Ai quản lý hoạt động của MIC ?

09/11/2006 21:32 GMT+7

Thanh Niên số ra ngày 30.10.2006, phản ảnh Trung tâm (TT) Huấn luyện viên võ thuật Việt Nam (MIC) đã có những việc làm không sòng phẳng với học viên (HV). Tuy nhiên, mọi việc đến nay dường như vẫn im hơi lặng tiếng, HV vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại và không một cơ quan nào chịu đứng ra nhận trách nhiệm quản lý hoạt động của TT khi chúng tôi đi tìm hiểu.

Như đã nói ở bài trước, MIC là một đơn vị tư nhân được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy phép hoạt động từ ngày 19.9.2000 dưới danh nghĩa Công ty TNHH phát triển thể thao Việt Nam (và sau này được đổi tên thành Công ty TNHH phát triển tài năng thể thao Việt Nam). Hiện  MIC không trực tiếp chịu sự quản lý của Sở Giáo dục - Đào tạo cũng như Sở Thể dục - Thể thao của TP.HCM, nhưng vẫn chịu sự kiểm soát trực tiếp từ phía cơ quan địa phương - nơi địa bàn hoạt động tức là UBND phường 16 và UBND quận 8 (TP.HCM). Nhưng từ UBND quận, UBND phường đến các TT văn hóa - thông tin quận, TT thể dục thể thao phường... gần như không biết đến sự có mặt của TT MIC tại địa bàn.

Một người có trách nhiệm trong phường đã trả lời: "Chúng tôi chỉ xét các thủ tục liên quan đến giấy phép hành nghề của TT khi đăng ký hoạt động tại địa bàn, về việc này thì họ đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu, còn về chuyên môn chúng tôi không quản lý được, và dù có muốn chúng tôi cũng không thể vì không ai trong chúng tôi nắm rõ về chuyên môn". Từ sở đến phường đều đồng thanh là "không" về việc quản lý hoạt động của MIC, vậy thì đâu là cơ quan quản lý của MIC?

Về phía Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, với tư cách là một đơn vị liên kết đào tạo thì cho rằng: Trường ĐH Sư phạm liên kết với  MIC vì TT này có đầy đủ thủ tục pháp lý như những cơ sở liên kết khác của trường, ở hai nội dung chính: chương trình đào tạo chuyên tu tại chức và khóa nghiệp vụ sư phạm. Trường chỉ liên kết với TT về các mặt chuyên môn như chương trình học, tổ chức thi cử, cấp bằng... theo những quy định chung của trường. Trường không quản lý các HV tại TT về mặt con người, do vậy ngoài chuyên môn ra trường và TT là hai bộ phận hoàn toàn độc lập. Vì vậy, những hoạt động của TT thì bên TT hoàn toàn tự quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Hiện tượng đang gây bức xúc cho HV là không thể nhận lại được số tiền gần 3 triệu đồng đã đóng khi muốn rút hồ sơ khỏi TT. Đã nhiều khóa học, số lượng HV được chiêu sinh đầu vào là khá lớn, nhưng sự "rơi rụng" rất đáng kể vì không chấp nhận được nhiều cái "không giống ai" của TT, thậm chí từ con số hàng trăm xuống chỉ còn vài chục.

Trao đổi với  Thanh Niên, ông Phạm Xuân Anh - Trưởng phòng Đào tạo của TT cho ý kiến: "Khi đã nhận hồ sơ của HV là TT đang thay mặt phụ huynh để quản lý họ, vì vậy chúng tôi không thể tùy tiện cho các HV tự do rút hồ sơ được, đó cũng là vì quyền lợi của các HV". Thực hiện "tâm nguyện" của trưởng phòng đào tạo, nhiều HV đã tức tốc về quê, có khi tận miền Trung xa xôi xin ý kiến cha mẹ rút tiền, thậm chí có những phụ huynh trực tiếp đến TT, nhưng tiền thì không rút được mà chỉ thấy hao sức, tốn tiền, mất thời gian một cách vô ích.

Thiết nghĩ, bằng những việc như tự ý tăng học phí của HV, thu nhiều khoản tiền vô lý khác, sử dụng HV khóa trước dạy cho khóa sau... các cơ quan chức năng cần phải có sự can thiệp thực sự vào hoạt động của TT vì đây thực chất là một đơn vị giáo dục, không thể chỉ cấp phép kinh doanh mà không quản lý sự hoạt động của các đơn vị được cấp phép.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.