Câu chuyện tin học hóa trong nhà trường

22/11/2010 08:00 GMT+7

Chiến lược giáo dục 2001-2010 đang ở giai đoạn cuối. Nhìn lại 10 năm qua, ngành giáo dục đã có sự phát triển vượt bậc, trong đó không thể phủ nhận sự đóng góp không nhỏ của việc nhanh chóng áp dụng CNTT để đổi mới phương pháp giáo dục và quản lý.

Phòng học vi tính hiện đại hơn phòng…game!

Mới đây, trong hội thảo về đổi mới phương pháp giáo dục, một nhà giáo đã ví von: “Chúng ta đang nhanh chóng hiện đại hóa trang thiết bị giảng dạy và học tập với mục tiêu đảm bảo phổ cập kiến thức tin học cơ sở, chú trọng khả năng truy cập và xử lý thông tin trên mạng cho đội ngũ giảng viên, học sinh sinh viên. Không đâu xa, nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền núi Đông Bắc, Tây Bắc đã có những phòng máy tính hiện đại như những phòng game Internet – nơi đang hấp dẫn đại đa số học sinh sinh viên của chúng ta”.

Trên thực tế, trong 5 năm qua, hệ thống phòng học, phòng thực hành tin học của tất cả các cấp học không ngừng được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại. Tính đến nay, đã có gần 60% trường phổ thông và 100% trường đại học, cao đẳng được nối mạng Internet. Thậm chí, tại nhiều trường THPT, THCS phòng tin học, thư viện điện tử khá hiện đại với hệ thống máy tính, máy chủ đủ khả năng tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Hiệu trưởng Trường TH - THCS- THPT Văn Lang (TP Hạ Long, Quảng Ninh) Vũ Đình Trúc cho biết: “Phòng máy tính của trường thuộc hạng hiện đại nhất, nhì thành phố. Toàn bộ thiết bị được đầu tư mới do Công ty HP Việt Nam tài trợ theo thỏa thuận hợp tác với Sở GD-ĐT Quảng Ninh. Điều này giúp xây dựng thương hiệu cho nhà trường chúng tôi và là yếu tố quan trọng giúp trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp độ cao hơn”.

Ông Đỗ Văn Thuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ thông tin rằng 10 trường trong tỉnh vừa được HP Việt Nam hỗ trợ 200 máy tính chất lượng cao phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Các trường thuộc khu vực miền núi, trường dân tộc nội trú đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn quốc gia sẽ được ưu tiên dùng số máy tính này. Tin học hóa giáo dục đang là mục tiêu hàng đầu của Quảng Ninh và nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, ít nhất 5 năm nữa, nhiều trường trong tỉnh mới đạt được tiêu chuẩn quốc gia.

Học xa nhà vì cần... máy tính

Tại nhiều cấp học trong cả nước, phòng máy tính đã trở thành một phần không thể thiếu trong toàn bộ hạ tầng, cơ sở vật chất của nhà trường. Thậm chí, nó còn đang là lợi thế cạnh tranh giữa trường này với trường kia, giữa khu vực công lập và dân lập. Thực tế, nhiều phụ huynh khi chọn trường học cho con em mình đều đưa tiêu chí tin học hóa nhà trường vào việc ra quyết định. Điều này dễ hiểu vì sao, trong cùng địa bàn ở Hà Nội, trường A nổi tiếng với phòng máy tính hiện đại, đồng bộ luôn quá tải so với trường B dù có phòng học tốt, sân chơi tốt, nhưng phòng máy tính lại thiếu thốn, lạc hậu và chưa có “tín hiệu” đầu tư mới.

Một phụ huynh đang cho con theo học trái tuyến tại một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết, chị chấp nhận cho con học xa nhà hơn, thậm chí là trái tuyến bởi 1 lý do duy nhất, trường cháu học có thư viện điện tử, có phòng máy tính hiện đại trang bị mới đưa vào sử dụng. Gia đình muốn cháu sau này theo nghề của bố, làm kỹ sư CNTT. Vì vậy, phải học ở nơi nào có thể giúp cháu sớm tiếp cận CNTT. Vậy mới thấy sức mạnh và tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong chương trình giáo dục ngày nay.

Đánh giá về công tác tin học hóa trong nhà trường trong những năm gần đây, các chuyên gia cho rằng, nguồn đầu tư từ xã hội hóa tăng lên qua từng thời kỳ đã giúp nhiều trường học ở khắp cả nước có những phòng máy tính hiện đại, thu hút học sinh nghiên cứu, học tập. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì sẽ phải rất lâu nữa các trường học ở khu vực vùng sâu, vùng xa mới có một dàn máy tính hiện đại. Vậy nên cần lắm những nguồn tài trợ từ các tổ chức, các nhà sản xuất như chương trình mà HP Việt Nam đang hợp tác triển khai với Tỉnh Quảng Ninh.

Chúng ta đang hướng tới một giai đoạn phát triển mới của giáo dục. Nói không quá lời, cùng với các tiêu chí khác về giáo dục, thì CNTT là tiêu chí hướng tới hàng đầu ở mỗi cấp học. Và ngành giáo dục cũng đang cố gắng để không cần đến năm 2015 sẽ có 80% giáo viên phổ thông, 100% giáo viên, giảng viên các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học sử dụng thành thạo CNTT và truyền thông vào dạy học. Tất cả vì tương lai của giáo dục Việt Nam.

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.