Khẳng định lại diện mạo Tử Cấm Thành

13/11/2006 22:03 GMT+7

Trung tuần tháng 10.2006 đến tháng 12.2006, Viện Khảo cổ học VN phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh Bình Định tiến hành khai quật khảo cổ học di tích thành Hoàng Đế (huyện An Nhơn) nhằm tiến tới việc phục dựng lại công trình đóng vai trò cực kỳ quan trọng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn.

Từ những cứ liệu thực tế khi bóc tách các bờ tường Tử Cấm Thành, các nhà khảo cổ học đã nhận định bờ tường phía bắc được xây dựng vào thời nhà Nguyễn (sau năm 1802) với ý định thu hẹp lại quy mô không gian cơ mật của chính quyền trung ương Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc từng tạo dựng trước đó. Kiến trúc tường thành xây ở thời Tây Sơn có chất liệu đồng nhất (đá ong), bờ tường cao 2,4 mét gồm các bộ phận: mũ tường, tai tường, thân tường, cổ móng và móng; ngang 1,4 mét được ghép bằng hai lớp đá ong, ở giữa đổ đất nên rất vững chãi. Trong khi đó, nền móng bờ tường Bắc được làm khá đơn giản, kết nối trùng mạch; chất liệu đa dạng: đá ong, gạch Chăm cổ và đá hoa cương.


Thủy hồ hình trăng khuyết nằm bên cạnh điện Bát Giác. Ảnh: Đình Phú

Thành Hoàng Đế thuộc địa phận thị trấn Đập Đá và xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định (cách TP Quy Nhơn hơn 40 km về phía bắc) do triều Tây Sơn xây dựng bằng đá ong, theo hướng bắc - nam, vào năm 1776 trên cơ sở thành Đồ Bàn của Vương quốc Chămpa (1000 - 1471) để lại. Đến năm 1778, chính thức được gọi tên là thành Hoàng Đế. Từ 1776 - 1793, thành là đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn và sau đó là kinh đô của chính quyền trung ương Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Sau khi chiếm lại quyền lực (1802), Gia Long - Nguyễn Ánh đã phá bỏ và thay đổi diện mạo thành. Trên nền cũ của Tử Cấm Thành, nhà Nguyễn xây một khu lăng thờ hai viên quan nhà Nguyễn chết ở đây là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Theo dòng lịch sử, nơi này vừa là kinh đô vừa là dinh trấn của 3 triều đại: Chămpa, Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra hàng loạt dấu tích kiến trúc tiếp nối phía sau bờ tường bắc như nền móng thành lũy, nền chính cung, hậu cung. Bước đầu xác định tổng chiều dài của Tử Cấm Thành lên đến 325 mét (ranh giới cũ là 182 mét), diện tích mở rộng thêm 17.975m2. Tuy thời gian tạo dựng thành Hoàng Đế khá ngắn (từ 1776 đến 1778) nhưng các hạng mục kiến trúc chính yếu đã phát lộ như: Điện Bát Giác, hòn giả sơn, chính cung, hậu cung, thủy hồ hình trăng khuyết được xây quy chuẩn, nằm trên một trục đối xứng có khoảng cách đều nhau.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: "Vương triều Tây Sơn được biết đến với những chiến công chống ngoại xâm, đặt nền móng thống nhất lãnh thổ, hầu hết các công trình kiến trúc thời ấy đã bị tàn phá, mất dấu vết. Những phát hiện mới nhất từ đợt khai quật này đã tạo cơ sở giúp các nhà nghiên cứu phác thảo bình đồ kiến trúc quy chỉnh kinh thành triều Tây Sơn, khẳng định lại diện mạo không gian cơ mật Tử Cấm Thành".


Hòn giả sơn nằm chính giữa điện Bát Giác và chính cung. Ảnh: Đình Phú

Đ.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.