Nụ cười Ronaldinho

24/12/2005 15:41 GMT+7

Trong các bài báo về bóng đá gây cho tôi sự chú ý và thú vị đặc biệt là về danh thủ đoạt Quả bóng vàng châu u 2005 Ronaldinho, với những lời khen ngợi tốt đẹp nhất của những người lừng danh trong lĩnh vực bóng đá như Michel Platini, Jean Pierre Papin, Zinedin Zidane, Luis Figo, Johan Cruyff... dành cho anh. Ronaldinho hẳn phải vô cùng hạnh phúc khi được các thần tượng bóng đá một thời (hoặc nhiều thời) đánh giá anh cao như thế.

Tôi lại chú ý đến Ronaldinho vì khía cạnh khác. Qua lời phát biểu của danh thủ Jean Pierre Papin: "... cậu ấy luôn tạo niềm vui cho bản thân và mọi người trên các khán đài. Cậu ấy luôn tươi cười. Nếu còn thi đấu, hẳn tôi rất thích chơi chung với cậu ấy"; của "cựu hoàng" bóng đá Pháp Michel Platini: "... cậu ấy mang lại niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người và rất điển trai với nụ cười trên môi", tôi tò mò nhìn kỹ lại bức ảnh Ronaldinho đang ôm quả bóng vàng được in bên cạnh. Quả là tôi không thể tìm thấy nét "điển trai" nào trên gương mặt của anh chàng cầu thủ trẻ tuổi này (hay vì quan điểm thẩm mỹ của người phương Tây có khác với phương Đông chúng ta?). Và tôi tự hỏi: "Có phải chính nụ cười đã làm cho khuôn mặt rất bình thường ấy trở nên điển trai"?

Có vẻ như có một sự nhất trí cao trong những lời bình luận của các danh thủ và báo chí phương Tây, rằng: "điểm nổi bật ở Ronaldinho không chỉ là tài chơi bóng thần kỳ mà còn chính ở nụ cười luôn nở trên môi anh", như lời nhận xét của HLV Rijkaard: phong cách hồn nhiên trẻ trung của Ronaldinho đã giúp đội Barca vượt qua những áp lực và mang nụ cười trở lại cho đội bóng sau nhiều năm dài hiu hắt, đã khiến cho nhiều cầu thủ nổi tiếng chọn Barca để gắn bó vì ở đó luôn có nụ cười của Ronaldinho... Dường như nụ cười của Ronaldinho cũng tỏa sáng không kém trái bóng trên chân anh, và điều đó khiến mọi người chung quanh anh dễ chịu biết bao.

Thấy dư luận đề cao nụ cười của chàng cầu thủ trẻ tuổi mà lòng chạnh nghĩ đến thái độ lạnh lùng khá phổ biến trong xã hội ta, nhất là khi vào những nơi mua bán các dịch vụ quốc doanh hay tiếp xúc với các cán bộ Nhà nước. Tôi cứ thắc mắc, một điều đơn giản đến thế, dễ thực hiện đến thế mà sao nhiều người không làm được, không muốn làm? Để nở một nụ cười, ta nào có tốn thời gian, lại cũng chẳng tốn tiền bạc hay công sức, mà lợi ích đem lại thì rất cao: mối thiện cảm dành cho người bán hàng nhã nhặn, vui vẻ, hẳn sẽ lôi kéo khách hàng trở lại nhiều lần và doanh thu tăng theo; hay sự thông cảm, tin cậy dành cho những cán bộ đại diện chính quyền có gương mặt tươi cười nhất định cũng tạo ra tác dụng tích cực trong việc đánh giá cách điều hành bộ máy nhà nước.
Nhiều người trong dân ta không biết cười!

Xưa, nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh "chê" dân ta "gì cũng cười" mà nay tìm cho được một nụ cười ở những nơi cần nụ cười nhất sao khó quá! Có lúc tôi đâm nghĩ quẩn: Hay một sự đột biến "gien" nào đó đã khiến cho nhiều người dân ta bị "khuyết tật bẩm sinh"? Nhưng không phải vậy. Khi kinh tế thị trường bắt đầu rõ nét trong các thành phố lớn, sự "khoanh vùng nụ cười" được dễ dàng nhận ra. Tại các dịch vụ quốc doanh độc quyền hay ở các công sở, những bộ mặt khó đăm đăm dễ làm ta căng thẳng, nản lòng, bực bội. Ngược lại, ở những nơi có sự cạnh tranh thị trường, người có nhiệm vụ tiếp xúc với khách hàng ít khi dám giữ thái độ lạnh lùng xa cách làm phật lòng "thượng đế" (có lẽ họ ý thức rằng mình không nên "giỡn mặt" với "thượng đế", hậu quả sẽ khó lường!). Gương mặt họ vì thế thường tươi tắn, tạo cho người tiếp xúc cảm giác thoải mái dễ chịu. Các "thượng đế" hay mách nhau: "Chỗ nọ... chỗ kia... được lắm, có cô (anh) bán hàng rất dễ thương, vui vẻ, tận tình...", thay vì "tớ sẽ chẳng bao giờ vào đó nữa, cái mặt khinh khỉnh nhìn thấy mà ghét!"... Nụ cười được "phân bổ" theo "vùng" kiểu đó thì chắc chắn gương mặt thiếu vắng nụ cười không phải là "khuyết tật bẩm sinh" của dân ta, mà là kết quả của quá trình đào tạo nhân lực có hay không đặt nặng tính phục vụ. Giả như cấp lãnh đạo đưa "tiêu chuẩn nụ cười" vào tiến trình chọn lựa hoặc sa thải nhân viên, liệu có nhân viên hay cán bộ nào dám... không cười?

Những câu khẩu hiệu "Khách hàng là thượng đế", "Cán bộ là đầy tớ của nhân dân" vẫn chưa biến mất trên các bức tường nơi mua bán hay công sở. Nhưng hình như đã "xưa rồi Diễm ơi"! Cứ như những người kẻ pa-nô vì bối rối mà ghi sai chủ ngữ hoặc đảo ngược vị trí các từ trong câu khẩu hiệu. Nếu thượng đế thường được hiểu là người nắm quyền sinh sát trong tay thì tôi đã kịp nhìn thấy chân dung thượng đế rồi ! "Ngài" có mọi quyền hành: bán hay không bán, ký hay không ký, cười hay không cười...

Thiết nghĩ, trong các môn dạy và học, có lẽ không có môn nào đơn giản hơn mà đem lại hiệu quả lớn lao và tức thì như môn dạy và học... cười. Không tốn công soạn bài, chẳng tốn công học bài, chỉ việc thay đổi cơ môi đôi chút... Vậy mà sao không thấy những người có thẩm quyền nghĩ đến chuyện đưa vào "giáo trình" để tạo ra những mối quan hệ xã hội tốt đẹp? Hay vì họ chính là "thượng đế": dạy cái gì hay không dạy cái gì là quyền của "các ngài?".

Kim Quy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.