Con gái học võ, con trai tập bơi

21/11/2009 15:31 GMT+7

Cách đây chừng 5 năm, Giáo dục thể chất (GDTC) vẫn còn là môn học khiến cho nhiều sinh viên “khiếp sợ”. Tỷ lệ thi lại môn này bao giờ cũng cao, thậm chí có nhiều SV không thể ra trường vì “nợ” môn này.

Thế nhưng, gần đây SV đã hào hứng trong những bộ đồng phục khỏe khoắn và tích cực tâng bóng tại các sân vận động.

“Ra đòn” sao cho bạn đừng đau!

Tại Nhà thi đấu Phú Thọ, lớp học taekwondo của trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM thật rộn ràng bởi những tiếng hô đầy khí thế của hơn 40 võ sinh. Trong đó, có tới hơn 20 bạn là nữ, cũng vung tay vung chân rất “ngầu”. Thầy dặn: “Các em trước khi đấu võ phải chào nhau. Và khi thách đấu, nếu bạn đồng ý sẽ hô lên một tiếng, lúc đó mình mới ra đòn. Nếu ai làm bạn bị đau sẽ phải chạy một vòng quanh sàn tập”. Khó thật. Lúc ra đòn thì cũng nghiêm túc thật đấy nhưng sao cứ nghe thấy tiếng cười khúc khích của các bạn nữ. Còn ở tại bể bơi, hàng chục bạn nam đang “quẫy đạp” trong nước, ai nấy cứ bì ba bì bõm khoái chí với môn học cốt làm sao để nổi được lên trên mặt nước này.

Một SV đã từng viết trên diễn đàn svnhanvan.org: “Trong 5 kỳ thì có 2 kỳ học về lý thuyết, mà chương trình lý thuyết thì lại rất nặng. Nếu cứ học kiểu này thì SV sẽ không thể rèn luyện được thể lực của mình sau những buổi học đầy ắp stress trên giảng đường. Em thấy số lượng SV thi lại và học lại GDTC quá nhiều. Một số người đã ra trường nhiều năm rồi mà vẫn phải lóc cóc vác vở lên trường học lại lý thuyết GDTC”.

Thế nhưng thực trạng đó đang dần thay đổi. Nhiều trường đã đưa vào bộ môn GDTC nhiều môn thể thao phong phú và hấp dẫn để SV có thể lựa chọn. Cách chấm điểm thi môn này cũng không còn nặng về thành tích như trước kia, khiến cho tỷ lệ thi lại và học lại chỉ còn rất ít. Thạc sĩ Hoàng Hà, Trưởng bộ môn GDTC trường ĐH KHXH&NV TP.HCM thông tin: “Chúng tôi đang có nhiều cải tiến để giúp SV có một sân chơi rèn luyện sức khỏe thật bổ ích, xóa bỏ tâm lý sợ hãi lâu nay. Bên cạnh các môn điền kinh, thể dục bắt buộc ở học kỳ đầu thì 2 học kỳ sau SV có thể lựa chọn cho mình một trong những môn học như bóng đá, bóng chuyển, bóng rổ, bơi lội, võ thuật. Qua năm, khi nhà thi đấu đa năng của trường hoàn thiện, sẽ có thêm 2 môn cầu lông và bóng bàn”. Thật thú vị khi có nhiều SV nữ không ngần ngại đăng ký học môn võ và nhiều SV nam lại hào hứng đi tập... bơi.

Không chỉ học để lấy điểm

Trường ĐH Mở TP.HCM cũng có nhiều đổi mới khi kết hợp 2 nội dung vừa giảng dạy nội khóa vừa tham gia công tác ngoại khóa để SV có hứng thú hơn trong môn học này. Bà Tạ Thị Lan Anh, Trưởng phòng Công tác chính trị, quản lý bộ môn Giáo dục thể chất cho hay: “SV được lựa chọn các môn bóng ném, bóng đá, bóng chuyền, bơi, cầu lông, bóng bàn và dance sport. Chúng tôi không đòi hỏi các em phải như VĐV, chỉ yêu cầu học để rèn luyện sức khỏe, có tinh thần sảng khoái hỗ trợ việc học tập. Điểm số phụ thuộc nhiều thứ: sự chuyên cần, thái độ tập luyện, kỹ thuật... Thành tích chỉ là một yếu tố, do đó tỷ lệ rớt rất ít”. Hằng năm SV vẫn được tham gia các giải thi đấu như cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, bơi lội, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, hội thao...

Bước ra những sân tập bây giờ thấy không khí học môn GDTC của các trường thật sôi động và hấp dẫn. Cũng với 6 môn học tự chọn, chương trình GDTC của trường gồm bóng rổ, tennis, cầu lông, bơi lội, taekwondo và vovinam. Ngay khi vào học, SV được kiểm tra thể lực và tư vấn để chọn lựa môn thể thao phù hợp với bản thân. Với 150 tiết, chương trình học được phân thành 5 học kỳ với mỗi học kỳ 30 tiết. Không chỉ vậy, SV còn có thể tham gia chương trình ngoại khóa vào cuối tuần để theo đuổi môn học cho đến khi tốt nghiệp ra trường.  

Mỹ Quyên - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.