Những thai nhi bị chối bỏ: Sám hối từ trái tim

20/11/2009 12:02 GMT+7

Đại lễ cầu siêu cho những thai nhi bị chối bỏ ở chùa Từ Quang, huyện Bình Chánh - TPHCM với gần 7.000 người mẹ tham gia đã kết thúc cách nay hơn một tháng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hằng ngày vẫn còn nhiều phụ nữ tìm đến đây để sám hối, mong tìm sự thanh thản

Vào chùa Từ Quang, huyện Bình Chánh - TPHCM những ngày này, tôi vẫn bắt gặp những phụ nữ quỳ khóc rấm rứt trước tượng Phật. Đại đức Thích Giác Thiện, trụ trì chùa Từ Quang, chỉ một nhóm 3 phụ nữ đang bước vào chùa, cho biết: “Lễ cầu siêu đã kết thúc lâu rồi mà họ vẫn đến nguyện cầu để tìm sự thanh thản”.

Theo đại đức, vì đường xa hoặc không nắm tin tức hay lý do riêng nào đó, những phụ nữ này đã không kịp đến dự lễ cầu siêu cho các thai nhi xấu số của họ.

Như ra tòa án lương tâm

Tôi nhớ lại ngày 1-10, khi Báo NLĐ đưa thông tin chùa Từ Quang tổ chức đại lễ cầu siêu cho những thai nhi không được sống kiếp người, chuông điện thoại của tòa soạn liên tục reo vang. Đó là cuộc gọi của những phụ nữ từng phá bỏ thai hoặc do sơ sẩy không giữ được sự sống của con mình.

Ban tổ chức đại lễ cầu siêu đến giờ vẫn còn bàng hoàng vì lượng thai nhi bị chối bỏ được những người mẹ kê khai nhiều đến chóng mặt. Một ngày trước khi đại lễ diễn ra, danh sách phụ nữ bỏ con đăng ký tham dự khoảng 3.000 người với 5.000 thai nhi bị mất.

Tuy nhiên, theo chị Lan Phương, người phụ trách việc tổng hợp số liệu của chùa Từ Quang, sau 3 ngày tổ chức đại lễ (từ ngày 1 đến 3-10), lượng thai nhi chết được 7.000 phụ nữ kê khai lên đến hơn 10.000! Đứng đầu trong số này là chị K., quê Hải Phòng -  mất thai đến 20 lần!

Cô Thanh Lai, người trực điện thoại của chùa Từ Quang, cho biết cô đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ khắp mọi miền đất nước xin ghi tên vào danh sách người phá bỏ thai nhi muốn hối lỗi.

Trong đó, có những người từ nước ngoài gọi về nghẹn ngào nước mắt. Một Việt kiều Mỹ cho biết đã mất thai 4 lần, một Việt kiều khác từ Canada bỏ 5 lần... và đứng đầu là một Việt kiều Đức với 7 lần.

Những ngày diễn ra đại lễ cầu siêu, tôi nhận thấy một số phiếu đăng ký tham gia không ghi rõ số thai nhi phá bỏ mà chỉ khai “nhiều lần”. Một phụ nữ tâm sự: “Vào chùa sám hối như ra tòa án lương tâm. Tôi muốn ghi rõ số thai nhi bị mất nhưng quả tình không nhớ, chỉ sợ ghi sai, bỏ sót là tội lỗi. Vì vậy, tôi chỉ ghi vào phiếu là “nhiều lần”.

Thoát khỏi ám ảnh

Chưa thức tỉnh được giới trẻ

“Không phải cứ phá bỏ thai rồi đi sám hối tại chùa là xong chuyện. Ước nguyện lớn nhất của những người tổ chức đại lễ là đánh thức giới trẻ, giúp họ sống lành mạnh.

Tuy nhiên, số người trẻ đi sám hối không nhiều, dù hiện nay, lượng người này phá thai là rất lớn” - thầy Thích Lệ Châu, ủy viên Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TPHCM, chia sẻ.

