Thiên tài vẽ tranh giả - Kỳ cuối: Lộ tẩy

04/05/2012 09:23 GMT+7

Beltracchi có đủ yếu tố cần thiết của một bậc thầy vẽ tranh giả: kiến thức về lịch sử mỹ thuật và khoa học, làm chủ mọi kỹ thuật vẽ và tài năng nghệ thuật đáng kể. Nhưng Beltracchi cũng không thiếu sự nhẫn tâm của một con bạc, lợi dụng lòng tham của thị trường mỹ thuật nóng sốt quá mức.

Beltracchi có đủ yếu tố cần thiết của một bậc thầy vẽ tranh giả: kiến thức về lịch sử mỹ thuật và khoa học, làm chủ mọi kỹ thuật vẽ và tài năng nghệ thuật đáng kể. Nhưng Beltracchi cũng không thiếu sự nhẫn tâm của một con bạc, lợi dụng lòng tham của thị trường mỹ thuật nóng sốt quá mức.

 Thiên tài vẽ tranh giả 1
Beltracchi (trái) và luật sư biện hộ tại phiên tòa tháng 10-2011 - Ảnh: Hãng tin Đức DAPD

Nghi ngờ không tốt cho chuyện kinh doanh!

Một nhà buôn có thể mua một bức tranh với giá hàng trăm ngàn USD nhưng biết chắc có thể bán lại với giá gấp đôi hay gấp ba lần thường sẽ không muốn đặt quá nhiều câu hỏi về nguồn gốc. Trong hầu hết trường hợp, các chuyên gia cũng xem xét các bức tranh nhưng tài nghệ của Beltracchi giỏi đến mức không ai nhận ra điều gì khác thường.

Beltracchi nói: "Không ai muốn mua tranh giả cả. Nhưng bức tranh càng đẹp và không có gì khác thường thì người ta càng dễ tin".

Một khi bức tranh giả đã được trưng bày ở bảo tàng và được một nhà sưu tập lớn mua thì đó chính là sự chứng thực hoàn hảo nhất.

Các tác phẩm mỹ thuật mang lại rất nhiều tiền và sự cạnh tranh tìm nguồn hàng mới trong một thị trường hẹp rất khốc liệt. Các nhà đấu giá đặt ra rất ít câu hỏi vì sợ người bán tiềm năng sẽ mang hàng bán chỗ khác.

Tương tự, các chuyên gia thích xác nhận bức tranh là thật hơn, vì nếu đánh tiếng nghi ngờ sẽ có khả năng làm hỏng apphe của thân chủ. Thêm vào đó, thị trường mỹ thuật không thiếu những hoạt động mờ ám khi tiền được trao dưới gầm bàn và các nhà giàu yêu nghệ thuật luôn giấu kín nhân thân. Tất cả trở thành con rối của Beltracchi.

Khi phóng viên tờ Spiegel hỏi thẳng Beltracchi về nghi vấn cho rằng ông ta đã trả cho Werner Spies hơn 500.000 USD để thẩm định chứng thực bảy bức tranh Max Ernst giả, Beltracchi chỉ trả lời lửng lơ: "Có thể lắm". Còn Spies cho rằng chi phí thẩm định trong khoảng 8-9% giá bán tranh là chuyện hoàn toàn bình thường.

Beltracchi cũng công nhận đó là cái giá bình thường của một chuyên gia tầm cỡ như Werner Spies. Rồi nói vu vơ: "Với một số người, lòng cảm thông của tôi không lớn bằng lòng tham của họ".

 Thiên tài vẽ tranh giả 2
Hưởng chế độ "tù mở", hằng ngày Beltracchi vào thành phố vẽ tranh, tối lại vào trại giam - Ảnh: M.Esser

Chỉ vì tuýp sơn dầu ghi sai nhãn

Năm 2006, vợ chồng Beltracchi giao một bức tranh của Campendonk tựa đề Tranh đỏ với những con ngựa cho nhà buôn tranh Kunsthaus Lempertz ở Cologne. Họa sĩ Heinrich Campendonk - sinh năm 1889 ở Krefeld và mất năm 1957 ở Amsterdam - là thành viên của nhóm họa sĩ "Kỵ sĩ xanh" đầu thế kỷ 20. Nổi tiếng nhất trong nhóm này là các tên tuổi như Paul Klee và Wassily Kandinsky.

Trong danh mục tác phẩm của Campendonk đúng là có một bức tranh mang tựa đề Tranh đỏ với những con ngựa nhưng không hề có hình ảnh hay thông tin nào còn lưu giữ được về kích thước cũng như tông tích tác phẩm bị thất lạc này.

Mọi bức tranh đều phải có giấy chứng thực trước khi đấu giá, nhưng nhà buôn tranh Lempertz không hiểu sao lại đưa bức tranh của Campendonk ra đấu giá mà không tổ chức thẩm định. Tháng 11-2006, Công ty Trasteco Ltd ở đảo Malta mua bức tranh với giá cuối cùng 3,8 triệu USD. Đó là cái giá kỷ lục được trả cho một bức tranh bán đấu giá tại Đức vào năm ấy.

