Chạy xe ôm kiếm tiền làm từ thiện

09/05/2014 08:57 GMT+7

Tuy gia cảnh còn nhiều khó khăn nhưng ông Nguyễn Văn Năm (65 tuổi, ngụ P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) lại rất “mê” làm từ thiện...

Chạy xe ôm kiếm tiền làm từ thiện
Ông Năm ngồi chờ tới lượt để đưa khách - Ảnh: An Lạc

Vất vả mưu sinh

Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 5 giờ sáng là ông Năm lại có mặt tại Bến xe 91B để hành nghề... xe ôm. “Vậy là tôi làm nghề này đã hơn 30 năm rồi đó. Lúc đầu tôi chạy xe đạp ôm, sau đó xe lôi, rồi chuyển sang ba gác. Năm 2008, Nhà nước cấm không cho xe ba gác lưu thông, tôi quay qua chạy xe honda ôm cho tới ngày nay”, ông Năm nhớ lại.

Năm 1973, ông Năm nên nghĩa vợ chồng với bà Lâm Thị Nết trong hoàn cảnh cả 2 đều nghèo khó. Ngày ngày, vợ chồng ông phải bươn chải làm thuê kiếm sống. Rồi 3 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống gia đình ông đã khó lại càng khó hơn. Để có tiền nuôi con, ông Năm chuyển sang nghề chạy xe ba gác chở hàng thuê cho những người có nhu cầu. Khi xe ba gác bị cấm, từ số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng để chuyển nghề của nhà nước, ông vay thêm một ít mua chiếc xe gắn máy Trung Quốc cũ làm nghề chạy xe ôm. Ông Năm cho biết nghề chạy xe ôm có hôm ế, hôm đắt, nhưng trung bình mỗi ngày ông cũng kiếm được từ 60.000 - 100.000 đồng, tạm đủ để gia đình mua gạo.

Làm từ thiện theo cách của người nghèo

Mặc dù thu nhập từ nghề chạy xe ôm chẳng bao nhiêu nhưng vợ chồng ông Năm lại “mê” làm từ thiện. Ông Năm kể, sau khi 2 người con trai lớn lấy vợ và ra ở riêng, thì vào năm 2006, người con út cũng xin phép cha mẹ lên núi Cấm (An Giang) làm từ thiện và ở luôn trên đó. Gia đình chỉ còn lại 2 vợ chồng già nên vợ ông bắt đầu tới lui các bệnh viện ở Cần Thơ để nấu cơm từ thiện hoặc đi chùa làm việc nghĩa. Không lâu sau, vợ ông chuyển sang ăn chay trường. Thấy vợ ăn một mình buồn nên ông Năm bỏ “mặn” để cùng ăn chay với vợ. “Vợ tôi nói bây giờ 3 đứa con đã lớn, gia đình dù không dư giả gì nhưng mình có tấm lòng. Thôi thì giúp ai được gì cứ giúp. Nghe vậy, tôi vui vẻ đồng ý”, ông Năm bộc bạch.

6 năm nay, cứ sáng sớm ông Năm đi chạy xe ôm đến chiều tối mới về nhà. Số tiền kiếm được trong ngày ông giao hết cho vợ để đóng góp lo cơm nước cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện hoặc trực tiếp giúp những hoàn cảnh nghèo khó, neo đơn, cơ nhỡ, người già bệnh tật… Bản thân ông Năm cũng làm từ thiện bằng chính cái nghề của mình như: chạy xe ôm miễn phí cho những trường hợp nghèo khó, người già... Đôi khi, gặp những người lỡ đường nghèo khó, ông Năm sẵn sàng vét túi giúp bà con có tiền về quê. Ông Năm cho biết chuyện chạy xe ôm lấy tiền làm từ thiện là xuất phát từ mong muốn của vợ chồng ông chứ không ai bắt buộc, cũng không suy nghĩ làm việc thiện để được cái này, cái nọ về sau. Chỉ có điều, mỗi khi giúp những trường hợp khốn khó, bệnh tật thì vợ chồng ông thấy lòng thanh thản. “Vợ chồng tôi xuất thân nghèo khó và cũng không hy vọng làm giàu. Do đó, chuyện làm từ thiện thì tùy theo khả năng của mình. Hằng ngày, được chăm lo bữa ăn cho những bệnh nhân nghèo là niềm vui, khiến tinh thần thoải mái, đầu óc nhẹ nhõm và có được giấc ngủ ngon”, bà Nết tâm sự.

Theo ông Năm, từ khi làm việc nghĩa đến nay, vợ chồng ông không hề dành dụm đồng nào. “Tôi đã bàn với gia đình nếu không còn sức khỏe chạy xe ôm thì tôi xin vào các tổ từ thiện ở bệnh viện để phụ lo cơm nước cho bệnh nhân nghèo hoặc lên núi tìm thuốc cho các tổ thuốc nam. Những việc làm như vậy sẽ giúp tôi vui tuổi già nên cả nhà ai cũng ủng hộ”, ông Năm cho biết thêm.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.