Nước mắt vùng bão lũ

03/11/2005 23:53 GMT+7

Trên những ngả đường vùng lũ vẫn còn cảnh hoang tàn, ngổn ngang sau hai ngày cơn bão số 8 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Nỗi lo đang chồng chất trong lòng hàng nghìn người dân...

 

"Anh phải sống..."

 

Chiều qua (3.11), những người dân xóm É, thôn Mỹ Thành, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ngậm ngùi tiễn đưa chị Lương Thị Thiện - 35 tuổi, một nạn nhân của cơn bão số 8 - về nơi an nghỉ cuối cùng. Đã 3 ngày sau cơn bão dữ, nước mắt vẫn không thôi rơi trên khuôn mặt khắc khổ của những người thân. Cảnh tang tóc vẫn cứ bao trùm lên cánh đồng xóm É, nơi chị Thiện bị nước lũ nhấn chìm. 3 đứa con thơ dại của chị Thiện cứ thất thểu gọi tên mẹ trong vô vọng...

 

Những người hàng xóm kể lại rằng, chị Thiện vốn là người hiền từ, nhân hậu. Hoàn cảnh nghèo khó, sau ngày lập gia đình, chị cùng chồng ra triền đê sông Bồ Bèo dựng chòi ở và nuôi tôm. Trong đợt bão lũ vừa qua, chị và chồng là anh Quang, sau khi chèo thuyền giữa cánh đồng ngập nước, đưa 3 đứa con vượt mưa gió đi gửi nhờ nhà hàng xóm để tránh lũ đã cùng nhau quay trở lại căn chòi để cất giữ đồ dùng học tập của con và thu gom những vật dụng sinh hoạt của cả gia đình  thì sự cố đáng tiếc xảy ra trước sự bất lực, tuyệt vọng của người chồng. Anh Quang nghẹn ngào nhớ lại: "Trong bốn bề nước ngập mênh mông, gió thốc mạnh, cả hai vợ chồng cố bám víu vào nhau chới với giữa cánh đồng. Một dòng nước xoáy mạnh bất ngờ ập đến đánh bật hai vợ chồng ra xa, cô ấy chỉ kịp thều thào một câu: "Con của mình... anh phải sống..." rồi lặng chìm trong biển nước. Đến ngày hôm sau, xác của cô ấy mới được tìm thấy...".

 

Khó khăn chồng chất

 

Sự tàn phá dữ dội của cơn bão số 8 đã để lại những thiệt hại nặng nề cho người dân Quảng Ngãi: 8 người thiệt mạng, 16 người bị thương; hàng ngàn ngôi nhà bị sập và tốc mái; hàng trăm tàu đánh cá, trường học bị đánh chìm, hư hại.

 

Sau đợt bão lũ vừa qua, người dân huyện Bình Sơn (huyện bị thiệt hại nặng nề nhất) đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Khi chúng tôi đến xóm 5, xã Bình Thới, bà Nguyễn Thị Văng, 66 tuổi, đang co rúm người trong căn nhà đã bị sập hoàn toàn. Từ nhiều năm nay, bà Văng lủi thủi sống một mình bởi hai người con của bà đi làm ăn xa. Bà ngậm ngùi nói: "Lũ tràn về nhanh và mạnh quá nên tui không thể chống đỡ được gì. Bà con hàng xóm đều phải lo chạy lũ. Hũ gạo dùng để ăn hằng ngày cũng đã bị vỡ khi căn nhà sụp đổ, chẳng còn giữ được gì". Cũng chịu cảnh trắng tay như bà Văng sau lũ, anh Nguyễn Thanh, ở xóm 9, xã Bình Thới đang tất tả cùng vợ và 3 người con chạy vạy qua bữa và dựng lại nhà. Anh xót xa nói: "Không biết rồi đây mấy đứa con có tiếp tục được đến trường nữa không".

 

Những người dân ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cũng đang lao đao sau cơn bão dữ. Đến chiều 3.11, gần 200 hộ dân ở đây đã quay về nhà sau 3 ngày di tản tránh bão. Hầu hết tài sản của họ bị hư hỏng. Ông Phạm Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn nói: "Bão lũ đã qua nhưng khó khăn vẫn chồng chất đối với bà con nhân dân trong huyện. Nhiều gia đình hiện không có điều kiện để dựng lại nhà, lương thực thiếu thốn. Tỉnh và huyện đã bước đầu hỗ trợ nhưng không thể bù đắp được thiệt hại mà bà con đang gánh chịu. Bà con vùng bão lũ đang cần nhiều sự trợ giúp để ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn".

 

Miền Trung tập trung khắc phục hậu quả thiên tai

 

Theo thống kê của Ban phòng chống bão lụt các tỉnh miền Trung, ngoài 22 người chết, hàng trăm người bị thương thì cơn bão số 8 đã làm thiệt hại trên 100 tỉ đồng, trong đó thiệt hại lớn nhất là ở Đà Nẵng với hơn 43 tỉ đồng, tiếp đến là Quảng Ngãi 28,5 tỉ đồng, Quảng Nam 25 tỉ đồng...

 

Sau khi cơn bão đi qua, chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, đưa người dân vùng xung yếu phải di tản tránh bão trở về an toàn. Riêng việc chìm đò ở Quảng Nam khiến 5 người chết sau lũ là tai nạn đường thủy, không liên quan gì đến người di tản tránh bão.

 

Ngày 3.11, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ cho những nạn nhân và gia đình bị thiệt hại trong cơn bão số 8. Theo đó, hỗ trợ cho gia đình người bị tử vong 2 triệu đồng, người bị thương nặng từ 500 ngàn đến 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi căn nhà bị sập được hỗ trợ từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, những hộ có nhà bị hư hỏng được hỗ trợ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Theo ông Trần Văn Hào - Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, mức hỗ trợ về nhà chỉ áp dụng đối với những hộ thực sự có người ở, không xây dựng trái phép.

 

Các tỉnh khác hầu hết đều đã hỗ trợ 1 triệu đồng đối với hộ có người chết và nhà sập, 500.000 đồng đối với người bị thương đang điều trị tại bệnh viện. Ngành y tế cũng đã cung cấp đủ số thuốc để khử khuẩn cho giếng nước bị ngập lụt. Các địa phương trong tỉnh đã huy động nhân dân dọn dẹp cây cối đổ ngã, làm vệ sinh môi trường, giúp các hộ bị sập nhà làm nhà tạm... giúp nhân dân ổn định đời sống.

 

Trong ngày hôm nay, đoàn công tác xã hội Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên phối hợp với Trung tâm Văn hóa Doanh nhân miền Trung tiến hành cứu trợ tại Quảng Nam (dự kiến có 150 suất, mỗi suất 200.000đ tiền mặt), sau đó sẽ vào Quảng Ngãi, ra đảo Lý Sơn. Một đoàn khác của T.Ư Đoàn và Báo Thanh Niên sẽ đến Quảng Ngãi trong ngày 4.11, sau đó ra Quảng Nam ngày 5.11...

 

N.T.T - H.T

 

Đình Phú - Trung Anh

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.