"Chợ" trước bệnh viện

09/12/2009 11:25 GMT+7

(TNO) Với giá bán từ 8.000-10.000 đồng/phần cơm, các xe cơm lề đường quanh cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) vào giờ ăn trưa tấp nập người ăn, người mua... Đó cũng là thực trạng chung ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM, vốn đang bị các hàng ăn lấn chiếm.

Từ hàng quán bát nháo...

Trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy (đường Nguyễn Chí Thanh) là “địa bàn” của những xe mì, hủ tiếu mà từ việc nấu nướng, ăn uống đến rửa bát đũa đều được thực hiện trên vỉa hè, cạnh nắp cống và mùi rác ẩm cứ bốc lên cùng với mùi thức ăn. Nước thải từ xe mì tràn cả ra đường và trên vỉa hè.

Trước cổng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (đường Hàm Tử), một trung tâm điều trị bệnh truyền nhiễm của cả phía Nam, lại đầy rẫy các yếu tố nhiễm khuẩn. Ngay trước cổng bệnh viện, công tác thi công hoàn thiện Đại lộ Đông Tây vẫn tiếp tục, vỉa hè chưa được lát mà thay vào đó là đất cát của công trường với những vũng nước đọng và ao tù lớn. Thế mà, trên nền đất và dưới lòng đường nào là xe bán nước, bàn bán bánh kẹo, tủ bán cơm với việc nấu nướng được thực hiện ngay tại chỗ. Tất cả đều được phơi nắng, phơi bụi. 

 
Hàng quán ngay công trường và ao tù trước cổng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - Ảnh: Nguyên Mi

Không chỉ hàng ăn, cặp sát bên hông tường của Bệnh viện Nhi đồng 2 (đường Nguyễn Du) là một dàn các bếp than, chai lọ để chủ hàng nấu nước sôi bán cho người bệnh. Nước thì không biết được lấy từ nguồn nào, bình đựng thì đen ngòm, cáu bẩn và nhơn nhớt ngay miệng bình. Thấy tôi chê bẩn, chị bán hàng giải thích ngay: “Nước nấu sôi rồi sợ vi trùng gì em. 3.000 đồng/bình thủy, chị nấu cho, có bình thì đem bình xuống, còn không chị cho thế chân “mượn” bình”.

Các bệnh viện lớn khác như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM,... cũng không thoát cảnh “bảo vệ” bệnh viện là hàng loạt hàng quán vỉa hè.

Tất cả đang tạo nên một bức tranh lộn xộn, nhếch nhác ngay trước cổng bệnh viện làm người đến khám bệnh đã bệnh lại còn “bệnh” thêm vì cảnh chèo kéo, cò mồi, phải chen qua “ma trận” chật chội của các hàng quán, bãi xe và hàng chục “dịch vụ” khác.

Chị L.T.N vừa bế con xuống xe vào cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã bị 3 - 4 người nhào đến chèo kéo. Em bé cứ khóc, mẹ phải dỗ con, xung quanh là âm thanh hỗn tạp của những tiếng mời gọi, chen lấn, nào là: “Mua đồ chơi cho bé bớt khóc đi chị”, “Mua bánh hông chị ơi”, “Con bị sao? Có cần khám nhanh không?”,... Mẹ con vào đến trong bệnh viện thì mặt mày đã đỏ bừng, mồ hôi mẹ, mồ hôi con ướt đẫm, mặc dù chỉ mới 9 giờ sáng.

Cũng như thế, chị N.M.T, đến khám thai ở Bệnh viện Từ Dũ, vừa “lọt” qua cổng đã ngồi phịch ngay xuống ghế thở, chị bực bội: “Mình đi khám thai con đầu lòng, thế mà mấy ông, mấy bà ở ngoài cứ kè kè hỏi có muốn “phá” không? Không cần giấy tờ, chứng nhận gì đâu. Đúng là thất đức quá!”.

Đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao

Môi trường tại các điểm buôn bán này hoàn toàn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) như: gần cống rãnh, bãi rác, thực phẩm không được che chắn, bị phơi ra trước khói, bụi, côn trùng và để lâu...

