Hôn mê do... ngưng rượu đột ngột

24/11/2010 07:20 GMT+7

Bệnh viện đa khoa Triều An (TP.HCM) vừa phát hiện một bệnh nhân bị hôn mê và thiếu vitamin B1 trầm trọng do nghiện rượu. Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.

Bác sĩ Ngô Dũng Cường - trưởng khoa cấp cứu hồi sức chống độc Bệnh viện Triều An - cho biết ông Q.T. (59 tuổi, ở Long An) được bệnh viện chẩn đoán bị hôn mê và thiếu vitamin B1 trầm trọng do sử dụng rượu kéo dài.

Đây là hậu quả thỉnh thoảng vẫn xảy ra trên người nghiện rượu. Người nhà cho biết ông Q.T. có tiền căn uống rượu khoảng 20 năm, trung bình mỗi ngày 250ml rượu đế.

Não vẫn bình thường

Ngày 5-11, ông Q.T. được người nhà đưa đến Bệnh viện Triều An cấp cứu trong tình trạng chóng mặt, mê sảng, không kiểm soát được lời nói. Bệnh viện chụp CT não cho bệnh nhân và kết quả không thấy bất thường ở não. Năm ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân bị hôn mê sâu. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm không phù hợp với chẩn đoán ban đầu là sảng rượu hoặc hôn mê gan (xét nghiệm chức năng gan cho kết quả khá ổn định).

 Theo bác sĩ Dũng Cường, nghiện rượu thường dẫn đến những tác hại ở các cơ quan như dạ dày, tụy, tim và gan. Nhiều trường hợp bị mê sảng do ngưng uống rượu. Tuy nhiên, ở trường hợp bệnh nhân Q.T., các xét nghiệm cận lâm sàng đã loại trừ tất cả khả năng trên.

Sau vài ngày điều trị sức khỏe bệnh nhân không tiến triển, nghi ngờ có thể ông Q.T. bị hội chứng Wernicke-Korsakoff (một hội chứng thần kinh xảy ra do nghiện rượu dẫn đến thiếu vitamin B1 nặng, kéo dài) bác sĩ quyết định tiêm tĩnh mạch vitamin B1 liều cao (500mg x 3 lần/ngày) liên tiếp trong hai ngày.

Đúng như dự đoán của các bác sĩ, ông T. đã tỉnh lại tuy chưa hồi phục nhận thức hoàn toàn. Đến chiều qua 23-11, bệnh nhân vẫn được theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt.

Cai nghiện từng bước

Muốn bỏ rượu thì nên cai thế nào? Bác sĩ Đào Trần Thái - chủ nhiệm bộ môn tâm thần Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết nghiện rượu giống như nghiện ma túy. Ngưng rượu đột ngột cũng giống như người nghiện ma túy bị cắt heroin đột ngột, sẽ rơi vào cơn mê sảng. Khi xuất hiện hội chứng cai, tất cả cơ thể bị xáo trộn.

Ngoài tình trạng tỉnh táo bị suy giảm, bệnh nhân còn xuất hiện triệu chứng tay chân run, thậm chí toàn thân run. Bệnh nhân có thể bị co giật như động kinh, mạch và huyết áp tăng, thậm chí bị sảng. Khi bị sảng mà không được bù nước và điện giải, bệnh nhân sẽ trụy tim mạch, nguy cơ tử vong rất cao.

Y văn cũng thống kê có khoảng 16-20% người hôn mê do nghiện rượu bị tử vong (tùy quốc gia).

Theo bác sĩ Đào Trần Thái, việc cai rượu không thể tự cai ở nhà, phải thực hiện từng bước tại cơ sở y tế, có hướng dẫn của thầy thuốc, người nghiện rượu phải đồng ý và có quyết tâm cai. Trước khi cai, bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm xem có bị tổn thương về tim mạch, gan, thận không.

Việc cai rượu mất nhiều thời gian, ít nhất là sáu tháng, thậm chí phải vài năm.

Hội chứng Wernicke-Korsakoff: Triệu chứng ban đầu là bệnh nhân nói sảng, chóng mặt. Giai đoạn này chụp phim não không xác định được tổn thương. Nếu không điều trị, vài ngày sau sẽ dẫn đến hôn mê.

Khi bị hôn mê, nếu tiếp tục không được điều trị chính xác bệnh nhân sẽ hôn mê sâu thời gian dài, dẫn đến tổn thương não và tử vong. Hội chứng Wernicke-Korsakoff xảy ra trên bệnh nhân đang uống rượu, khi ngưng đột ngột cơ thể sẽ phản ứng (hội chứng cai nghiện), bệnh nhân thường rơi vào mê sảng.

Bệnh nhân mắc hội chứng Korsakoff - một hậu quả trực tiếp của bệnh não Wernicke - có các biểu hiện là giảm khả năng nhớ và trí nhớ trầm trọng; mất phương hướng và mệt mỏi; quên hẳn những chuyện vừa xảy ra hoặc bịa ra những chuyện họ cho là đã xảy ra.

Một báo cáo dựa trên kết quả giải phẫu tử thi ở Mỹ năm 2009 cho thấy 12,5% số người tử vong do nghiện rượu có dấu hiệu của bệnh não Wernicke.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.