Ước mơ về một đất nước công nghệ thông tin

16/12/2007 22:32 GMT+7

10 gương mặt tiêu biểu được nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2007 (do T.Ư Đoàn và Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức vào sáng 16.12), có nhiều ý tưởng độc đáo cho một nền công nghệ thông tin Việt Nam phát triển trong tương lai.

Xuất khẩu phần mềm

Tháng 2.2007, Tập đoàn IBM chính thức thành lập Trung tâm Dịch vụ toàn cầu tại TP.HCM, tập trung vào mảng phần mềm tại châu u và châu Phi. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các lập trình viên Việt Nam. Trong vòng từ 2 - 3 năm tới, dự kiến sẽ có 3.000 - 5.000 lập trình viên của Việt Nam làm việc tại trung tâm này. Kỹ sư Hoàng Việt Anh (31 tuổi, Công ty CP phần mềm FPT, Giám đốc chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore) nhận định: "Những câu chuyện tương tự đã và đang xảy ra tại rất nhiều nơi trên đất nước chúng ta.

Điều đó thể hiện năng lực xuất khẩu phần mềm Việt Nam đã được các nước đối tác thừa nhận". Đánh giá sự kiện này đang tạo một cơ hội tuyệt vời cho phần mềm Việt Nam chuyển mình bứt phá, Hoàng Việt Anh tâm sự: "Tôi mong ước đến một ngày, khi nhắc đến Việt Nam, bạn bè, các đối tác quốc tế nói về một đất nước có nền công nghệ phần mềm phát triển, lực lượng phần mềm trẻ tuổi, hùng hậu và rất chuyên nghiệp. Tôi mong rằng 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về xuất khẩu phần mềm, có thể sánh vai với các cường quốc trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc". Tuy vậy, mong ước cũng chỉ là mong ước, cơ hội sẽ không hiện thực nếu không biết nắm bắt, Hoàng Việt Anh quả quyết: "Với 85 triệu dân, một nửa trong số đó dưới 30, Việt Nam có một lực lượng hùng hậu để có thể tham gia xuất khẩu phần mềm.

Đến dự buổi lễ có Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng; Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Lê Mạnh Hùng cùng đại diện các bộ, ngành của T.Ư và Hà Nội. Giải thưởng Quả Cầu Vàng là phần thưởng xét tặng hằng năm của T.Ư Đoàn dành cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam, có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi theo tôi ở đây là chất lượng đội ngũ xuất khẩu phần mềm Việt Nam sẽ đóng vai trò then chốt. Và trong bối cảnh đó, thanh niên chúng ta phải là lực lượng xung kích, tiên phong, nỗ lực học tập làm chủ công nghệ mới, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp và đặc biệt là trau dồi, nâng cao hơn nữa trình độ ngoại ngữ. Tôi tin chắc chắn rằng khi chúng ta làm được điều đó, trong một ngày không xa, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay sẽ hoàn thành tâm nguyện, đem trí tuệ Việt Nam ra trường quốc tế, đưa Việt Nam trở thành tên tuổi lớn trên bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu".

Ước mơ đất nước của công nghệ thông tin

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, thông tin có mặt ở khắp mọi nơi, tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, tiến sĩ Hoàng Bảo Sơn (30 tuổi, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) bộc bạch: “Chúng ta có quá nhiều thông tin nhưng lại thiếu tri thức. Một điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự khác nhau giữa thông tin với tri thức”. Tiến sĩ Sơn cho rằng, thông tin chỉ là dữ liệu thô và bản thân nó chưa có ý nghĩa, còn tri thức là quá trình con người hiểu và xử lý thông tin. Tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực đều sử dụng tri thức. Ý tưởng của tiến sĩ Sơn là: "Làm sao xử lý kịp thời lượng thông tin ngày càng nhiều này và chuyển hóa chúng thành tri thức". Anh nói: "Ước mơ tương lai của tôi về ngành công nghệ thông tin chính là công nghệ tri thức". Tiến sĩ Sơn đưa ra một ví dụ rất thực tế trong lĩnh vực đang "nóng" hiện nay là quản lý hành chính: các văn bản mới trước khi ban hành cần phải được kiểm tra xem có phù hợp, mâu thuẫn hay là trùng lặp với các văn bản được ban hành trước đó hay không. Việc này đối với con người rất là khó khăn, nhưng hoàn toàn có thể làm tự động bằng máy tính. Tiến sĩ Hoàng Bảo Sơn khẳng định: "Tôi tin rằng công nghệ tri thức sẽ có mặt trong khắp mọi nơi, trên mọi lĩnh vực của cuộc sống chúng ta".

10 gương mặt trẻ nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng 2007

1. Nguyễn Minh Trí - vừa được Tạp chí Bussiness Week bầu chọn là 1 trong 25 doanh nhân trẻ xuất sắc nhất châu Á, là đại diện duy nhất của Việt Nam, đoạt giải 3 cuộc thi Robot tự động tổ chức tại vùng Tây Mỹ, đoạt giải thưởng của Tổng thống Mỹ dành cho sinh viên. Hiện Trí là sáng lập viên kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Công Nghệ Việt.

2. Hoàng Việt Anh - Công ty CP phần mềm FPT, Giám đốc Chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore. Anh đã có nhiều nỗ lực đưa hình ảnh công nghệ thông tin của Việt Nam ra thế giới.

3. Nguyễn Thế Trung - Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty phần mềm DTT Technology Group. Anh từng đoạt giải nhì toán quốc tế, phát triển thành công cổng thông tin Thánh Gióng. 

4. Đặng Hoài Phúc - Giám đốc Trung tâm Tin học vì người mù Sao Mai, TP.HCM, từng đoạt danh hiệu "Hiệp sĩ công nghệ thông tin" năm 2004 của Báo Echip, đoạt giải thưởng "Vượt lên số phận". 

5. Lê Ngọc Tú - đại úy, trợ lý nghiên cứu, Viện Công nghệ thông tin - Trung tâm KHKT và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng, từng đoạt giải nhất Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2004, 2006; chủ trì xây dựng nhiều phần mềm có tính ứng dụng cao.

6. Nguyễn Đình Tư - sinh viên năm thứ 2 lớp chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ Hà Nội, đoạt nhiều giải thưởng về toán tin.

7. Nguyễn Chí Thiện - sinh viên năm thứ 3, trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, từng đoạt giải nhì kỳ thi Olympic Tin học lần III.

8. Đoàn Mạnh Hùng - thành viên Trung tâm Tài năng của Tập đoàn FPT, từng đoạt giải nhì Olympic Tin học quốc gia 2007.

9. Phạm Bảo Sơn - giảng viên ĐH Công nghệ Hà Nội, từng đoạt huy chương của trường ĐH New South Wales - Úc.

10. Lê Huy Bình - hiện là nghiên cứu sinh ĐH Công nghệ Hà Nội, đã có nhiều sản phẩm tin học mang tính ứng dụng cao, đoạt nhiều giải thưởng về công nghệ thông tin.

Mạnh Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.