Vì sao các bệnh viện quá tải triền miên?

28/12/2008 21:05 GMT+7

Tình trạng quá tải người bệnh ở các cơ sở y tế đã làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân

Hôm qua, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị tổng kết ngành y tế năm 2008 và triển khai kế hoạch năm 2009, do Bộ Y tế tổ chức, có sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, và lãnh đạo một số bộ, ban ngành T.Ư và địa phương.

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), mặc dù trong thời gian qua, ngành y tế luôn nỗ lực nhưng mạng lưới khám chữa bệnh (KCB) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và một số mặt hạn chế như: đầu tư cho y tế chưa tương xứng với nhu cầu KCB; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của nhiều bệnh viện (BV) xuống cấp; tình trạng quá tải, người bệnh phải nằm ghép đôi, ghép 3 tại các BV tuyến T.Ư (BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Nhi T.Ư, BV K...) là khá phổ biến, đã kéo dài nhiều năm nay làm ảnh hưởng tới chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh. Theo thống kê, công suất sử dụng giường bệnh của các BV công lập liên tục gia tăng qua từng năm (năm 2004 công suất sử dụng giường bệnh là 110%; năm 2005: 114,5%; năm 2006: 120%; năm 2007: 123,4%). Bình quân công suất sử dụng giường bệnh ở BV tuyến tỉnh 123,8%, còn ở BV tuyến T.Ư cao hơn nữa (với 139,2%).

Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên trong những năm qua là hệ quả của sự  mất cân đối giữa nhu cầu KCB của người dân và khả năng cung cấp dịch vụ KCB của hệ thống y tế. Nhìn từ nhiều góc độ, có những nguyên nhân khiến các BV quá tải triền miên, đó là: nhu cầu KCB tăng cao - số lượng người bệnh đến BV khám và điều trị ngoại trú luôn tăng mỗi năm từ 5,8%-13,4%; số lượt điều trị nội trú tăng hằng năm từ 7,2%-12,3%. Tăng là do nhiều lý do như: tỷ lệ người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tăng nhanh trong những năm gần đây (đến năm 2007 cả nước có 36,18 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 43% dân số); mô hình bệnh tật trong nước đang chuyển dần từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh "thời đại" (chiếm 62,5% bệnh tật) như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Đây là những bệnh mãn tính, việc điều trị kéo dài, làm gia tăng lượt người bệnh đến BV. Một nguyên nhân nữa là tỷ lệ giường bệnh/vạn dân còn thấp so với nhu cầu KCB của người dân (tỷ lệ giường bệnh/vạn dân của cả nước chỉ đạt 17,3), và phân bố không đồng đều giữa các vùng miền (chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn). Năng lực y tế tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân khiến các BV tuyến trên quá tải trầm trọng - rất nhiều BV tuyến huyện xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, thiếu cán bộ y tế giỏi chuyên môn..., trong khi điều kiện kinh tế người dân các tỉnh ngày càng khá, họ có xu hướng lên tuyến trên điều trị...

Trước thực trạng quá tải ở các BV, Bộ Y tế vừa triển khai Đề án 1816. Đây là đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới để nâng cao chất lượng KCB, được thực hiện vào cuối tháng 5 vừa qua. Qua 7 tháng triển khai, đến nay đã có 55 BV trực thuộc Bộ, một số BV loại I của TP.HCM và Hà Nội cử 603 cán bộ đến các BV tuyến dưới. Bên cạnh đó, nhiều phương thức trước mắt và lâu dài khác cũng đã và đang được vận dụng nhằm giảm bớt tình trạng quá tải như: kê thêm giường bệnh; nâng cấp, mở rộng, xây mới BV, bổ sung trang thiết bị; áp dụng kỹ thuật mới để rút ngắn ngày nằm viện...

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.