Tôi làm đại sứ...

23/11/2007 23:23 GMT+7

20 học sinh ở TP.HCM được chọn tham dự chương trình "Đại sứ thiếu niên từ Việt Nam" đến Nhật Bản từ ngày 11 - 18.11. Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của bạn Trần Thị Diệu Đức từ chuyến đi này.

Được gặp Thủ tướng Nhật 

Sau hơn 5 giờ ngồi trên máy bay của Japan Airlines, chúng tôi đã đặt chân xuống sân bay Narita mênh mông và hiện đại ở Tokyo. Mọi thủ tục diễn ra rất nhanh gọn, chưa đầy 15 phút. 4 người của Tập đoàn AEON Nhật Bản (đơn vị tài trợ chuyến đi) đã có mặt đón đoàn. 


Diệu Đức (đứng giữa) và phóng viên truyền hình Nhật Bản

Sáng ngày hôm sau, chúng tôi được đưa đi thăm một loạt những nơi như: Asakusa, Kihabara, đền Sensoji và vườn Hamarikyu. Buổi chiều, chúng tôi được sắp xếp gặp Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda ở Văn phòng Chính phủ tại Tokyo. Rất tiếc là tất cả máy ảnh của đoàn đều không được phép mang vào phòng nhưng lại có cả rừng phóng viên chờ sẵn và chụp ảnh chúng tôi không ngớt. Ngài thủ tướng bước vào phòng với vẻ mặt hiền từ, cử chỉ rất thân thiện, gần gũi. Ông không ngồi mà đứng trò chuyện với chúng tôi về ấn tượng của ông đối với đất nước Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Ông cũng rất ấn tượng về tình hình giao thông ở Việt Nam. Trò chuyện với chúng tôi trong khoảng 20 phút, Thủ tướng Yasuo Fukuda phải đi ngay. Việc ông dành thời gian tiếp đoàn học sinh chúng tôi thể hiện mối quan tâm của Nhật Bản với Việt Nam và là điều mà ngay cả trong mơ tôi cũng chưa dám nghĩ tới.

Trường học Nhật Bản


Lớp học làm bánh - ảnh: Diệu Đức cung cấp

Giao lưu với học sinh và ở tại gia đình Nhật Bản (homestay) là chương trình được đoàn học sinh Việt Nam mong ngóng. Trường Ikeda tại Osaka có đến ba cấp lớp: tiểu học, trung học (2 cấp). Ngay từ trạm xe điện khá xa trường, đã thấy rất nhiều học sinh, từ những em nhỏ mặc đồng phục tiểu học đến các bạn học sinh cấp hai, cấp ba đồng loạt vỗ tay chào đón đoàn. Các bạn học sinh trường Ikeda đã cho chúng tôi xem một bài thuyết trình bằng Power Point về một ngày bình thường của học sinh Nhật Bản, đồng thời trình diễn một bài võ thuật và kendo (kiếm đạo). Sự tiếp đón nồng nhiệt này làm chúng tôi cảm thấy rất thú vị và ấm cúng...

Ngoài ra, thú vị nhất phải kể đến lớp học nấu ăn ngoài trời. Bàn được kê ra ngay trong sân trường. Một thầy giáo đang giã bánh gạo và một cô giáo nhào bánh. Sau khi bánh nhào xong được đem qua cái bàn thứ hai để vo viên. Chúng tôi xắn tay áo, rửa tay bằng xà phòng và sát trùng lại bằng cồn, rồi vo bánh. Đến công đoạn này là lúc bánh có thể ăn được nên nhiều học sinh tranh thủ dùng thêm... miệng để "nhào bánh", bột dính quanh miệng, rất lạ và ngon. Có nhiều loại nước chấm để ăn chung với bánh: nước tương, đậu nành, rong biển... Cô bạn tên Nagako cho biết, nấu ăn là nội dung nằm trong chương trình học, hai tiết một tuần. Lớp thư pháp cũng vậy. Quả là chương trình học của Nhật Bản rất đa dạng, không chỉ yêu cầu học sinh chuyên tâm vào sách vở mà còn có những môn học theo sở thích và phục vụ cho những hoạt động thường ngày. 

Ấn tượng homestay 


Diệu Đức (bên phải) và một người bạn ở Nhật Bản

Chúng tôi có may mắn được ở homestay với học sinh trường Ikeda. Bạn của tôi là Nagako Sekiguchi, học lớp 10, tiếng Anh khá giỏi. Tan học, tôi cùng Nagako và hai người bạn cùng lớp đi bộ ra trạm xe điện. Xuống trạm, ba của Nagako đã chờ sẵn, đón cả bốn đứa chúng tôi về nhà. Căn nhà biệt lập nhỏ nhắn nằm trong khu dân cư. Ba của Nagako là nha sĩ, làm ở phòng mạch riêng, còn mẹ là nội trợ. Cả hai đều gần 50, rất hiền lành, mến khách và có thể sử dụng một ít tiếng Anh. Hai người rất chú ý khi nghe tôi kể về gia đình và Việt Nam. Ông bà hỏi tôi về các món ăn như phở, trà. Ngày cuối khi tôi rời nhà Nagako Sekiguchi để đi đến tỉnh Mie, mẹ của Nagako nấu cho chúng tôi một bữa sáng truyền thống của Nhật Bản. Hai ngày ở với gia đình Nagako, khi chia tay tôi đã khóc. Nagako cũng thút thít theo. Sự chu đáo và tình thương mà gia đình Nagako dành cho tôi sẽ là kỷ niệm khó quên.

Một ấn tượng khác đặc biệt không kém là khi chúng tôi được đi trồng cây ở làng Miyagawa, tỉnh Mie, cách Osaka chừng hai giờ xe buýt. Nhóm chúng tôi trồng được cả thảy khoảng 50 cây con. Được biết, năm 2004, có một trận bão lụt nên hàng ngàn cây trên rừng ở đây bị cuốn phăng. Thế là từ ấy, năm nào cũng có hàng ngàn học sinh đến trồng cây gây rừng. Vẫn biết là thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai không màu mỡ nhưng người Nhật luôn đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ môi trường sinh thái song hành với phát triển đất nước.

Rời Nhật Bản, tôi nhớ mãi nụ cười thân thiện của các bạn học sinh trường Ikeda, nhớ mái ấm đầy tình thương của gia đình Nhật Bản, nhớ không gian xanh và sạch, những cái gập mình chào hỏi, cám ơn... Nhật Bản đã chinh phục tôi và tôi cũng mong muốn được giới thiệu đến những người bạn Nhật nhiều hơn nữa về một đất nước Việt Nam xinh đẹp, hiếu khách. 

Trần Thị Diệu Đức 
(Học sinh lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên  Trần Đại Nghĩa TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.