Giải quyết nhanh các thủ tục về hộ khẩu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

28/12/2006 00:10 GMT+7

Hôm qua 27/12, sau khi phiên họp thường kỳ cuối năm của Chính phủ kết thúc, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo.

Chủ trì cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã nhận định, nền kinh tế trong những tháng cuối năm vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao với xu thế quý sau tăng cao hơn quý trước. Trong quý IV, mức tăng trưởng đạt 8,85% so với mức 8,67% trong quý III và mức tăng 7,54% của quý II và 7,18% của quý I. Tính chung cả năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,17%. Các lĩnh vực đạt mức tăng cao nhất là công nghiệp và xây dựng (10,37%), dịch vụ (tăng 8,29%).

Riêng trong tháng 12, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so với tháng trước. Các hoạt động dịch vụ vẫn diễn ra sôi nổi: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12 tăng 4,2% so với tháng 11 (tính chung cả năm tăng 20,8% so với năm trước). Hoạt động xuất khẩu tiếp tục được duy trì mức độ tăng trưởng cao, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm nay đạt 39,6 tỉ USD, tăng 22,1% so với năm 2005. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đạt mức kỷ lục từ trước đến nay: tính chung cả năm, vốn FDI trong các dự án mới và các dự án đầu tư mở rộng đạt 10,2 tỉ USD, tăng gần 50% so với năm 2005 và vượt 57% kế hoạch đề ra là 6,5 tỉ USD.

Kết thúc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra 13 nhóm công việc lớn, yêu cầu các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2007, như đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân vốn xây dựng cơ bản, giải quyết nhanh các thủ tục về hộ khẩu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết nhanh các vấn đề xã hội đang bức xúc khác như giải phóng mặt bằng, đăng ký kinh doanh và thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Tham dự cuộc họp báo trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Thang Văn Phúc cho biết trong năm 2006, hoạt động cải cách hành chính đã có một số chuyển biến tích cực nhưng cũng thừa nhận là chưa đạt yêu cầu, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành chậm. Trong thời gian tới, theo ông Phúc, sẽ có nhiều hoạt động cải cách mạnh hơn, ví dụ như trong hoạt động kinh doanh sẽ thực hiện liên thông các khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp - cấp mã số thuế - khắc dấu; hiện đại hóa và tiêu chuẩn hóa hoạt động công vụ, của cán bộ, công chức.

Một nội dung lớn tại phiên họp Chính phủ lần này là kiểm điểm chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng và hướng triển khai công tác này trong năm 2007. Trả lời Báo Thanh Niên tại buổi họp báo, ông Lê Tiến Hào, Phó tổng thanh tra Chính phủ cho biết, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa có ý kiến về việc lập các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các địa phương; các bộ, ngành còn có nhiều ý kiến khác nhau nên chưa có mô hình cụ thể. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến là sẽ thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các địa phương. Trưởng các Ban chỉ đạo này là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và ban chỉ đạo sẽ đặt tại văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Chức năng và cơ cấu của các ban chỉ đạo này sẽ được quy định cụ thể trong một quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.