Lần theo dấu vết kẻ đánh bom

30/12/2009 23:01 GMT+7

Cuộc điều tra vụ đánh bom máy bay chở khách bất thành ở Mỹ trong dịp Giáng sinh đang xoay quanh mối liên hệ giữa kẻ đánh bom người Nigeria với các tay súng al-Qaeda ở Yemen.

Tổ chức al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) đã tuyên bố đứng đằng sau âm mưu đánh bom của Umar Farouk Abdulmutallab và kẻ đánh bom trẻ tuổi này cũng đã khai với giới chức Mỹ rằng mình được huấn luyện và nhận chỉ thị từ al-Qaeda ở Yemen. Thực hư mối quan hệ giữa Abdulmutallab và mạng lưới al-Qaeda ở Yemen như thế nào hiện vẫn đang được làm rõ.

Đầu mối Yemen

Hãng thông tấn Saba hôm 29.12 dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Yemen cho biết Abdulmutallab đã ở nước này từ tháng 8 đến đầu tháng 12 để học tiếng Ả Rập tại Viện Ngôn ngữ Ả Rập ở Sanaa. Quan chức trên cho biết Abdulmutallab đã được cấp thị thực nhập cảnh Yemen sau khi giới hữu trách cho rằng nhân vật này có thể nhận được thị thực của các nước bạn bè khác và thị thực nhập cảnh vào Mỹ của đương sự vẫn còn hiệu lực.

Cùng ngày, theo hãng tin AP, Bộ trưởng Thông tin Yemen Hassan al-Lozy nói tại một cuộc họp báo ở Washington rằng Abdulmutallab thường xuyên đến một đền thờ Hồi giáo tại Sanaa, nhưng không cho biết liệu có mối liên hệ nào giữa al-Qaeda với đền thờ đó hay không. Trong khi đó, theo Báo The New York Times, Abdulmutallab khai với các nhân viên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) rằng mình có liên hệ với AQAP thông qua một giáo sĩ người Yemen tiếp xúc trên mạng internet. Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông Mỹ hôm 29.12, kẻ đánh bom 23 tuổi này, người được ví như một thầy tế khi còn đi học do sự nhiệt tình với đạo Hồi, là người thường xuyên sử dụng một diễn đàn Hồi giáo trực tuyến và mơ về một cuộc thánh chiến. Theo AP, trong hơn 300 bài viết trên internet, một người có tên là Farouk1986, được cho là Abdumutallab, phản ánh tâm lý ngày càng muốn rời bỏ gia đình và bày tỏ hy vọng một cuộc thánh chiến sẽ xảy ra trên khắp thế giới.

Cũng theo AP, bạn bè và các nhà quản lý của Viện Ngôn ngữ Ả Rập tại Sanaa nói rằng Abdulmutallab thích sống tập thể, có nhiều bạn bè người Yemen và không lộ vẻ quá khích một cách công khai. Tuy nhiên, họ nói rằng nhân vật này có bày tỏ sự căm phẫn đối với hành động của Israel tại Gaza, vùng lãnh thổ Palestine hiện do phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát. Mặc dù vậy, theo ông Ahmed Moajjib, một trong những giáo viên tại viện trên, Abdulmutallab không lộ vẻ gì muốn tự sát, trầm uất hoặc nản chí.

Trong khi đó, giới chức tại Nigeria cho biết cách đây vài tháng, Abdulmutallab đã nói với gia đình rằng mình muốn nghiên cứu luật Hồi giáo Sharia tại Yemen, điều mà cha của hắn nói rằng con mình không thể làm được. Bộ trưởng Thông tin Nigeria Dora Akunyili nói Abdulmutallab đã đáp lại bằng tin nhắn từ một chiếc điện thoại di động rằng mình sẽ không nói chuyện với gia đình nữa. Abdulmutallab đến Yemen từ Dubai, nơi anh ta học tại Đại học Wollongong trong khoảng 7 tháng.

