Tiêm hay không tiêm?

18/11/2009 10:54 GMT+7

Tiêm văcxin miễn phí để phòng cúm A/H1N1 cho dân chúng coi vậy không hề đơn giản chút nào như ở Pháp.

Mấy hôm nay dân Tây rộn ràng về chuyện tiêm hay không tiêm ngừa cúm A/H1N1. 76% dân chúng không chịu tiêm và nói chung người ta nghi ngờ chiến dịch mà chính phủ rầm rộ kêu gọi. Có nhiều lý do khiến người dân lắc đầu với chiến dịch phòng vệ cho sức khỏe dù đối tượng thụ hưởng là họ.

Đó là việc tiêm tập thể, biến những nơi công cộng như phòng thể dục thể thao thành nơi tiêm ngừa, tình trạng thiếu bác sĩ, chỉ do y tá hay sinh viên y khoa tình nguyện tham gia chiến dịch (dĩ nhiên thừa khả năng tiêm một mũi thuốc), nhưng dù sao cũng là chuyện thuốc men nên dân Tây ngại giao tính mạng cho người xa lạ.

Thêm nữa trong đợt này, bác sĩ gia đình và dược sĩ - những người mà bệnh nhân tin cậy - lại bị loại ra, với lý do đang mùa cúm hằng năm với nhiều thứ bệnh khác, phòng mạch bác sĩ gia đình không thể chứa thêm người đến tiêm chích. Vậy nên nhiều người cương quyết nói với bác sĩ gia đình: “Nếu không phải là ông thì tôi không tiêm”. Còn những người già yếu hay bệnh hoạn không thể di chuyển đến trung tâm tiêm tập thể thì sao?

Ngày 12-11 vừa qua là ngày khởi đầu việc tiêm ngừa tại 1.060 trung tâm trên toàn nước Pháp, mỗi nơi sẵn sàng đón tiếp hàng ngàn người mỗi ngày. Để khuyến khích và trấn an dân chúng bằng hành động thay vì chỉ bằng lời nói, bà Bộ trưởng y tế Roselyne Bachelot-Narquin đã vén tay áo cho người ta tiêm trước nhiều ống kính truyền hình, và tuyên bố sắp tới tổng thống và các thành viên chính phủ cũng sẽ tiêm.

Dù vậy các trung tâm tiêm ngừa to đùng chỉ đón tiếp nhiều lắm là chục người. Với kết quả này, sự liên hệ giữa quan chức y tế và giới y - dược sĩ trở nên căng thẳng, nhưng bà bộ trưởng chưa có vẻ sẵn sàng trả lời về việc có kéo họ tham dự chiến dịch hay không.

Điều khiến dân chúng nghi ngờ văcxin này là phản ứng phụ của nó có thể gây nên hội chứng Guillain-Barré (loạn thần kinh ngoại biên) gây tê liệt các chi lan dần lên thân thể, nhiều khi tác hại cơ hô hấp và thần kinh sọ não. Đã có một trường hợp xảy ra, nhưng Bộ Y tế Pháp chưa xác định có thật sự do văcxin này hay không. Dù sao đây cũng là một hội chứng trầm trọng và phải được bác sĩ thần kinh chăm sóc.

Hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, vụ việc này luôn được nhắc đến với các cuộc tranh luận. Các blogger tha hồ chỉ trích, cho đó là thuốc độc bởi vì chưa bao giờ một thứ thuốc ngừa lại được chế biến nhanh đến vậy, rằng đó là cách làm giàu cho “bạn bè” trong giới bào chế thuốc men, rằng phải suy nghĩ tìm hiểu chứ chúng ta không phải là những con thỏ thí nghiệm...

Văcxin này hoàn toàn miễn phí và không bắt buộc, được tiêm thành hai lần cách nhau ba tuần. Nó đã được tiêm cho bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, tiếp theo là người dễ bị cúm ảnh hưởng và người có trẻ sơ sinh. Nhưng không biết phải xử trí như thế nào khi nhiều bác sĩ gia đình lại khuyên không nên tiêm, mặc dù chính họ được y sĩ đoàn kêu gọi “có bổn phận” phải lo tiêm ngừa trước đi?

Trong đợt tiêm từ 21-10 đến 10-11 cho giới y tế, trên tổng số 100.000 mũi Pandemrix, đã có 91 trường hợp bị phản ứng phụ và bốn trường hợp phải nhập viện. Lại có một trường hợp chết người nhưng người này đã bị cúm rồi, đã được bác sĩ cho uống Tamiflu, và sau khi tiêm ba ngày thì gặp khó khăn về hô hấp, cô đã chết trước khi xe cấp cứu đến kịp. Trường hợp này lẽ ra không nên tiêm ngừa vì vô tình đưa thêm virus vào thân thể vốn đang không mạnh khỏe. Những tin này được loan ra khiến dân chúng hoang mang hơn nữa.

Dân Tây ưa phản đối bàn cãi. Nếu chính phủ không lo, lỡ dịch cúm tràn lan thì dân sẽ trách móc nhiều hơn, mà lo thì cũng bị nghi ngờ. Coi bộ làm chính trị ở xứ này khó hơn làm dâu trăm họ!

Theo tiến sĩ Trần Tịnh Hiền - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, văcxin cúm A/H1N1 vẫn an toàn như các loại văcxin trước đó. Loại văcxin nào cũng có một tỉ lệ tai biến rất nhỏ, chiếm khoảng 1/100.000 hoặc 1/1.000.000 trên số người tiêm. Đây chỉ là những tai biến rất nhỏ so với rất nhiều lợi ích từ việc tiêm ngừa văcxin mang lại. TS Hiền khuyên người dân nên đi tiêm ngừa cúm

A/H1N1, đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mãn tính...

T.Dương

Theo Xuân Sương / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.