Tôn trọng học sinh và dân chủ hóa học đường

03/11/2007 00:39 GMT+7

Nhân đọc Bệnh coi thường học sinh, TN 2.11.2007: * Không thể quay lưng với sự thật * Hãy để trẻ nể trọng chứ không phải sợ người lớn * Chúng ta chưa có một hệ thống phản biện xã hội đúng nghĩa

Không thể quay lưng với sự thật

Thưa quý báo, sáng nay tôi có đọc bài báo Bệnh coi thường học sinh của tác giả Lê Thưởng. Phải nói ngay rằng bài báo quá hay, quá đúng sự thật mặc dù là sự thật phũ phàng nhưng chúng ta không thể quay lưng với nó đươc. Tôi thiết nghĩ, Báo Thanh Niên phải nhân bản bài báo này và có thể đăng liên tục vài số báo, nếu có thể thì gửi tới các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước vì các vị đó không có lý do gì mà không quan tâm tới sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người của toàn xã hội.

Điều người dân cần là những hành động cụ thể chứ đừng "hô khẩu hiệu". Ở đâu cũng nghe nói "phấn đấu một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" xin hỏi ngay rằng đã công bằng chưa khi mà trường học cho các cấp học nhiều nơi thậm chí không có nổi một cái nhà cầu cho ra hồn. Ở thị xã, thành phố không thiếu gì sân chơi cho "người lớn" còn trẻ em thì tìm mỏi mắt cũng chỉ được một vài khu đất trống, những đoạn đường rộng nhưng vắng người để đá bóng chiều chiều.

Thưa tác giả Lê Thưởng, tôi rất thán phục anh đã dũng cảm nói lên chính kiến của mình mà nhiều người không bao giờ dám nói. Tôi ủng hộ anh!

Nguyễn Hồng Long (Gia Lai)

Hãy để trẻ nể trọng chứ không phải sợ người lớn

Tôi rất đồng tình với bài viết của tác giả Lê Thưởng khi đọc bài viết này. Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà giáo dục và các nhà y tế nên nhìn nhận và có thái độ đúng đắn để có biện pháp giải quyết một cách nhanh chóng. Đến lúc này thì đừng nên đổ lỗi hay đùn đẩy cho bên nào cả mà nên hợp sức lại để tháo gỡ mọi vấn đề đã tồn tại lâu nay.

Tôi nghĩ rằng nên phổ biến bài này cho tất cả các quan chức, phụ huynh và cả các em học sinh, sinh viên của chúng ta để thấy được tầm quan trọng của vấn đề và để cùng nhau góp sức xây dựng một môi trường học đường lành mạnh về cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó. Tôi rất tâm đắc khi vấn đề dân chủ hóa học đường được đưa ra. Trẻ em được tôn trọng, ý kiến của chúng có trọng lượng đối với người lớn chúng ta thì mới có sự đồng cảm giữa các thế hệ. Người lớn chúng ta hãy biết lắng nghe con trẻ. Niềm tin đối với trẻ rất quan trọng, trẻ cảm thấy mình được tin tưởng thì tôi nghĩ chắc rằng sẽ không có cảnh tự tử, bỏ nhà ra đi, sẽ giảm đi căn bênh trầm uất của giới trẻ... như lâu nay chúng ta đã nghe, đã biết, đã nói. Hãy để trẻ nể trọng người lớn chứ đừng để trẻ sợ người lớn, đừng để cách cư xử của người lớn chúng ta khiến chúng sợ, uất ức, từ đó đâm ra chai lì, phát triển lệch lạc.

Tôi mong rằng vấn đề này sẽ được toàn xã hội quan tâm. Chưa bao giờ là quá muộn nếu chúng ta có quyết tâm cả.

daquyvang…@yahoo.com

Chúng ta chưa có một hệ thống phản biện xã hội đúng nghĩa

Hoan nghênh tác giả đã kê ra khá nhiều biểu hiện của "Bệnh coi thường học sinh". Đây là căn bệnh có thật, phổ biến. Vậy đâu là nguyên nhân?

Lâu nay, có một quan niệm phổ biến "Người lớn luôn luôn đúng!". Ở nhà thì: "Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Đến trường thì lời thầy cô là "khuôn vàng thước ngọc", nhất nhất học trò phải tuân theo.

Cứ theo cái quan niệm một chiều này mà mãi đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một hệ thống phản biện xã hội đúng nghĩa. Sự bảo thủ trì trệ, tâm lý "xưa bày nay bắt chước", ngại đổi mới... và nhiều hệ lụy khác đã sinh ra từ nền giáo dục một chiều đó.

Làm thế nào để chữa được căn bệnh này? Hãy cùng nhau tìm ra phương thuốc hữu hiệu. Đến bây giờ việc này là cấp bách lắm lắm đây!

vui…@yahoo.com

Bài tham gia trang này xin gửi về: Trang “Ý kiến”, Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: ykien@thanhnien.com.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.