Chuyến trở về thất bại của ông Fujimori

07/11/2005 21:51 GMT+7

Ngày 6.11, một chiếc máy bay tư nhân đưa cựu Tổng thống Peru A.Fujimori từ Mexico tới Chile. Sau gần 5 năm, người đàn ông gốc Nhật này trở về Nam Mỹ để bắt đầu chiến dịch "tái chiếm" dinh tổng thống Peru nhưng khi chưa thực hiện được tham vọng thì đã bị bắt. Khi máy bay vừa hạ cánh xuống thủ đô Santiago của Chile, 4 người lạ mặt ngay lập tức hộ tống ông Fujimori về khách sạn. "Tạm thời tôi lưu lại đây trong một thời gian, sau đó sẽ trở về Peru", ông Fujimori tuyên bố và cho biết sẽ tranh cử tổng thống Peru vào năm tới.

Tuy nhiên, khi chiếc xe chở ông vừa vù đi cũng là lúc Đại sứ Peru tại Santiago yêu cầu nhà chức trách sở tại tiến hành bắt giữ: "Tôi đã chính thức đề nghị chính phủ Chile bắt một người đã vi phạm luật pháp Peru". Vài giờ sau, cảnh sát Chile xuất hiện tại khách sạn nơi ông Fujimori tá túc và đọc lệnh bắt. con người quyền lực một thời của đất nước Peru không có biểu hiện kháng cự nào.

 

Chuyến trở về Nam Mỹ của ông Fujimori có thể nói chẳng khác gì hành động tra tay vào còng. Điều đáng ngạc nhiên là "để tra tay vào còng", người đàn ông gốc Nhật 67 tuổi này đã có quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Sau khi từ chức tổng thống Peru và sống tị nạn tại quê cha đất tổ vào năm 2000, ông Fujimori đã bắt tay tái tạo lại cơ đồ chính trị. Năm 2003, ông thành lập đảng phái mang tên Sí Cumple để chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống Peru vào năm 2006. Dù không được Quốc hội Peru thừa nhận nhưng Sí Cumple vẫn được nhiều người dân nước này và một số chính trị gia có tiếng ủng hộ. Nhiều cuộc thăm dò gần đây cho thấy có đến 10% dân Peru ủng hộ Sí Cumple. Tháng 3 năm nay, các ủng hộ viên của ông Fujimori đã tung ra nhãn hiệu nước ngọt Fuji-Cola để huy động tài chính cho việc tranh cử. Sau chiến dịch dài hơi, chuyến trở về hồi cuối tuần qua được coi là bước đi tất yếu để tiến đến thực hiện tham vọng trở lại dinh tổng thống Peru.

 

Có thể thấy, sau 5 năm phải sống tị nạn, ông Fujimori vẫn chưa quên thời kỳ vàng son của mình. Thời kỳ đó bắt đầu từ năm 1990, sau khi ông vượt qua đối thủ là nhà văn nổi tiếng thế giới M.Llosa để tiến vào làm chủ dinh tổng thống Peru. Lúc đó, nhiều nhà quan sát cho rằng chính cái gốc gác châu Á đã giúp ông chiến thắng trong thời buổi mà dân chúng Peru quá ngán ngẩm với giới chính trị gia gốc Tây Ban Nha. Sau khi lên nắm quyền, ngài Fujimori bắt đầu khẳng định bản lĩnh bằng chiến dịch trấn áp các phong trào vũ trang cực đoan. Tuy nhiên, suốt 10 năm cầm quyền, người đàn ông gốc Nhật này đã dần bộc lộ hình ảnh của một nhà độc tài. Làn sóng chống đối trỗi dậy ngày một mãnh liệt hơn và đến một ngày đã cuốn phăng sự nghiệp chính trị của Fujimori. Đó là vào cuối năm 2000, khi đang tham dự một sự kiện của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Brunei, ông Fujimori nhận được hung tin từ trong nước: phe ủng hộ ông đã bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Thế là thay vì trở về, ông bay thẳng qua Nhật Bản và sau đó fax lá đơn từ chức về Peru. Ông chấp nhận rũ bỏ quyền lực nhưng điều tồi tệ vẫn chưa kết thúc. Các quan tòa trong nước sau đó đã đề nghị truy tố ngài cựu tổng thống 21 tội danh. Nhà chức trách Peru cũng đã nhiều lần yêu cầu Nhật Bản dẫn độ nhưng không được Tokyo đáp ứng. Và khi mọi chuyện tưởng như sẽ dần lắng dịu, ngài Fujimori đã đường đột trở về để thực hiện tham vọng. Tuy nhiên, chuyến trở về được chuẩn bị rất kỹ lưỡng này đã kết thúc trong thất bại. Sau khi bị bắt, nơi đến kế tiếp của ngài cựu tổng thống có lẽ là tòa án chứ không phải là căn phòng quyền lực mà ông từng ở suốt 10 năm trước đây. (BBC, Reuters)

 

Châu Minh Linh

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.