Thế giới tội ác trong lòng phố Sao Paulo

18/11/2006 17:57 GMT+7

Tại Sao Paulo, sát thủ không chỉ là thành viên của các băng đảng tội phạm mà đôi khi là những người mặc sắc phục cảnh sát. Thế giới tội ác ở thành phố lớn nhất Brazil và Nam bán cầu này vì thế trở nên kinh hoàng hơn bất cứ nơi đâu.

Sát thủ cảnh sát

Vào một buổi tối đầu tuần, chàng trai 22 tuổi Ricardo Flauzino tới gặp vị hôn thê của mình ở Jardim Filhos da Terra, một khu dân cư nghèo nằm trên vùng ngoại ô phía bắc Sao Paulo. Flauzino đứng đợi người vợ tương lai ở gần trạm xe buýt, một buổi tối lãng mạn của chàng trai trẻ. Flauzino nhìn xuống lòng đường chờ đợi. Thế nhưng, khi vị hôn thê chưa xuất hiện thì bi kịch ập đến. Từ con hẻm tối gần chỗ Flauzino đứng, một nhóm tay súng xuất hiện, vây lấy chàng. Nhìn những khẩu súng đen sì của nhóm lạ mặt, Flauzino rùng mình. Trong khi tìm cách thoát khỏi vòng nguy hiểm, chàng trai xấu số đã bị hạ sát bằng những viên đạn chì nóng hổi. Chỉ đến khi Flauzino gục xuống giữa vũng máu thì đám sát thủ mới biến vào bóng đêm.

Bi kịch trên đây là một cảnh không hiếm tại Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil và Nam bán cầu. Đây không phải là một vụ cướp của giết người, càng không phải là màn thanh toán lẫn nhau giữa các băng đảng tội phạm. Theo người dân sống xung quanh khu vực Flauzino bị hạ sát, thủ phạm là cảnh sát, lực lượng bảo vệ công lý hiện đang bị chỉ trích kịch liệt tại Sao Paulo.

"Bọn họ (những tay sát thủ) trùm đầu và choàng áo đen bên ngoài đồng phục của mình", một người đàn ông 35 tuổi kể lại và cũng như nhiều người ở đây, ông ta không dám tiết lộ tên thật vì sợ bị trả thù. "Sau khi bắn Ricardo, bọn họ chạy về phía nhà chúng tôi, nơi mọi người đang tán gẫu. Rồi họ bắn loạn xạ để khiến chúng tôi hoảng sợ mà chạy trốn", nhân chứng kể tiếp. Người dân ở đây còn cho biết sau đó họ đã nhìn thấy cảnh đám sát thủ cởi bỏ áo bên ngoài, để lộ ra trang phục cảnh sát. Và khi đã bỏ hết đồ ngụy trang, nhóm cảnh sát quay trở lại hiện trường để... điều tra vụ giết người.

"Bọn họ hỏi ai đã giết Ricardo", một cô gái trẻ nhớ lại, "nhưng chúng tôi ai cũng biết bọn họ chính là thủ phạm. Thật bất công. Anh ấy là một chàng trai chăm chỉ và sắp cưới vợ".

Trong khi đó, báo cáo điều tra chính thức của cơ quan thực thi pháp luật thì lại kết luận rằng những người cảnh sát này đã đến điều tra vụ giết Flauzino khi đang đi tuần tra. Báo cáo còn cho biết không có ai chứng kiến vụ bắn giết trên. Không có nhân chứng, không một ai bị bắt nên cũng không có phiên tòa nào xét xử bi kịch của Flauzino. Tuy nhiên, nhiều tổ chức nghiên cứu tội phạm đã khẳng định rằng lời của người dân tại khu Jardim Filhos da Terra không phải vô căn cứ.

Luật bắn bỏ

Năm 2006, làn sóng tội ác gia tăng tới mức đáng sợ tại Sao Paulo. Chỉ riêng trong tháng 5, có 32 cảnh sát bị bọn tội phạm sát hại. Trong hoàn cảnh nguy hiểm đó, cảnh sát đã phản ứng lại bằng hành động quá cứng rắn. Theo số liệu thống kê, cảnh sát đã bắn chết 107 người tình nghi chỉ trong một tuần hồi tháng 5. Con số này của 3 tháng cuối năm 2005 là 65 người. Có thể dễ dàng để hiểu rằng một số người bị bắn là dân lương thiện. Đó là thực tế kinh hoàng xuất phát từ sự ra đời của chủ trương bắn bỏ nghi phạm để tránh bị tấn công, thứ luật bất thành văn đang được một bộ phận cảnh sát áp dụng. Bi kịch vì thế cứ nối tiếp nhau, ở mức độ nghiêm trọng tột cùng. Bọn tội phạm thì có thể bắn bất kỳ ai, từ dân lành, cảnh sát đến cả những đối thủ của chúng trong thế giới ngầm. Cảnh sát đáp trả bằng một chính sách khắc nghiệt, có thể gọi là "giết nhầm còn hơn bỏ sót".

