Mộng mị ở Hàng Châu

12/08/2012 03:28 GMT+7

Nông Tuấn Vỹ quê Nam Ninh (Quảng Tây), hiện 32 tuổi và đã sống ở Thượng Hải 12 năm. Nói tiếng Việt rất giỏi, sành sỏi từ lóng và ngọng nghịu "lờ" với "nờ". Là một hướng dẫn viên nhiệt tình và khoái đùa giỡn, chẳng khi nào thấy Vỹ tỏ ra nghiêm trang, đạo mạo.

Nông Tuấn Vỹ quê Nam Ninh (Quảng Tây), hiện 32 tuổi và đã sống ở Thượng Hải 12 năm. Nói tiếng Việt rất giỏi, sành sỏi từ lóng và ngọng nghịu "lờ" với "nờ". Là một hướng dẫn viên nhiệt tình và khoái đùa giỡn, chẳng khi nào thấy Vỹ tỏ ra nghiêm trang, đạo mạo.

Nông Tuấn Vỹ quê Nam Ninh (Quảng Tây), hiện 32 tuổi và đã sống ở Thượng Hải 12 năm. Nói tiếng Việt rất giỏi, sành sỏi từ lóng và ngọng nghịu "lờ" với "nờ". Là một hướng dẫn viên nhiệt tình và khoái đùa giỡn, chẳng khi nào thấy Vỹ tỏ ra nghiêm trang, đạo mạo.

 Mộng mi ở Hàng Châu 1
Tượng vợ chồng Tần Cối quỳ trước mộ Nhạc Phi - Ảnh: H.T

Duy chỉ một lần người ta thấy Vỹ khác hẳn.  Ấy là khi Vỹ lớn tiếng với một du khách: "Đừng có cười giỡn ở đây", rồi bằng giọng thành kính, kể về công đức của Nhạc Phi tại miếu thờ của vị võ tướng này ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Triết Giang.

Tất nhiên, vì Vỹ là người Trung Quốc. Nhạc Phi là anh hùng của dân tộc Vỹ. Một ngàn năm trước, Nhạc Phi là nỗi kinh hoàng của quân Kim, mỗi lần ra quân trăm trận trăm thắng, đã góp phần giữ vững phần đất còn lại của Nam Tống sau khi họ mất một nửa giang sơn vào tay người Nữ Chân.

***

Tây Hồ, nơi mộng và thật lẫn lộn, long lanh như một viên phỉ thúy gắn trên cái vương miện xanh ngắt của cố đô Lâm Ấp, tức Hàng Châu ngày nay. Trưa tháng 7 tiết trời oi nồng, mặt hồ như một tấm gương khổng lồ rừng rực hắt nắng lửa vào từng đoàn du khách lờ đờ vạ vật trên ghế đá ven bờ. Trên những con thuyền đang chầm chậm dạo quanh hồ, tiếng thuyết minh đều đều của hướng dẫn viên du lịch đưa du khách đang gà gật vào một thế giới lẫn lộn giữa huyền thoại và sự thật.

Không đếm xuể những điển tích liên quan đến vùng hồ mộng mị này, trong đó có những câu chuyện đã trở nên quen thuộc với người Việt qua những bộ phim truyền hình lê thê như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Thanh Xà - Bạch Xà, Thủy Hử. Còn đó chiếc cầu "trường kiều bất trường" được cho là nơi Lương - Chúc chia tay.  Hay ngọn tháp Lôi Phong lạnh lẽo tương truyền do Pháp Hải hòa thượng xây nên để trấn yểm Bạch Xà, vẫn hiện diện như một điểm nhấn cho vùng nước 6 cây số vuông. Ngôi mộ đơn sơ của Võ Tòng cũng thu hút những người từng nghiền ngẫm bộ truyện của Thi Nại Am, cho dù chẳng ai chắc được dưới ba tấc đất kia có thực sự còn di cốt của người hùng đả hổ hay không...

"Thượng hữu thiên đàng, hạ hữu Tô Hàng". Trong mắt người Trung Quốc, thiên đàng hạ giới Hàng Châu còn là điểm du lịch tâm linh với đích đến là khu miếu thờ Nhạc Phi. Họ đến để bái vọng Nhạc tướng quân, phỉ nhổ Tần Cối, chăm chú nghe những hướng dẫn viên du lịch như Nông Tuấn Vỹ lặp lại những bài học về lòng trung quân ái quốc. 

Thần tượng là linh hồn của chủ nghĩa dân tộc. Nhà văn võ hiệp Kim Dung - một người gốc Giang Nam - đã góp phần tô điểm thêm huyền thoại về họ Nhạc bằng những trường đoạn đầy kích thích về vũ mục di thư trải dài trong Xạ điêu tam bộ khúc. Đó là bộ binh pháp của Nhạc Phi, báu vật võ lâm, niềm khao khát của những kẻ mộng bá đồ vương, là nguyên cớ của những cuộc tàn sát đẫm máu trên giang hồ.   

