Để ngừa ung thư cổ tử cung

26/12/2008 11:39 GMT+7

Gần đây một số cơ sở quảng cáo “đã có văcxin phòng ung thư cổ tử cung (UTCTC)”. Trước áp lực quảng cáo và thông tin không đầy đủ rất dễ tạo sự ngộ nhận: cứ chủng ngừa đủ ba mũi là yên tâm. Vậy bạn làm gì để phòng ngừa UTCTC? BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - chủ nhiệm bộ môn sức khỏe phụ nữ ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết:

- Hiện có trên 100 type HPV đã được định danh, trong đó có 14 type được xác định là nhóm nguy cơ cao gây UTCTC. Trong nhóm 14 type này, hai type 16 và 18 được xác định “chịu trách nhiệm” khoảng 70% các trường hợp UTCTC ở thế giới cũng như khu vực Đông Nam Á.

Hiện chưa có văcxin ngừa được cho cả 14 type HPV nguy cơ cao mà chỉ ngừa được hai type HPV 16 và 18. Văcxin Gardasil ngừa bốn type HPV 6, 11, 16, 18, nhưng hai type 6,11 thuộc nhóm nguy cơ thấp gây UTCTC, chỉ gây ra mồng gà. Văcxin Cervarix có nghiên cứu bảo vệ chéo với hai type HPV nguy cơ cao là 31, 45 nhưng chưa được các nhà khoa học trên thế giới thừa nhận.

* Như vậy, phải dự phòng UTCTC bằng cách nào?

- Có hai cấp.

Dự phòng cấp 1: ngăn chặn nhiễm HPV ngay từ đầu. Nhiễm HPV mãn tính có thể tiến triển thành tổn thương tiền ung thư (loạn sản) và ung thư. Vậy thì phải tiêm văcxin hoặc... cả đời không quan hệ tình dục, không tiếp xúc tình dục (kể cả quan hệ da qua da). Nhưng tiêm phòng hiện có hai loại văcxin chủ yếu đều là ngừa HPV 16, 18, như vậy chỉ ngừa được 70% các trường hợp UTCTC. Thế còn 30% kia thì sao? Cũng phải làm xét nghiệm tầm soát nhiễm sớm để điều trị sớm.

Dự phòng cấp 2: người đã bị nhiễm cần phát hiện sớm để điều trị sớm, ngăn chặn phát triển thành ung thư xâm lấn. Đối với người đã có gia đình từ ba năm trở lên nên đi xét nghiệm phết tế bào âm đạo cổ tử cung mỗi năm một lần. Nếu như ba lần trong ba năm đều âm tính thì có thể làm ba năm một lần cho đến tuổi 70.

* Xét nghiệm sẽ phát hiện được bao nhiêu phần trăm?

- Người ta thấy cứ làm mỗi năm một lần thì tỉ lệ phát hiện được từ 58-70% , tùy theo việc lấy phết có đúng kỹ thuật và người đọc kết quả có giỏi hay không. Tuy nhiên, diễn biến bình thường từ nhiễm HPV mãn tính qua tổn thương tiền ung thư, rồi đến ung thư thì giai đoạn đó khoảng 10-15 năm. Như vậy mình có 10-15 lần có cơ may phát hiện UTCTC sớm nếu như đi khám, làm xét nghiệm đều đặn mỗi năm.

* Nếu đã tiêm phòng HPV rồi thì có yên tâm?

- Phải khẳng định: phụ nữ còn quan hệ tình dục là còn có thể bị nhiễm HPV.

Dù có tiêm văcxin ngừa HPV nguy cơ cao cũng vẫn phải làm đúng phác đồ: phết tế bào âm đạo cổ tử cung mỗi năm để phát hiện tổn thương tiền ung thư. Nếu ba năm liên tiếp âm tính thì có thể ba năm một lần xét nghiệm cho đến 70 tuổi.

* Vậy BS có gợi ý gì cho phụ nữ?

- Phải tổ chức phết tế bào âm đạo cổ tử cung cho toàn bộ phụ nữ ở thành thị, nông thôn và cả miền núi - mà trong chiến lược chăm sóc sức khỏe sinh sản 2001-2010 Bộ Y tế cũng đã đưa ra.

Đối với dân nghèo thì hướng dẫn để người ta biết cách phòng ngừa. Ví dụ nam bị bệnh mồng gà (tức nhiễm HPV type 6, 11) và có thể nhiễm HPV khác trong nhóm nguy cơ cao, HIV... thì sử dụng bao cao su để phòng bệnh. Trong giáo dục sức khỏe cũng cần hướng tới việc ngăn chặn những yếu tố thuận lợi gây UTCTC như: không quan hệ tình dục sớm, với nhiều người - nhất là những người có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, không sinh đẻ nhiều lần, không hút thuốc lá... Còn đối với những gia đình có khả năng tài chính muốn tiêm văcxin thì cứ tiêm.

Về tuổi tiêm, ở Hoa Kỳ cho phép tiêm từ 9-26 tuổi do có khoảng 50 -70% trẻ trai và gái có quan hệ tình dục ở tuổi 13. Ở VN chưa có một điều tra nào để xác định tuổi này một cách chính xác. Nhưng một vài nghiên cứu sơ bộ ở TP.HCM cũng như ở Hà Nội, tuổi bắt đầu quan hệ tình dục là 15-16. Cho nên ở thời điểm hiện tại khi tiêm văcxin cũng nên tiêm trước tuổi quan hệ. Người ta cũng thấy tiêm văcxin ở tuổi 14-15 thì phản ứng sinh kháng thể mạnh hơn tiêm trễ ở tuổi 25-35.

* Tiêm văcxin phải ba mũi và chỉ bảo vệ được 70% UTCTC trong thời gian bao lâu?

- Theo công bố là khoảng trên 72 tháng nồng độ kháng thể trong huyết thanh không sụt giảm so với năm đầu tiên. Như vậy khả năng còn tồn tại mức kháng thể này có thể lâu hơn, nhưng trong bao lâu hoặc thời gian nào thì phải tiêm nhắc chưa khẳng định được, bởi văcxin chỉ mới được nghiên cứu theo dõi 6-7 năm, còn phải chờ công bố mới của các nhà sản xuất.

* Giả sử một người ở tuổi 40 sắp lấy chồng thì tiêm được không?

- Được chứ. Tuy nhiên ở tuổi lớn thì mức kháng thể sinh ra sẽ không bằng ở tuổi 15-20 .

* Một người 20-25 tuổi, đã quan hệ tình dục, muốn tiêm văcxin có cần xét nghiệm HPV không?

- Không cần xét nghiệm. Tại sao? Vì chỉ một số rất ít đã có quan hệ và bị nhiễm nhóm HPV nguy cơ cao mãn tính. Mà những người đã nhiễm nhóm HPV nguy cơ cao rồi vẫn quan hệ tình dục thì vẫn có thể nhiễm tiếp. Cho nên tiêm sẽ vẫn dự phòng được cho những lần sau này.

* Thưa BS, ở tuổi 45-55 có cần tiêm?

- Ở tuổi 45-55 cho đến 70 ít có quan hệ tình dục thì có thể chỉ cần làm phết tế bào âm đạo cổ tử cung mỗi năm để phát hiện sớm, nếu có tổn thương tiền UTCTC thì điều trị ngay, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Theo Kim Sơn (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.