Nhưng do không có chứng từ thẩm định, bên mua ở Malta không muốn liều lĩnh nên nhờ một gallery ở Thụy Sĩ tư vấn. Các chuyên gia Thụy Sĩ thấy chuyện không có chứng thực là chuyện khác thường nên yêu cầu nhà buôn tranh Lempertz xuất trình các giấy tờ liên quan. Lempertz chỉ trả lời là con trai của họa sĩ Campendonk đã khẳng định bằng miệng rằng đó là bức tranh thực.

Trasteco bèn thuê nữ sử gia mỹ thuật Andrea Firmenich, người đã làm luận án tiến sĩ về Campendonk, vào cuộc nhưng chuyên gia này cũng không thể xác định bức Tranh đỏ với những con ngựa là giả mạo. Chính nữ chuyên gia này vào năm 1995 cũng đã chứng thực cho một bức tranh Campendonk giả mạo của Beltracchi để nhà đấu giá Christie’s ở London bán cho giới sưu tập. Bà ta đề nghị Trasteco nên thuê kiểm nghiệm bằng phương pháp khoa học.

Trasteco quyết định thuê Art Access & Research, một công ty hàng đầu của Anh chuyên về phân tích khoa học các tác phẩm mỹ thuật. Đến năm 2008 thì có kết quả kiểm nghiệm: trên vải bố có dấu vết của màu trắng titan, một chất màu chưa hề có vào thời Campendonk nên chắc chắn đấy là tranh giả!

Beltracchi nói về sai lầm của mình: "Tôi luôn dùng màu trắng kẽm, loại màu hết sức phổ thông vào thời Campendonk. Thường thì chính tay tôi pha màu nhưng lúc đó tôi thiếu màu trắng. Do đó tôi lấy một tuýp màu trắng kẽm của Hà Lan sản xuất để pha. Rủi thay, trong loại màu này có trộn lẫn một lượng nhỏ màu trắng titan nhưng thành phần ghi trên nhãn không hề nêu ra".

Toàn bộ vấn đề bị phát hiện chỉ vì một tuýp màu ghi sai nhãn!

Bên mua ở Malta đâm đơn kiện ra tòa án Cologne đòi bồi thường. Nhiều cuộc thẩm định được tổ chức sau đó với những kết quả trái ngược nên tòa án dân sự không thể phán quyết. Sau hai năm đòi bồi thường không ngã ngũ, đến năm 2010 Công ty Trasteco đệ đơn kiện lên tòa án hình sự.

Ngày 24-8, cảnh sát Đức bắt giữ cả Beltracchi lẫn Helene khi hai vợ chồng vừa ra khỏi ngôi biệt thự 6,5 triệu USD của họ ở Freiburg để đi ăn tối.

Ở tù vẫn vẽ

Vợ chồng Wolfgang và Helene Beltracchi cùng đồng lõa bắt đầu bị bắt giam 14 tháng trước khi đưa ra tòa án Cologne xét xử vào tháng 10-2011 và chính thức thụ án từ tháng 3 năm nay. Vụ án Beltracchi liên quan đến 14 bức tranh được cho là đã mang về cho cặp vợ chồng này 21 triệu USD. Tổng số thiệt hại tính theo nhiều lần mua đi bán lại các bức tranh này lên tới 45 triệu USD.

Vợ chồng Beltracchi phải rao bán hai cơ ngơi xa hoa ở Pháp và Đức để bồi thường thiệt hại. Hai người cùng chịu án tù ở Cologne nhưng ở hai nhà tù khác nhau. Phán quyết của tòa cho hai vợ chồng được hưởng mức án giảm nhẹ vì "khai báo đầy đủ". Beltracchi lãnh án 6 năm còn bà vợ lãnh 4 năm nhưng lại hưởng chế độ... tù mở.

Theo luật pháp Đức và một số nước, "tù mở" là một cơ chế hình phạt mà các tù nhân được tin cậy rằng sẽ thụ án với mức giám sát và quản chế tối thiểu, vì thế sẽ không bị nhốt trong nhà giam. Tù nhân có thể được phép tìm việc làm trong cộng đồng và cuối ngày lại quay về nhà tù. Đến tuổi 61, sau 35 năm ngao du và sống hoang phí, bây giờ Beltracchi mới bắt đầu có việc làm ổn định.

Hằng ngày hai vợ chồng rời nhà tù đến studio của nhà nhiếp ảnh Manfred Esser làm việc. Vẫn công việc cũ: Beltracchi vẽ tranh còn Helene đi tìm khách hàng mua tranh! Lần này là những sáng tác ký tên thật của Beltracchi. Esser đã nâng đỡ người bạn họa sĩ của mình suốt thời gian bị giam giữ trước khi xét xử. Beltracchi đang cộng tác với Esser vẽ loạt tranh đầu tiên. Chủ đề là những bức chân dung của chính Beltracchi do Esser chụp, phóng ra khổ lớn và Beltracchi sẽ vẽ chồng lên trên chân dung mình bằng đủ bút pháp của các danh họa đầu thế kỷ 20.

Nhiều người cho rằng Beltracchi hưởng một bản án quá nhẹ. Còn Beltracchi rất bình thản: "Một người có thể là tội phạm đối với một số người nhưng lại là một họa sĩ đối với nhiều người khác". Cuộc sống "tù mở" này đối với Beltracchi phần nào cũng là sự giải thoát. "Bây giờ tôi có thể làm tất cả những gì tôi luôn thích làm: viết sách, làm phim, tạc tượng và vẽ những đề tài của riêng tôi".

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.