Nặng ưu đãi, nhẹ quản lý

14/04/2014 02:14 GMT+7

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thuế, năm 2013 khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lỗ trên 68.000 tỉ đồng và là khối có mức tăng lỗ mạnh nhất trong nền kinh tế. Nghịch lý là những chỉ số "sức khỏe" của khối này trước đó lại cho thấy một thể trạng cực kỳ sung mãn chứ không hề ốm yếu như kết quả nói trên.

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thuế, năm 2013 khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lỗ trên 68.000 tỉ đồng và là khối có mức tăng lỗ mạnh nhất trong nền kinh tế. Nghịch lý là những chỉ số "sức khỏe" của khối này trước đó lại cho thấy một thể trạng cực kỳ sung mãn chứ không hề ốm yếu như kết quả nói trên.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) FDI năm 2013 đạt trên 88 tỉ USD, cao gấp đôi con số 44 tỉ của khối DN trong nước. Xét về tốc độ, họ tăng tới 22,4% trong khi các DN trong nước chỉ tăng 3%. Đặc biệt, toàn bộ thành tích xuất siêu của năm 2013 thuộc về các DN FDI. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, họ đã xuất siêu tới gần 14 tỉ USD trong khi DN nội nhập siêu trên 13 tỉ USD. Thừa thắng xông lên, quý 1/2014, các DN này tiếp tục xuất siêu 3,9 tỉ USD trong khi khối nội nhập siêu 2,9 tỉ USD. Với sự đối ngược này, thành tích xuất siêu 1 tỉ USD trong 3 tháng đầu năm lại thuộc về khối ngoại. Như vậy, trong bức tranh xuất khẩu "sức khỏe" của các DN FDI là vô địch.

Năm 2013 cũng là năm đăng ký FDI đạt mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây với 21,6 tỉ USD, tăng trên 54% so với năm 2012. Riêng về tiến độ giải ngân đã tăng trên 10%, đạt 11,5 tỉ USD, mức cao nhất năm 2008, năm đạt đỉnh cao về FDI. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư vẫn đang hoạt động kinh doanh hiệu quả tại VN.

Báo cáo của nhóm chuyên gia kinh tế thuộc chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định rằng, trong 4 động cơ tăng trưởng thì 3 động cơ "nội" (gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nông nghiệp) đang trục trặc. Chỉ có một động cơ "ngoại" (khu vực FDI) chạy tốt....

Để có các chỉ số hết sức lạc quan trong bối cảnh kinh tế trong nước cực kỳ khó khăn như nói trên, DN FDI đã và đang được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn, đất so với các DN trong nước. Hầu hết địa phương đều "trải thảm đỏ" để mời nhà đầu tư ngoại thuê đất với giá rẻ. Họ cũng được miễn, giảm thuế thu nhập DN trong thời gian dài; được ưu đãi vay vốn... Nhiều DN "cậy" vốn đầu tư lớn còn mặc cả đòi thêm các ưu đãi vượt khung....

Nghịch lý là đằng sau sự phát triển mạnh mẽ cũng như các ưu đãi vượt trội nói trên lại là những kết quả vô lý đến đắng lòng. Khối DN FDI đang lỗ nặng 68.000 tỉ đồng với mức tăng lỗ mạnh nhất trong tất cả các thành phần DN. Càng là những tên tuổi lớn, hoạt động lâu năm, mở rộng quy mô liên tục thì cũng là những DN lỗ dài nhất, lớn nhất. 18 năm kinh doanh tại VN, Nestlé lỗ mất 14 năm và hiện vẫn đang thua lỗ hơn 30 triệu USD. Chiếm tới 80% thị phần trong nước nhưng hơn 10 năm qua, 2 đại gia trong ngành nước ngọt là Coca-Cola và PesiCo vẫn lỗ đều mỗi năm, với tổng số lỗ đã lên tới vài ngàn tỉ đồng. Rồi Adidas, Metro, Keangnam Vina, Hualon Corporation... tất cả đều lỗ. Lỗ nặng, lỗ triền miên, lỗ âm cả vốn nhưng họ vẫn liên tục tăng vốn, mở rộng đầu tư, xây thêm nhà máy... Các nghi án cũng như vấn đề chuyển giá đã rất nóng trong những năm qua cho tới tận lúc này nhưng tiếc rằng, nó chỉ nóng trên giấy, trên các diễn đàn nghị sự chứ chưa thực sự nóng trong hành động của các cơ quan có thẩm quyền.

Vốn FDI vẫn luôn rất quan trọng, nhưng nếu cứ mạnh ưu đãi, nhẹ quản lý, chúng ta sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại chèn lấn DN nội, đẩy nền kinh tế đến rủi ro khi ngày càng phụ thuộc vào ngoại lực.

Nguyên Hằng

 >> Vốn FDI năm 2013 là 22,35 tỉ USD
>> Hơn 25% DN FDI cung ứng gần 60% sản lượng thức ăn chăn nuôi tại VN
>> Thu hút vốn FDI giảm hơn 62%
>> Mặt trái của FDI
>> Xuất khẩu FDI mang lại hiệu quả thấp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.