Chống dịch tiêu chảy cấp: Đình chỉ ngay cơ sở ăn uống thiếu vệ sinh

09/11/2007 23:58 GMT+7

Chỉ cần vi phạm 1 trong số 10 tiêu chí về "an toàn thực phẩm thức ăn đường phố", nhà hàng, cơ sở kinh doanh thực phẩm chín, thức ăn đường phố tại Hà Nội sẽ bị đình chỉ kinh doanh. Ông Lê Anh Tuấn (ảnh), Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết về chủ trương này:

- Ngày 8.11, Giám đốc Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các quận, huyện thực hiện đình chỉ kinh doanh các cơ sở kinh doanh thực phẩm chín, thức ăn đường phố, nhà hàng nếu không thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí đã được quy định về "Tiêu chuẩn cơ sở đạt vệ sinh an toàn thức ăn đường phố". Kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện. Các cơ sở ngoài việc được cấp giấy đăng ký kinh doanh còn phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Chỉ vi phạm một trong 10 tiêu chí vệ sinh an toàn thức ăn đường phố: không sử dụng găng tay sạch, không có tủ kính, thực phẩm không rõ nguồn gốc, bàn ăn không đảm bảo chiều cao quy định, người bán hàng không kiểm tra sức khoẻ định kỳ... là bị đình chỉ.

* Thưa ông, vậy sốá lượng các cơ sở bị đình chỉ sẽ là rất lớn ?   

- Chúng tôi có văn bản yêu cầu Ban chỉ đạo ATVSTP các quận, huyện triển khai hôm 8.11, vì vậy chưa thể có kết quả. Chỉ ước tính hiện tại, có khoảng 13.000-14.000 cơ sở thức ăn đường phố cố định và 3.000 - 4.000 hàng rong. Việc kiểm tra về ATVSTP vẫn làm thường xuyên trên địa bàn, và cơ sở vi phạm vẫn bị xử lý chứ không đợi đến khi có dịch tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch tiêu chảy cấp còn phức tạp, càng phải làm quyết liệt hơn. Vì dịch này lây lan chủ yếu qua ăn uống không đảm bảo vệ sinh, nếu không làm tốt, chặt chẽ về ATVSTP để chặn đường lây lan thì sẽ làm cho ổ dịch bùng phát. 

* Thưa ông, trách nhiệm của người quản lý đến đâu khi để tồn tại các cơ sở không đảm bảo ATVSTP?

- Việc quản lý cấp giấy chứng nhận cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện đã được phân cấp đến xã, phường, quận, huyện. Người lãnh đạo quận, huyện đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP. Còn tại các chợ, để tồn tại quầy hàng không đảm bảo, không chỉ người bán hàng bị xử phạt mà ban quản lý chợ cũng phải chịu trách nhiệm.

* Thưa ông, người dân quan tâm về kiểm soát nguồn nước, việc này được thực hiện như thế nào ? Với các loại nước tinh khiết đang sử dụng "uống liền" không đun sôi có đảm bảo an toàn ?

- Ngay từ khi có ca dịch đầu tiên, nguồn nước đã được giám sát rất chặt chẽ. Cán bộ y tế đều trực tại nhà máy nước lấy mẫu xét nghiệm. Các nơi sử dụng nước giếng khoan đã được phát hóa chất cloramin B khử khuẩn. Đến thời điểm này, các mẫu nước sinh hoạt xét nghiệm đều đảm bảo. Với nước tinh khiết, nếu nơi sản xuất có đăng ký chất lượng và tuân thủ đúng chất lượng tiêu chuẩn về nước, bình đựng thì đảm bảo. Hiện một số trường học cũng như người dân được khuyến cáo "uống sôi" nước lấy từ nguồn sinh hoạt.

* Người dân phản ánh đến Thanh Niên về tình trạng trực tiếp nhận thông  tin dịch chưa đầy đủ, còn hướng dẫn lòng vòng...?

- Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận qua số điện thoại của Sở Y tế 24/24:  04.7333071.

Liên Châu (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.