Cò cà phê

04/12/2010 23:58 GMT+7

Lâu nay chúng ta đã quen với các khái niệm dùng để chỉ những người làm môi giới như “cò nhà đất”, “cò xe”, thậm chí “cò gái” (môi giới mại dâm), nay có thêm một “cò” nữa, đó là “cò cà phê”. Dạng “cò” này không phải môi giới mua bán loại nông sản đang sốt hiện nay mà là tìm lao động nông nhàn để “bán” cho các chủ rẫy, phục vụ cho việc hái cà phê đang vào mùa thu hoạch.

Đối với các tỉnh ven biển miền Trung hiện nay, đây đang là thời điểm nông nhàn. Vụ đông xuân thì chưa tới mà nghề phụ hồ thì cũng tạm dừng vì mưa lũ. Những năm trước đây, vào cữ này, người miền Trung vẫn lên Tây Nguyên để hái cà phê thuê nhưng thường thì họ đi theo dạng quen biết với các chủ rẫy nên cả người thuê lẫn người lao động đều không chịu bất cứ một loại “phí cò” nào. Thế nhưng năm nay, khi nguồn lao động bị phân tán do xuất khẩu lao động, do đi làm công nhân trong các khu công nghiệp… nên các chủ rẫy cà phê rất khó tìm người làm.

Các "công ty môi giới lao động" chuyên tìm người hái cà phê xuất hiện rầm rộ là vì vậy. Chỉ một huyện như Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng mà có đến 6 cái gọi là “công ty môi giới” như thế. Nói công ty cho nó oách chứ thực chất đây là một “tổ hợp cò”. Vì theo Phòng LĐ-TB-XH huyện này thì cả 6 công ty trên đều hoạt động bất hợp pháp vì không ký quỹ và không được cấp phép.

Thực thi nhiệm vụ tìm người hái cà phê cho những công ty này lại là một... phụ xe đò. Mức giá mà tay cò này đưa ra cho người lao động là 150.000đ/ngày công, tức 4,5 triệu đồng/tháng, cơm và chỗ ngủ chủ bao. Có thể nói, với nghề hái cà phê mà trả công như vậy là rất hấp dẫn. Thế nhưng, khi đến nơi thì người lao động chỉ được trả 1,7 triệu đồng/tháng, nghĩa là không được 60.000đ/ngày công, chưa bằng tiền công một ngày đi cấy của một phụ nữ dưới đồng bằng. Thực ra, các chủ rẫy cà phê có thể trả tới mức 150.000đ/công nhưng số tiền trên không đến được với người lao động vì “cò” đã xơi hết 2,8 triệu đồng/người/tháng rồi. Rõ ràng, với khoản “ăn” chênh lệch một cách kinh khủng này thì phải gọi đúng từ là người lao động đã bị cò bán đứng!

Điều khá vô lý hiện nay là tỉnh nào cũng có một trung tâm giới thiệu việc làm cho người lao động. Trung tâm này của Nhà nước hẳn hoi, mỗi năm tiêu tốn rất nhiều tiền cho các hoạt động của họ nhưng việc môi giới cho người lao động đi hái cà phê thuê trên Tây Nguyên để không phải bị cò chặt chém thì lại không làm! Nếu các công ty môi giới của Nhà nước vào cuộc trong việc giới thiệu người lao động đi hái cà phê thuê trên Tây Nguyên thì sẽ mang lại “lợi kép”. Trước hết là người lao động đỡ phải nộp một khoản phí cho “cò” rất kinh hãi như đã kể trên, thứ hai là sẽ giúp cho chính quyền các địa phương có chủ thuê lao động quản lý tốt số người làm thuê. Bởi số lao động qua “cò” dắt mối như nói trên, không ai đảm bảo được tất cả đều là người lao động chân chính một khi kiểm tra giấy tờ tùy thân thì đa số là “quên mang theo” như báo cáo của Công an huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng mới đây.

Chỉ một huyện thôi mà đã có tới 10 ngàn người đi hái cà phê thuê thì cả 4 tỉnh Tây Nguyên sẽ là con số khổng lồ. Nếu không quản lý một cách bài bản số lao động này thì không những người lao động mất tiền cò một cách oan uổng mà trật tự trị an của cả một vùng đất rộng lớn Tây Nguyên cũng rất khó kiểm soát. 

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.