Sống trên mây

07/11/2005 22:24 GMT+7

Giờ vàng trên HTV đang chiếu bộ phim Niềm đau chôn giấu, không "bị" phê phán nhiều như Vòng xoáy cuộc đời, nhưng thật ra do khán giả không quan tâm bao nhiêu nữa. Một bộ phim rơi vào yên lặng thì cũng đâu có hơn gì một bộ phim bị mổ xẻ kịch liệt. Mà tại sao khán giả lại thờ ơ?

 

Chợt nhớ cách đây vài năm, bộ phim nhiều tập Giã từ dĩ vãng cuốn hút người xem đến bất ngờ. Không có nhiều thủ thuật câu khách, suốt phim hầu như chỉ có những cảnh nghèo khổ của đất miền Trung, rồi khu lao động ngoại ô Sài Gòn, những bộ quần áo cũ kỹ, những gánh ve chai, những nhân vật lam lũ, không son phấn... Nhưng, chính câu chuyện và khung cảnh ấy mới thật sự gần gũi đại bộ phận công chúng, thật sự là một phần đời của họ, hoặc của người chung quanh họ. Có biết bao cô Nga tại thành phố này đang vươn lên như thế. Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, nói được điều cuộc sống muốn nói. Cho nên, bộ phim cuốn người ta đi một cách tự nhiên, dễ dàng. Đến Blouse trắng cũng vậy, khán giả bắt gặp chính mình hoặc người thân mình trong dòng xoáy của thời mở cửa, của nghiệt ngã thị trường, bởi nếu không khéo nó sẽ phá tan đạo đức làm nghề và giềng mối gia đình truyền thống. Một vấn đề rất lớn của xã hội, nhưng thể hiện hết sức gần gũi và chân thực.

 

Nhìn lại những Vòng xoáy tình yêu, Ảo ảnh, Niềm đau chôn giấu, hình như quá giả tạo so với đời sống. Hay nói đúng hơn, những nhân vật trong phim đều "sống trên mây", chứ không phải bắt nguồn từ thực tế. Tất nhiên, tác phẩm nghệ thuật là phải hư cấu, thực ra là "giả" hết, nhưng cái giả ấy lại phải thể hiện sao cho rất "thật" thì mới thuyết phục người xem. Đằng này, làm sao tin nổi một bà sui vô nhà ông sui ngang nhiên lộng hành, một ông chủ doanh nghiệp điển hình của tỉnh mà cưới vợ không làm hôn thú, trái với luật pháp, một cô giúp việc cứ nạt nộ chủ nhà, rồi những căn hộ lộng lẫy, những cô gái ngày hay đêm gì lúc nào cũng váy đầm kiêu sa như đi dạ hội, ăn diện còn hơn người mẫu...!? Thử quan sát chính những người mẫu và nghệ sĩ thật sự của thành phố, họ cũng không ăn diện tới mức ấy. Ban ngày, khi đi tập tuồng, đi làm việc, đa số họ mặc quần jeans, áo pull, áo sơ mi, nhanh gọn. Cách ăn nói, sinh hoạt cũng chẳng điệu đà cỡ vậy. Ngay cả phim bộ Hàn Quốc, Hồng Kông, cũng chẳng thấy các nhân vật ăn diện và sinh hoạt như thế. Thành ra, phim cứ như nói về một thế giới nào... trên mây ấy, chứ không phải cuộc sống Việt Nam. Cho nên, người Việt Nam thấy "lạ hoắc", ngược lại, xem phim Hàn lại thấy "gần ơi là gần" (!).

 

Nói vậy, để mong muốn người làm phim chịu khó tìm chất liệu sáng tác ngay trong thực tế cuộc sống. Chúng ta đâu có thiếu đề tài và những bức xúc của một xã hội đang trên đường đổi mới. Thậm chí, có quá nhiều chất liệu phong phú so với một đất nước Hàn Quốc ổn định, vì vậy người ta mới loanh quanh với đề tài gia đình, tình yêu. Mình có một kho tàng mà không chịu đào bới, lại "rinh" hàng nước khác về xài, nên khán giả cười: "Đúng là sống trên mây”!

 

Thư Thư 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.