhưng quen mắt sẽ thấy thuốc lá giả do Trung Quốc sản xuất tất cả các bao đều có chung một số seri. Được biết, trong tháng qua, chỉ riêng Đội kiểm soát Hải quan số 1 Móng Cái đã thu giữ hơn 97.000 bao thuốc lá các loại. Nhưng theo ông Quân, đây chỉ là một phần nhỏ so với số lượng buôn lậu thuốc lá giả ở đây. Thuốc lá giả nhập lậu ngoài việc được vận chuyển bằng tuyến đường thủy trên sông Ka Long còn được các đầu nậu lén lút đưa về Việt Nam qua những đường mòn dọc biên giới tại các khu vực gần Vàng Lầy, Lục Lầm hay thậm chí vận chuyển bằng đường biển tại bến Vạn Gia, Trà Cổ.

Buôn lậu phức tạp ở các tuyến biên giới

Theo nhận định của Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an): Tình hình buôn lậu trên các tuyến biên giới đang diễn biến phức tạp vào thời điểm những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Noel và Tết Nguyên đán 2011.

Trên tuyến biên giới Tây Nam, các mặt hàng lậu như thuốc lá ngoại, rượu ngoại, đường cát, mỹ phẩm (hàng Thái Lan), phụ tùng xe ô tô, xe máy cũ và mới, vàng, đô la... được vận chuyển và tập kết ở biên giới Campuchia gần khu vực Mộc Bài, Trảng Bàng, Bến Cát (Tây Ninh), các huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), thị xã Châu Đốc, gò Tà Mâu (An Giang) rồi vận chuyển bằng xe khách, xe du lịch, ghe xuồng... về TPHCM tiêu thụ. Trên tuyến biên giới Tây Nam vẫn tồn tại những tụ điểm, đường dây buôn lậu với thủ đoạn chia nhỏ cung đoạn để vận chuyển, thuê người canh đường, cảnh giới, sử dụng bộ chứng từ lưu thông hàng hóa trên đường để quay vòng nhiều lần.

Tương tự, trên tuyến Quảng Ninh, Lạng Sơn – Hà Nội, nạn buôn lậu diễn ra khá phức tạp, dù quy mô và lượng hàng hóa nhập lậu không nhiều bằng các năm trước. Hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua 2 tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn chủ yếu theo Quốc lộ 18A và Quốc lộ 1B, phần lớn là pháo, rượu, tiền giả, quần áo, vải, giày dép, hàng điện tử gia dụng và hàng bách hóa gia đình.

Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát kinh tế đang tăng cường phối hợp lực lượng công an địa phương để nắm chắc tình hình buôn lậu tại các khu vực, tuyến trọng điểm ở khu vực biên giới, cửa khẩu, nơi tập kết hàng hóa cũng như những địa bàn trọng điểm tiêu thụ trong nội địa, xác minh các đường dây, tổ chức buôn lậu từ khâu vận chuyển đến khâu tiêu thụ... nhằm có biện pháp ngăn chặn, triệt phá hiệu quả.

D.L.

Ở Móng Cái, không chỉ buôn lậu thuốc lá giả, gần đây mặt hàng rượu ngoại giả cũng tuồn về rất nhiều để bán dịp tết. Phía bên cửa khẩu ở Đông Hưng, Trung Quốc có những khu phố chuyên bán rượu ngoại, nhưng thực chất đây là những “lò” chuyên phân phối rượu ngoại giả để nhập lậu vào Việt Nam. Một cán bộ quản lý thị trường ở Móng Cái cho biết, rượu Trung Quốc được dân buôn lậu đưa vào nội địa phần lớn làm giả nhiều nhãn hiệu rượu nổi tiếng thế giới như Henessy, Chivas, Cognhas XO. Mới đây, Đội kiểm soát Hải quan số 1 Móng Cái đã bắt giữ một container chứa tới 960 chai rượu ngoại mang nhãn hiệu Ballantine S21, giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Nhưng qua kiểm nghiệm lô rượu Ballantine S21 sang trọng đắt tiền này đều là hàng giả, trong rượu có nhiều độc tố cao như ethanol, chì vượt ngưỡng cho phép, gây hại cho sức khỏe. Không chỉ chế biến rượu ngoại giả, ngay cả rượu Vodka Hà Nội bán chạy cũng bị Trung Quốc làm giả và bán chỉ 4.000 – 5.000 đồng/chai ở Móng Cái.

Nóng mặt với “hàng nóng”

Nếu như cuối năm ở biên giới Móng Cái “nóng” với rượu và thuốc lá giả thì ở Lạng Sơn, mặt hàng pháo nổ, vũ khí thô sơ, tiền giả lại phức tạp không kém. Tại Lũng Vài (Trung Quốc), ngoài hàng điện tử, quần áo, vải vóc được tập kết thành những bãi khổng lồ, chúng tôi còn bắt gặp những dãy hàng bán pháo, với hàng chục loại pháo nổ, pháo hoa khác nhau. Xuân Thắng, một trong những cửu vạn ở Lũng Vài, chuyên vận chuyển pháo nổ cho biết, ở đây pháo được bày bán công khai vì Trung Quốc không cấm, giá chỉ 3 - 4 nhân dân tệ/hộp pháo nổ hay một ống pháo hoa. Sau khi vượt núi, theo đường mòn cánh gà, pháo được chuyển về Đồng Đăng, Lạng Sơn để ngụy trang, giấu kín trong những thùng hàng đưa về dưới xuôi bán với giá cao gấp 4 - 5 so với giá gốc. Theo ông Lương Văn Thơ, Phó Chi cục trưởng Hải quan Cốc Nam, nếu trước đây gần cửa khẩu Cốc Nam nổi tiếng với địa danh buôn lậu hang Dơi thì nay hình thành rất nhiều đường mòn được dân buôn lậu mở để vận chuyển pháo nổ, tiền giả, ma túy…

Trong khi đó, tại cửa khẩu Tân Thanh, một trong những địa điểm buôn bán sầm uất nhất ở khu vực biên giới Lạng Sơn, khi vừa tới đây, chúng tôi đã nhận được không ít lời mời chào, tiếp thị mua dùi cui điện, pháo, dao kiếm, thuốc kích dục… của những đối tượng bán hàng tạp hóa rong. Theo chân một đối tượng tên Minh chuyên môi giới hàng cấm, chúng tôi được dẫn vòng ra phía sau khu vực bãi xe ở Tân Thanh, sát với đường mòn giáp biên giới Trung Quốc, một bao tải hàng dao kiếm và dùi cui điện được đổ ra. Những thanh kiếm kiểu Nhật dài gần 1m sáng quắc, sắc lẹm được Minh ra giá 700.000 đồng/cây, còn dùi cui điện loại bỏ túi, dài chừng 30 cm, một đầu phóng điện, một đầu xịt ra hơi cay được bán với giá 300.000 đồng/chiếc… Trong thời gian gần đây, riêng Hải quan Tân Thanh đã bắt quả tang 19 vụ, thu hàng trăm dao, kiếm các loại, hàng trăm ký pháo nổ, pháo hoa và đặc biệt có hàng loạt pháo nổ giống như lựu đạn.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.