Nhạc Phi và cuộc kháng Kim của Tống triều cũng được tái hiện hoành tráng trong show Tống thành thiên cổ tình, dưới bàn tay ma thuật của một anh hùng khác trong mắt Nông Tuấn Vỹ - đạo diễn Trương Nghệ Mưu.  Nếu đã từng xem bộ phim Anh hùng, không khó nhận ra dấu ấn họ Trương trong Tống thành thiên cổ tình, về một Trung Hoa gồm thâu thiên hạ trấn áp chư hầu. Buổi thiết triều hoành tráng, lộng lẫy vàng son với sự có mặt của các đoàn sứ thần cùng màn ca múa phục vụ "thiên tử". Rồi ngựa hí quân reo, khói lửa điêu tàn bao trùm sân khấu khi đoàn quân thiết kỵ thiện chiến của Ngột Truật tràn xuống phía nam...

Quay cuồng trong cơn thác ánh sáng, âm thanh, vũ đạo, kỹ xảo điện ảnh, món đặc sản văn hóa của Hàng Châu đẩy cảm xúc của khán giả Trung Quốc lên đỉnh điểm. Rất bi và rất hùng, cuộc kháng cự của quân dân nhà Tống trước các đợt tấn công bão táp của Kim quốc được khán giả hưởng ứng bằng những tràng pháo tay vang dội.  Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm... Trong không khí hừng hực ngất ngây lòng ái quốc của khán giả Trung Quốc, tôi cứ tự hỏi, có bao nhiêu trong số hàng ngàn người kia đã từng đọc qua bài thơ thần của Lý Thường Kiệt?

Và, có bao nhiêu trong số hơn 1,3 tỉ người của CHND Trung Hoa ngày nay hiểu được, trong suốt quá trình lập quốc, các triều đại của họ đã bao nhiêu lần xua quân xâm lược các quốc gia láng giềng?

***
Món giò cháo quẩy nổi tiếng của người Hoa gồm 2 chiếc làm bằng bột mì dính nhau, chiên giòn trong chảo ngập dầu. Nó xuất phát từ một điển tích rùng rợn, theo đó chiếc bánh tượng trưng cho hai vợ chồng Tần Cối bị trói chặt vào nhau ném vào vạc dầu, để trả giá cho cuộc mưu sát Nhạc Phi. 

Đại nguyên soái Nhạc Phi không chỉ nổi tiếng về tài thao lược, mà còn vì cái chết đầy oan khuất ở tuổi 39. Là cái gai trong mắt quân Kim, Nhạc Phi trở thành mục tiêu triệt hạ số một trong cuộc Nam chinh của Ngột Truật. Quân Kim đã bí mật liên lạc, mua chuộc tể tướng Tần Cối của nhà Nam Tống để tìm cách hãm hại Nhạc Phi. Sau nhiều thủ đoạn bất thành, cuối cùng vào tháng 1 năm 1142, Tần Cối cũng đã hạ độc thủ Nhạc Phi và con trai Nhạc Vân tại đình Phong Ba.

Giai thoại kể rằng, nguyên soái Hàn Thế Trung đã chất vấn Tần Cối: "Xử tội Nhạc Phi, thế bằng chứng đâu?". Tần Cối trả lời: "Không có, nhưng cũng không cần có (mạc tu hữu)". Vương Thị, vợ Tần Cối, thêm vào: "Phải biết bắt hổ dễ, mà thả hổ thì khó". Nếu Nhạc Phi là danh tướng số một Trung Quốc thì Tần Cối là đại Hán gian đầu bảng. Và câu nói nổi tiếng "mạc tu hữu" của thiên cổ tội nhân này đã đi vào ngôn ngữ Trung Quốc như một thành ngữ biểu hiện những lời nói càn quấy, bất chấp đạo lý.

 Mộng mi ở Hàng Châu 2
Lôi Phong tháp ở Tây Hồ (Hàng Châu, Trung Quốc), tương truyền là nơi trấn yểm Bạch Xà - Ảnh: H.T

Mộ phần của Nhạc Phi nằm trong một khu đất rợp bóng tùng bách của khu miếu.  Đối diện và nằm ngay cổng vào là tượng vợ chồng Tần Cối bằng gang, đen đúa thảm hại, hai tay bị trói ở tư thế quỳ nhốt trong cũi sắt. Người Trung Quốc đến đây để nhổ nước bọt, đánh vào đầu vợ chồng y, buông lời thóa mạ.  Và tôi hình dung rằng, khi ăn món giò cháo quẩy, chắc hẳn họ cũng dùng hết công lực của bộ răng để "xé xác" hai kẻ đã bán nước, giết hại một cách đê hèn bậc dũng liệt trung thần.

***

Sau cái bắt tay tại sân bay Phố Đông Thượng Hải, Vỹ ở lại Trung Quốc, chúng tôi về Việt Nam. Những mộng mị ở vùng đất phong tình Hàng Châu đã chẳng còn dấu vết trên chuyến bay về TP.HCM. Duy câu nói của Hán gian họ Tần vẫn không thôi ám ảnh. Tinh thần "mạc tu hữu" chẳng phải đã lưu truyền cho đến tận hôm nay hay sao? Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã "không cần có" bất cứ bằng chứng nào để tuyên bố chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; vẽ đường 9 đoạn tự coi biển Đông là ao nhà của họ...

Trong khi ở Hàng Châu, từ bao đời nay, vợ chồng Tần Cối vẫn quỳ trước mộ Nhạc Phi.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.