Trả lời lý do tại sao không vô căn-tin bệnh viện ăn mà lại mua thức ăn ngoài cổng đem vào bệnh viện, chị T.T.H thành thật trả lời: “Trong căn-tin bán mắc hơn ngoài này, chị ơi”.

 
Như thế này người bán vẫn cho là sạch vì: "Nước nấu sôi rồi sợ vi trùng..." - Ảnh: Nguyên Mi 

Hay một bạn nữ ngồi ăn cơm trưa ngay quán ăn bên lề đường trước Bệnh viện Từ Dũ (đường Cống Quỳnh) thì hồn nhiên: “Em thấy ăn cũng được, có dơ gì đâu. Mà kệ, nuốt cho vô thôi, chờ khám bệnh nên tấp đại vô ăn trưa chứ có phải ngày nào cũng ăn đâu mà sợ”.

Bác sĩ Nguyễn Trần Chính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, lo ngại: “Đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng việc ăn uống là cực kỳ quan trọng, cần phải được chú ý hơn bình thường. Thế nhưng, với cảnh lộn xộn hàng quán trước bệnh viện thế này, chúng tôi lo nhất là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân dùng thực phẩm không đảm bảo VSATTP, lỡ bị ngộ độc trong thời gian điều trị thì rất khó cho bệnh viện”.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý VSATTP, Sở Y tế TP.HCM, đánh giá: “Với môi trường buôn bán ở lòng lề đường như thế thì nguy cơ ô nhiễm thực phẩm là rất cao. Đó là chưa kể đến sức khỏe, vệ sinh của người bán, chế biến thực phẩm và nguồn gốc thực phẩm".

Bệnh viện... bó tay

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), bức xúc: “Các hàng quán này ở khu vực bên ngoài cổng bệnh viện nên bệnh viện không có thẩm quyền quản lý hay xử lý. Họ còn hăm dọa cả bệnh viện. Có lần, chẳng biết bên ngoài các hàng quán tranh mua, tranh bán thế nào mà xách dao rượt chạy vào bệnh viện, làm náo loạn bệnh viện. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là bệnh viện cấp bộ, trung tâm điều trị các bệnh truyền nhiễm của cả phía Nam, thế mà, đến bệnh viện nhìn ngay “mặt tiền” thế này thì thật là... (bác sĩ Châu lắc đầu)

 
Cảnh nhếch nhác trước Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi

Bác sĩ Châu cho biết thêm, lãnh đạo bệnh viện vẫn thường xuyên phối hợp với công an phường dẹp cảnh lấn chiếm trên. Thế nhưng, có công an xuống thì gánh hàng rong đi, công an vừa đi thì hàng quán lại về và trước cổng bệnh viện lại trở thành cái chợ.

Theo quy định, thẩm quyền quản lý, xử lý vi phạm các quán ăn, gánh hàng rong, xe thức ăn lề đường này là của cấp UBND phường, xã. Để quản lý tốt thì phường xã phải tăng cường công tác kiểm tra, quản lý để hạn chế mô hình kinh doanh này phát triển.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng Phòng Quản lý VSATTP, Sở Y tế TP.HCM, nói.

Hiện nay, UBND TP.HCM có chủ trương kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho việc buôn bán hàng rong để quản lý đối tượng kinh doanh này. Tuy nhiên, theo ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Phó trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP thì: “Công tác cấp giấy chứng nhận cho đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố ở cấp phường xã còn gặp nhiều khó khăn do ý thức chấp hành VSATTP của người kinh doanh hình thức này chưa có”.

Vẻ mỹ quan của các bệnh viện, cơ sở y tế phần nào thể hiện “bộ mặt” của hoạt động chăm sóc, sức khỏe cho người dân, nơi mà vệ sinh môi trường, VSATTP cần được đặt lên cao nhất. Hiện nay, “mặt trước” của các bệnh viện đang bị “bôi bẩn” mà vẫn chưa có cách giải quyết hiệu quả.

Viên An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.