Giải mã kịch bản kinh tế VN năm 2012

09/12/2011 15:46 GMT+7

(TNO) Nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc nền kinh tế đang nhận được sự đồng thuận cao, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Trần Du Lịch cho rằng đó là thế mạnh lớn nhất mà nền kinh tế VN có được trong năm 2012.

(TNO) Nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc nền kinh tế đang nhận được sự đồng thuận cao, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Trần Du Lịch cho rằng đó là thế mạnh lớn nhất mà nền kinh tế VN có được trong năm 2012.

Tuy nhiên, ông Lịch cũng nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng là các doanh nghiệp (DN) phải tự mình cứu mình trước trong bối cảnh còn khó khăn hiện nay”. Ý kiến của ông Lịch tại hội thảo Kịch bản kinh tế VN 2012: Đâu là cơ hội do Thời báo kinh tế VN tổ chức sáng nay (9.12) nhận được sự đồng tình từ nhiều DN.

Gỡ bài toán: ngân hàng, bất động sản và chứng khoán

TS Trần Du Lịch chỉ ra hai điểm sáng mà nền kinh tế hiện nay đang có được là so với tháng 2.2011, ba vấn đề lạm phát - tỉ giá - lãi suất đã được giải quyết sáng sủa hơn.

Ngoài ra, sự đồng thuận cao trong việc tái cấu trúc nền kinh tế (bằng chứng là Quốc hội đã ra nghị quyết kỳ họp tới đây Chính phủ phải trình đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế) sẽ là sức mạnh để thực hiện tái cấu trúc ở ba lĩnh vực: đầu tư công, thị trường tài chính và các tập đoàn nhà nước.

Ông Lịch chỉ ra ba nút thắt cổ chai mà nền kinh tế gặp phải trong lĩnh vực đầu đầu tư công là: hạ tầng, nhân lực và thể chế. Theo ông Lịch, hiện Nhà nước đang giải quyết từng nút thắt một bằng việc Quốc hội đồng ý cho Chính phủ phát hành trái phiếu 225.000 tỉ đồng trong 5 năm tới để cải tạo hạ tầng; đổi mới toàn diện giáo dục giúp nguồn nhân lực phát triển…

Ở thị trường tài chính, ông Lịch cho rằng việc tái cấu trúc các ngân hàng thương mại không thể tách rời thị trường vốn và phải đặt trong tổng thể xử lý được việc thị trường chứng khoán giảm sâu và “tảng băng” bất động sản.

Ông Lịch nhận định hiện tại “tảng băng” bất động sản quá lớn, trong khi toàn bộ thanh khoản nằm hết ở đây do đó cần có chính sách làm cho tan dần. Do vậy, chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt theo Nghị quyết 11 phải được thực hiện đúng.

“Chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt chứ không phải thắt chặt; chính sách tài khóa thắt chặt phải thực sự thắt chặt thì mới gỡ dần những tảng băng đang đóng” - TS Lịch kết luận.


Các diễn giả đều khẳng định cần có chính sách tiền tệ cần chặt chẽ, linh hoạt hơn trong năm 2012 - Ảnh: T.L

Đó cũng là một trong bốn cơ hội mà theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nền kinh tế VN có được trong năm 2012. Trong đó, ngành ngân hàng đang thực hiện tái cấu trúc bài bản, khẩn trương. Hiện tại, rủi ro ngành bất động sản đe dọa nợ ngân hàng, chính vì vậy giải quyết tốt vấn đề này theo ông Nghĩa sẽ là cứu cánh cho các ngân hàng.

Ông Nghĩa cũng cho biết, chính sách phục hồi thị trường bất động sản và chứng khoán cũng đã có đề án tái cấu trúc và đẩy nhanh việc thực hiện. Nhà nước đã nhận ra việc thắt chặt tín dụng quá mức từ 30% xuống 10%. Chính phủ đã nhận thấy DN gặp khó khăn, đã chỉ thị và được nghe các bộ báo cáo, để soạn thảo và sẽ có nghị quyết chính sách kinh tế năm 2012.

Những cơ hội khai phá

Phân tích thêm những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế VN năm 2012, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng: “Mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2012 là cực khó nếu như Nhà nước không không chuyển nguồn lực đầu tư vào các DN tư nhân, DN vừa và nhỏ hay các nhóm xuất khẩu thế mạnh”.

Theo ông Tuyển, nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2012 là Nhà nước cần tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chính sách tài khóa thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Ý kiến này cũng được TS Lê Đăng Doanh đồng tình. Ông Doanh cho rằng Nhà nước không được nới lỏng chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát hiệu quả.

Cả ông Tuyển và ông Lịch đều khẳng định có cơ sở rằng: chỉ có kiềm chế lạm phát ở mức một con số thì chắc chắn lãi suất cho vay cũng kéo giảm, mang đến nguồn vốn và cởi bỏ áp lực cho DN. Ông Tuyển nhận định: “Tôi đánh giá cao việc giảm lãi suất 2% so với hiện nay sẽ mang lại hiệu quả cao hơn các hình thức giảm thuế DN”.

Bên cạnh những khó khăn và quyết tâm thực hiện nói trên, ông Tuyển cũng chỉ ra những cơ hội mà nền kinh tế VN và các DN cần phải tận dụng. Trong đó, việc tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là cơ hội lớn để VN đón một làn sóng đầu tư mới.

Trong khi đó, các DN cần khai thác tốt nguồn thị trường nông thôn, các lĩnh vực hàng hóa, tiêu dùng, mua sắm còn bỏ ngỏ, đẩy mạnh xuất khẩu và giành lấy thị phần vào các thị trường như Thái Lan (vừa bị thiệt hại cho lũ lụt); Trung Quốc (tái cơ cấu kinh tế)…

Điều quan trọng nhất mà các chuyên gia kinh tế khẳng định là tự thân các DN cũng phải tự cấu trúc lại mình, chấp nhận hy sinh, rà soát lại kế hoạch kinh doanh, mở rộng thị trường nội địa…

Thành Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.