Quả vậy, có mặt tại chùa Từ Quang trong nhiều ngày kể từ khi đại lễ cầu siêu diễn ra đến nay, tôi nhận thấy số phụ nữ đến đây sám hối đa phần đều đã đứng tuổi.

Các cô gái trẻ cũng có song không nhiều. Khó khăn lắm tôi mới bắt chuyện được với một cô gái tuổi chừng đôi mươi, nhà ở quận 3 - TPHCM.

Cô thản nhiên: “Em suy nghĩ 3 ngày mới đến đây sám hối. Em bỏ thai hai lần rồi. Không sinh thì bỏ. Trước đây, em thấy chuyện đó là bình thường. Trong nhóm bạn em, có đứa ăn chơi, quan hệ tứ tung, bỏ thai 4-5 lần vẫn tỉnh bơ”.

“Cảm ơn bạn vì đã dẫn mình đi sám hối. Mình đã thoát khỏi dằn vặt, ám ảnh và đang tự tin hơn trong cuộc sống mới”. Đây là dòng tin nhắn của X., cô bạn tôi quen từ thời đại học. Trước đó, tôi là người trực tiếp dẫn X. và chồng đến chùa Từ Quang để hối lỗi.

Không hiểu vì sao, suốt buổi lễ cầu siêu hôm đó, X. không nhìn vào chánh điện của chùa mà vừa úp mặt vào lưng chồng vừa khấn đọc tờ kinh “văn nguyện sám hối” do nhà chùa phát. Cuối buổi lễ, đôi mắt X. đỏ hoe. Cô ray rứt: “Mình không nhìn vào chánh điện, không nhìn vào tượng Phật vì mặc cảm tội lỗi”.

Kể từ ngày vào đại học, X. đã lén bố mẹ sống thử với một chàng sinh viên chung lớp. Hết năm nhất, X. đã hai lần phá thai. Chuyện này không may đến tai bố mẹ X. Người bố đuổi cô khỏi nhà và cắt đứt mọi chi phí học hành. X. rủ người yêu bảo lưu kết quả đại học, cùng đi phụ nhà hàng để kiếm sống.

Tuy nhiên, chuyện tiền nong thiếu thốn liên tục đẩy đôi tình nhân này vào cảnh hục hặc. Sau đó không lâu, hai người chia tay. X. được một người đàn ông thèm “của lạ” cho tiền để trở lại giảng đường. Đổi lại, cửa phòng trọ và vòng tay của cô phải luôn rộng mở mỗi khi ông ta đến.

Tốt nghiệp đại học cũng là lúc X. phá thai lần thứ 4... Giờ đây, X. đã yên ấm với một người chồng làm kỹ sư và vừa sinh hạ một bé trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, như X. tâm sự với tôi: “Những đứa con không nên kiếp người cứ bủa vây, chập chờn trong giấc mơ của mình”.

Những ngày này, trong dòng người đến chùa Từ Quang vẫn có những khuôn mặt quen thuộc mà tôi đã gặp trong đại lễ cầu siêu trước đó. Chị N., một phụ nữ ở huyện Bình Chánh, nghẹn ngào: “Lần trước tôi đi cầu siêu rồi.

Những đứa con xấu số của tôi xem như đã được nương náu cửa Phật nhưng tôi vẫn thấy nhớ chúng quá. Thỉnh thoảng, tôi lại về chùa thắp nén hương để các con ấm cúng và lòng mình thanh thản”. Chị N. cho biết đã bỏ 2 thai nhi 5-6 tháng tuổi.

Lý do chị bỏ con nghe thật xót xa: “Chồng tôi đòi con trai mà siêu âm ra con gái”. Có lẽ do liên tục phá bỏ khi thai nhi đã lớn nên từ đó đến nay, chị N. vẫn chưa thể mang thai lại được. Khát khao có con khiến nỗi đau nhân lên gấp bội mỗi khi chị N. nhớ lại việc chị từng hủy hoại những giọt máu của mình.

Theo Trúc Ly / Người Lao Động

>> Những thai nhi bị chối bỏ
>> Nghĩa trang thai nhi  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.