Xuất hiện vấn đề Guantanamo

Trong các phát biểu đưa ra hôm 29.12, Bộ trưởng Thông tin Yemen al-Lozy nói Mỹ cũng phải chịu một phần trách nhiệm đối với việc Sanaa không thể nhận diện Abdulmutallab là đối tượng cần theo dõi. “Chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào của người Mỹ để đưa anh ta vào danh sách. Mỹ lẽ ra nên thông báo cho Yemen biết về người này”, AP dẫn lời ông al-Lozy.

Theo hãng tin AFP, Abdulmutallab đã được bổ sung vào danh sách theo dõi với hơn 500.000 tên hồi tháng trước, sau khi cha của anh ta cảnh báo giới chức sứ quán Mỹ ở Nigeria về tâm lý ngày càng cực đoan của con mình. Tuy nhiên, Abdulmutallab lại không bị xem là đủ nguy hiểm để đưa vào danh sách cấm đi lại bằng máy bay với khoảng 4.000 tên. Kết quả là Abdulmutallab vẫn được phép lên máy bay hướng đến Detroit với một thị thực Mỹ có hiệu lực. Bộ trưởng An ninh nội địa Janet Napolitano đã yêu cầu làm rõ việc vì sao Abdulmutallab có thể duy trì được thị thực Mỹ được cấp vào năm 2008 dù đã bị đưa vào danh sách theo dõi của các cơ quan chức năng Mỹ. Phía Bộ Ngoại giao Mỹ thì cho rằng “không đủ bằng chứng” để thu hồi thị thực của Abdulmutallab.

m mưu đánh bom bất thành dịp Giáng sinh cũng đã gây ra những nghi vấn về kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc đóng cửa nhà tù Guantanamo, nơi gần phân nửa tù nhân còn bị giam giữ đến từ Yemen. Guantanamo xuất hiện trong “bức tranh” về vụ khủng bố bất thành khi đài truyền hình ABC News hôm 29.12 dẫn lời các quan chức Mỹ và hồ sơ của Lầu Năm Góc nói rằng 2 cựu tù nhân của Guantanamo nằm trong số 4 nghi can khủng bố vốn có thể đã tham gia hoạch định vụ việc hôm Giáng sinh. Cũng hôm 29.12, Ngoại trưởng Yemen Abu-Bakr al-Qirbi nói trên đài BBC rằng có đến 300 tay súng al-Qaeda ở nước ông, và một số tên có thể đang dự định tấn công các mục tiêu phương Tây như vụ việc của Abdulmutallab.

Trong tuyên bố nhận trách nhiệm âm mưu đánh bom bất thành ở Mỹ, AQAP cũng cho biết đã cung cấp một loại chất nổ tinh vi nhưng không phát nổ vì lý do kỹ thuật. Kết quả phân tích ban đầu của Mỹ cho thấy quả bom định sử dụng trong vụ việc ở Detroit có chứa PETN có khả năng gây nổ cao. Hôm 29.12, một quan chức Ả Rập Xê Út lần đầu tiên xác nhận đó cũng là loại chất nổ trong vụ ám sát hụt lãnh đạo cơ quan chống khủng bố của nước này, Hoàng thân Mohammed bin Nayef hồi tháng 8. AQAP cũng đã nhận trách nhiệm trong vụ trên. Tuyên bố cũng gọi Abdulmutallab là “người anh em Nigeria”, và ca ngợi việc nhân vật này “có thể phá vỡ mọi công nghệ hiện đại và phức tạp”. Chính tuyên bố này đang khiến giới điều tra Mỹ lo ngại, nhưng việc xác định liệu Abdulmutallab thực sự có liên hệ và làm theo lệnh của al-Qaeda ở Yemen hay không hiện là thách thức lớn nhất của các nhà điều tra ở Mỹ và Yemen. 

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.