Chống tham nhũng thật!

26/11/2010 00:13 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà tài trợ chọn chủ đề cuộc đối thoại lần thứ 8 này là phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. GS-TSKH Đặng Hùng Võ, người được Ngân hàng Thế giới mời với tư cách tư vấn độc lập lý giải:

Các nhà tài trợ nhắc việc chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai lúc này là rất hợp lý ở chỗ họ thấy chúng ta mới chỉ có quyết tâm trên những con chữ mà chưa có chuyển động nhiều trong thực tế, dân còn kêu ca, phàn nàn nhiều về tham nhũng đất đai.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai được đề cập tới. Tham nhũng đất đai vẫn thường được đưa ra như một vấn đề nhức nhối. Các nghiên cứu khác nhau đều cho kết quả phát hiện về tham nhũng đất đai thống nhất, thống nhất đến mức đã 10 năm nay luôn được gọi là tham nhũng có mức độ lớn nhất, đứng đầu bảng các loại tham nhũng tại VN. Cũng như vậy, các giải pháp chống tham nhũng hoàn toàn giống nhau, dù được khuyến cáo bởi chuyên gia quốc tế hay VN, đó là công khai minh bạch các thông tin về quản lý, quy hoạch đất đai; đơn giản thủ tục hành chính…

Nhưng vấn đề là các giải pháp đó dù đã được thực hiện, nhưng không khi nào đến nơi đến chốn. Đơn cử, pháp luật về đất đai từ 2003 (sau nhiều lần sửa đổi) đều quy định phải công khai quy hoạch sử dụng đất, nhưng một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy website của nhiều tỉnh, mục về công khai quy hoạch sử dụng đất không hề có nội dung gì, có tỉnh thì cập nhật thông tin khác vào trang công khai quy hoạch.

Có lẽ chẳng có luật nào quy định chi tiết về thủ tục như Luật Đất đai, nhưng cũng không ở đâu việc vi phạm quy trình diễn ra phổ biến như với pháp luật về đất đai. Nó phổ biến đến mức, việc vi phạm trở nên…bình thường. Chẳng hạn, Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định: khi tiếp nhận hồ sơ người tiếp nhận chỉ hướng dẫn 1 lần (có nghĩa là hướng dẫn đến lần thứ hai phải bị coi là vi phạm, là sách nhiễu) nhưng đa phần người dân khi phải giải quyết thủ tục về đất đai nói rằng họ thường phải đi lên, đi xuống 7-8 lần, mỗi lần lại được “hướng dẫn” thêm một loại thủ tục. Đáng lo ngại là ở chỗ không ai coi đó là “có vấn đề” và phải xử lý! Khu vực dễ xảy ra tham nhũng lớn là giao đất, cho thuê đất, dù từ năm 2003 Luật Đất đai quy định khuyến khích đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án nhưng đến nay chưa có bất kỳ tỉnh nào đấu thầu dự án, việc đấu giá cũng chỉ được áp dụng với các lô nhỏ. Chủ yếu vẫn là giao đất chỉ định, với giá đất do UBND tỉnh quy định, do vậy nguy cơ tham nhũng luôn thường trực.

Điều này được hiểu là pháp luật cung cấp nhiều phương tiện để chống tham nhũng đất đai nhưng không được áp dụng.

GS Đặng Hùng Võ khẳng định việc chống tham nhũng đất đai không phải là “thiếu thể chế” mà chỉ là thiếu quyết tâm. “Vấn đề các cấp có thẩm quyền có muốn chống tham nhũng thật không mà thôi”, ông Võ nói.

 An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.