Nỗi buồn di tích: Hiu hắt khách tham quan

06/05/2012 03:19 GMT+7

Không phải tới bây giờ mà từ lâu, nhiều di tích kháng chiến, cách mạng đã vắng bóng người lui tới. Tình trạng này, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đã đến lúc phải đánh động.

Hiện vật nghèo nàn

Trước hết, có một thực tế ghi nhận tại nhiều điểm di tích cách mạng, kháng chiến, đó là số hiện vật, tư liệu lịch sử quá nghèo nàn. Ông Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, thừa nhận một trong những hạn chế khiến di tích kháng chiến, cách mạng kém hấp dẫn du khách là “nội dung trưng bày không phong phú”.

Tình trạng này xuất hiện ngay tại những di tích lớn như số 90 Thợ Nhuộm. Hiện vật được trưng bày chỉ vỏn vẹn một chiếc giường, một chiếc tủ, một bộ trường kỷ, một chiếc ghế ngựa. Trong đó, hiện vật được xem có giá trị nhất chỉ là bộ trang phục Tổng bí thư Trần Phú thường mặc khi hoạt động và bản Luận cương chính trị viết tay. Ông Nguyễn Doãn Tuân phân trần: “Ngôi nhà này trước đây là của một gia đình người Pháp. Các đồng chí Trung ương Đảng có thời gian dài sống và hoạt động bí mật trong tầng hầm, ngay giữa lòng địch, không khác gì những chiến sĩ tình báo. Do vậy, tư liệu, hiện vật lịch sử thời kỳ đó không có nhiều. Để được như hiện nay, chúng tôi đã phải cất công sưu tầm khắp trong nam ngoài bắc”. Một ví dụ khác là ngôi nhà ở số 5D Hàm Long. Tại đây, hiện vật đáng kể cũng chỉ có một bộ trường kỷ, một chiếc giường, một chiếc va li, bếp nấu. Trong đó, nhiều hiện vật được phục chế lại, không còn nguyên bản.

Số lượng hiện vật, tư liệu lịch sử ít ỏi khiến không gian di tích dù nhỏ hẹp vẫn trở nên trống trải. Do đó, khó tránh khỏi mang lại cảm giác buồn tẻ cho khách tham quan. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, họ đã không biết xem gì, ngắm gì ở di tích và chưa chắc đã cảm nhận được trọn vẹn giá trị lịch sử của di tích.

 Nỗi buồn di tích
Hiện vật trưng bày tại ngôi nhà số 5D Hàm Long vô cùng ít ỏi - Ảnh: Minh Ngọc

Không chỉ ít tư liệu, hiện vật, một trong những nhược điểm lớn tại nhiều di tích cách mạng, kháng chiến hiện nay là phương pháp trưng bày thiếu khoa học, hấp dẫn và nhất là hầu như chưa áp dụng phương pháp, kỹ thuật trưng bày hiện đại. Lý do được ông Nguyễn Doãn Tuân đưa ra là nguồn kinh phí đầu tư chưa lớn. Nhưng, quan trọng hơn - theo nhà sử học Dương Trung Quốc, di tích không lôi cuốn du khách còn do chính những người làm công tác trưng bày không biết cách chuyển tải câu chuyện, giá trị tư tưởng cốt lõi, không cần quan tâm công chúng muốn tìm điều gì ở di tích.

Chẳng hạn như tại ngôi nhà nơi Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, người ta chỉ thấy những bộ bàn ghế, những chiếc tủ cũ kỹ, được bố trí như lấp chỗ trống của căn phòng. Chúng được trưng bày đơn thuần như những đồ vật vô tri, khô khan, không biết kể chuyện. Ông Dương Trung Quốc trầm ngâm: “Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang có giá trị lịch sử lớn, cần được phổ biến, giới thiệu tới đông đảo người dân, nhất là ở khía cạnh Bác Hồ - một người cộng sản, lại chọn ngôi nhà của một gia đình tư sản để trú ngụ trong những ngày đầu cách mạng (gia đình ông Trịnh Văn Bô tự nguyện bao bọc cho nhiều chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật trong chính ngôi nhà họ đang sống - PV).

Điều đó cho thấy Bác tin vào lòng yêu nước có trong mọi tầng lớp nhân dân, dù cho đó là một người lao động nghèo khổ, hay một gia đình tư sản giàu có. Vậy mà, mọi nỗ lực của chúng ta chỉ là biến ngôi nhà thành nơi lưu niệm về Bác Hồ, không hề thấy bóng dáng của gia đình đại tư sản, những con người đã đóng góp cho đất nước”.

Theo TS sử học Đặng Thị Vân Chi, cách trình bày như vậy là trái với quan điểm sử học hiện đại: Lịch sử không chỉ là lịch sử của các chính đảng, các lãnh tụ, các tôn giáo hay là một nhóm thượng lưu nào… mà phải được trình bày như là “sự nghiệp của quần chúng nhân dân”. Bà nhấn mạnh: “Câu chuyện trên còn phải được kể như là minh chứng cho khát khao độc lập tự do của mọi tầng lớp nhân dân - cội nguồn sức mạnh tạo nên những điều kỳ diệu”.

Thói quen chưa hình thành

Có một hiện trạng đáng chú ý là, nếu như nhiều người dân vẫn thường xuyên đến các di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, thì họ lại rất ít khi có thói quen tham quan bảo tàng, di tích cách mạng, kháng chiến. Theo quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc, điều cần thiết trước hết là người dân phải nhận thức rõ về giá trị của các di tích như chứng tích một thời lịch sử, cách mạng. Để hình thành thói quen mới, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận sẽ cần một quá trình dài, với những tác động mạnh mẽ lên cả hai đối tượng: người dân và các nhà quản lý, nhất là các nhà quản lý di tích.  

Thực tế cho thấy, những người làm công tác quản lý di tích hiện đang bị động với việc phát huy giá trị di tích, không có thói quen chủ động lôi kéo khách tham quan như liên kết với các hãng lữ hành, các cơ quan, trường học, hoặc đơn giản hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Chẳng hạn như tại di tích số 90 Thợ Nhuộm, một quy định khó hiểu được đặt ra là, du khách chỉ được tham quan trong hai, ba ngày cố định trong tuần, trong khi đáng lẽ di tích phải mở cửa hằng ngày. Những người làm việc ngay tại di tích chưa có thói quen tiếp đón, phục vụ du khách một cách chu đáo. Hay ở di tích số 48 Hàng Ngang, dù mỗi ngày có tới trên dưới 10 lượt khách, nhưng khi chúng tôi tới lại không có lấy một nhân viên thuyết minh nào. Một nhân viên làm việc tại đây cho hay: “Nếu muốn được thuyết minh, phải liên hệ từ trước”. 

Hằng năm, nhiều di tích cách mạng, kháng chiến vẫn đều đặn nhận được kinh phí hoạt động, tu bổ, tôn tạo từ nhà nước. Thiết nghĩ, các nhà quản lý văn hóa không nên vì thế mà xao lãng, quên mất trách nhiệm phát huy giá trị di tích, để mặc có khách đến thì tốt, không có cũng chẳng sao.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.