Đưa kịch kinh điển đến gần khán giả

24/11/2005 23:38 GMT+7

Những vở kịch được xếp vào hàng kinh điển của thế giới đã từ lâu vắng bóng trên sân khấu TP.HCM. Nó vốn đã "khó xem", lại càng "khó xem" hơn khi chung quanh quá nhiều hài kịch đang chiếm lĩnh, dần dần tạo thành một thói quen cảm thụ khá dễ dãi trong công chúng.

Chính vì vậy, Nhà hát Thế Giới Trẻ ra mắt vở Điệu nhảy cuối cùng (*) quả là một sự... táo bạo. Nhưng đáng ghi nhận ở chỗ, các nghệ sĩ đã làm cho kịch kinh điển trở nên gần gũi với công chúng, mở ra một hướng khả thi.

Câu chuyện thời đế chế La Mã, vua Herod Antipas giết anh trai mình để lấy chị dâu xinh đẹp nhưng rồi lại say đắm con gái của bà là công chúa Salome. Công chúa là một vũ công nổi tiếng, vừa múa giỏi vừa đẹp tuyệt trần. Nàng lãnh đạm trước bao nhiêu lời tán tỉnh chung quanh nhưng lại yêu nhà tiên tri Jokanaan. Mới 30 tuổi, Jokanaan được dân chúng tôn sùng vì sắc đẹp lẫn trí tuệ, đã dám diễn thuyết lên án tội lỗi của triều đình. Công chúa bị cự tuyệt tình yêu đã gài bẫy nhà vua bằng một điệu múa và ông phải ra lệnh giết Jokanaan. Từ cái chết bất khuất ấy, dân chúng đã nổi dậy đánh đổ ách thống trị.

Ngoài hai diễn viên nổi tiếng Công Hậu và Nguyễn Sanh đóng vai nhà tiên tri và đức vua, tất cả các vai còn lại đều do những sinh viên rất trẻ mới tốt nghiệp Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM phụ trách. Vậy mà họ đã kéo khán giả đi suốt vở diễn với những tràng pháo tay cứ vang lên không ngớt. Bảo Quyên vai công chúa Salome với màn độc thoại cùng chiếc đầu lâu của Jokanaan quả là đáng nể trong lớp diễn viên trẻ hiện nay. Cô thể hiện một trái tim phụ nữ vừa yêu thương sâu sắc  vừa ganh ghét và ác độc khi không được thỏa mãn. Bi kịch của Salome là khi chiếm hữu được người yêu rồi thì cũng chính là lúc cô đã mất chàng vĩnh viễn. Nụ hôn mà cô từng khao khát giờ đây đã đạt được, nhưng là nụ hôn với một chiếc đầu lâu kinh tởm. Giá như Bảo Quyên đẩy thêm cảm xúc để lớp diễn của cô thật sự là "bi kịch". Tuy nhiên, trong tương lai cô sẽ còn đi xa, có thể tiên đoán như vậy với một diễn viên vừa có ngoại hình đẹp vừa có khả năng múa hát, diễn xuất và một đài từ khá tốt.

Lời thoại đã được tác giả trẻ Thanh Hương biên tập trở nên ngắn gọn, mang chất "đời" nhiều hơn chất "kịch", gần gũi với ngôn ngữ sân khấu hiện nay. Trang phục cũng rất đẹp, rất gần với xã hội bây giờ, thu hút khán giả trẻ. Một vở kịch cổ điển vẫn có thể đi vào công chúng một cách nhẹ nhàng. Tại sao không phát huy cách làm này để giới thiệu nhiều vở khác? Khán giả, đặc biệt là khán giả trí thức và sinh viên, hầu như chỉ "biết" kịch cổ điển qua những trang sách văn học chứ chưa hề tiếp cận thật sự trên sân khấu. Vì thế, "bắt" họ "yêu" cũng khó, nên những cái tên như Shakespeare, Oscar Wilde dần dần trở nên xa lạ. Nhà hát Thế giới Trẻ đã đi tiên phong, chỉ mong nhiều đơn vị khác cùng góp sức vào để bồi đắp thêm năng lực thẩm mỹ của khán giả, cung cấp cho sân khấu Việt một loại hình nghệ thuật đặc sắc, kinh điển mà mới mẻ và quyến rũ.

(*) Kịch bản: Oscar Wilde. Dịch giả: Lee Na. Biên tập: Thanh Hương. Đạo diễn: Hồ Minh Thương

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.