"Bọn họ (cảnh sát) đã bắn chồng tôi năm phát. Thật điên cuồng, thật vô nghĩa", bà quả phụ 24 tuổi của một nạn nhân tên Rogerio do Carmo Pareira giận dữ hét lên. Pareira bị giết cùng em trai của mình và một người đàn ông khác vào ngày 17.5. Khi đó, cảnh sát đã mở chiến dịch truy quét tại khu phố nghèo nàn mà các nạn nhân đang sống cùng gia đình sau khi nhận được thông tin rằng một nhóm tội phạm có vũ trang đang chuẩn bị tấn công một đồn cảnh sát.

"Họ đang ở trong con hẻm thì cảnh sát đến. Cảnh sát hỏi chồng tôi đã có tiền án nào chưa, chồng tôi nói có. Thế là đám cảnh sát chẳng nói chẳng rằng, bắt chồng tôi úp mặt vào tường và xả súng", bà quả phụ của Pareira kể. Người đàn bà bất hạnh này còn cho biết tiền sử phạm tội của chồng mình chỉ là một vụ ăn trộm thuốc lá và bị bắt, chẳng liên quan gì đến thế giới tội phạm có tổ chức cả. Nạn nhân Flauzino nhắc đến ở đầu câu chuyện này thì có một lý lịch hoàn toàn trong sạch. Anh ta làm nghề lái xe giao hàng. Có lẽ sai lầm khiến Flauzino phải mất mạng là việc anh đã chọn một góc tối để đứng chờ bạn gái và bề ngoài của anh trông rất bặm trợn. Thế thôi.

Hành quyết tàn bạo

Như đã nói, luật bắn bỏ không phải là một chính sách được quy định thành văn bản. Đó chỉ là hình thức ứng xử tàn bạo được một số cảnh sát thiếu phẩm chất và bản lĩnh vận dụng. Điều đáng nói là khi thi hành luật bắn bỏ, cảnh sát không chỉ bắn một hoặc vài phát vào tay, chân nhằm vô hiệu hóa khả năng tấn công của đối phương. Tất cả những gì họ làm là hướng thẳng nòng súng về phía nghi phạm và bắn xối xả. Ricardo Flauzino đã bị bắn nhiều phát vào đầu và lưng. Rogerio do Carmo Pareira thì dính đạn ở gáy và bả vai.

"Chúng tôi phát hiện nhiều phát đạn được bắn vào vùng nguy hiểm. Nó làm tôi liên tưởng đến một cuộc hành quyết", chuyên gia phân tích tội phạm Ricardo Molina phát biểu sau khi xem xét kết quả giám định thi thể Pareira. Trong quá trình điều tra các lời cáo buộc, Molina đã xem xét 124 vụ cảnh sát bắn chết nghi phạm. Ông kết luận rằng 60-70% số vụ bắn giết này được thực hiện theo kiểu hành quyết ngay tức thì, tức bắn xối xả để nghi phạm chết càng sớm càng tốt.

"Chúng tôi thấy có những cơ thể dính tới 21 viên đạn. Có nạn nhân bị bắn thẳng vào đỉnh đầu theo hướng từ trên xuống. Vì thế bạn không thể nói rằng đó là kết cục của một vụ đọ súng. Nếu nạn nhân đọ súng với cảnh sát hoặc đang bỏ chạy, đạn phải nhằm vào chân hoặc tay", Molina lập luận. Một số nghi phạm bị bắn chết và bị đem đi chôn mà chưa hề được kiểm tra để xác định nhân thân. Tình hình nghiêm trọng tới mức dân chúng xì xào rằng cảnh sát hiện có một đội quân tử thần với nhiệm vụ chính là bắn bỏ tất cả những người mà họ nghi ngờ. Tuy nhiên, một báo cáo của chính quyền bang Sao Paulo đã bác bỏ điều này: "Hiện chưa có chứng cứ cho thấy có sự tồn tại của đội hành quyết".

Cảnh sát Sao Paulo đã bị tố cáo là thủ phạm trong nhiều vụ bắn chết người vô tội. Tuy nhiên, không có nhân viên thực thi pháp luật nào bị đưa ra tòa cả. Nguyên do là vì người dân thấp cổ bé họng không dám đứng ra làm chứng. Sáu tháng sau vụ anh lái xe Ricardo Flauzino bị bắn chết, các nhân chứng đã buộc phải quên đi bi kịch này vì họ quá sợ hãi. Họ chỉ dừng lại ở mức tố cáo với báo chí và xầm xì với nhau chứ không ai dám ra tòa làm chứng.

"Đáng buồn là nỗi sợ hãi quá lớn", bà Iracy Flauzino - mẹ của nạn nhân Ricardo Flauzino - tâm sự - "Tất cả những người ở quanh đây đều nói họ thấy một vài điều gì đó, nhưng khi tôi cần đến thì họ đã quên hoặc chuyển tới chỗ khác ở. Tôi hiểu điều đó vì tất cả chúng tôi đều có một gia đình cần được bảo vệ". (Theo BBC, Economist)

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.