Bán lẻ thiếu mặt bằng

11/11/2007 23:04 GMT+7

Sự thâm nhập của hàng loạt nhà phân phối trên thế giới càng làm mặt bằng dành cho ngành bán lẻ thiếu trầm trọng. Trong khi nguồn cung chưa có bao nhiêu thì "cầu" về mặt bằng cho ngành bán lẻ lại tăng chóng mặt.

Tỷ lệ lấp đầy 100%

Việc chuyển từ hình thức kinh doanh truyền thống trong ngành bán lẻ sang kinh doanh hiện đại khiến cho nguồn cung không thể theo kịp. Cụ thể, nếu như năm 1995 Việt Nam chỉ có khoảng 10 siêu thị và 2 trung tâm thương mại thì đến năm 2007 con số này đã lên tới 140 siêu thị và 20 trung tâm thương mại. Theo Công ty CBRE, hiện tại ở TP.HCM có 13 trung tâm thương mại với diện tích 140.000m2 mặt bằng kinh doanh bán lẻ nhưng tỷ lệ cho thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại này đều ở mức 99%. Tương tự ở Hà Nội, 100.000m2 mặt bằng cho kinh doanh bán lẻ tại 6 trung tâm thương mại tỷ lệ lấp đầy cũng là 100%.

Việc thiếu hụt trầm trọng mặt bằng kinh doanh bán lẻ này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trước tình hình này, 4 nhà phân phối hàng đầu là Saigon Co-op, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tập đoàn Phú Thái và Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã phải bắt tay nhau thành lập Công ty VDA với nhiệm vụ chuyên đi "lùng" mặt bằng, làm hạ tầng cơ sở sẵn sàng và bàn giao lại cho các công ty này để tiện cho việc mở rộng quy mô. Các nhà kinh doanh bán lẻ quốc tế gần đây đã chọn cho mình giải pháp "nhất cử lưỡng tiện" là thuê lại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại của doanh nghiệp trong nước để cải tạo lại trong khi chờ đợi những mặt bằng có chất lượng hơn.

Cụ thể như Parkson nhảy vào Trung tâm thương mại SaigonTourist; Tập đoàn DairyFarm thuê lại mặt bằng của siêu thị Citimart... Theo một chuyên gia kinh tế, nếu tình trạng này gia tăng sẽ dẫn đến việc các "đại gia" nước ngoài "thôn tính" các thương hiệu trong nước bằng tiềm lực tài chính mạnh của mình. Bằng chứng là mặc dù vào sau nhưng Parkson đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ với người tiêu dùng bằng sự chuyên nghiệp của mình trong việc cung cấp một trung tâm thương mại cao cấp nhất, nhì TP.HCM.

Giá thuê cao nhưng sẽ tiếp tục tăng

Do sự mất cân đối giữa cung và cầu, giá thuê mặt bằng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã đẩy lên rất cao. Cụ thể, theo điều tra của Công ty CBRE, cuối quý 3/2007, giá thuê mặt bằng trung bình tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội và TP.HCM vào khoảng 40 USD/m2. Tuy nhiên, ở những mặt bằng có vị trí đẹp, hoặc khu trung tâm thương mại và tầng trệt ở khu vực quận 1, 3 giá lên tới 200 USD/m2.

Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành dịch vụ kinh doanh bán lẻ Công ty CBRE nhận xét, đây là mức giá chưa từng thấy ở Việt Nam. Mức giá này vẫn thấp hơn so với giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore, Ấn Độ nhưng cao hơn giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Thái Lan, Đài Loan, Indonesia. Vì vậy, ông Richard Leech cho rằng, kinh doanh mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ vẫn rất hấp dẫn.

Nắm được nhu cầu này, hàng loạt trung tâm thương mại đang được khởi công xây dựng như dự án Trung tâm Ciputra Mall tại Hà Nội dự kiến hoàn thành vào năm 2010 với diện tích 130.000m2; dự án Saigon Paragon với diện tích 8.000m2 tại khu Phú Mỹ Hưng, Q.7 (TP.HCM); dự án Asiana Plaza tại Q.1 (TP.HCM) với diện tích 24.000m2... Tính đến cuối năm 2011 sẽ có khoảng 350.000m2 mặt bằng bán lẻ được đưa vào sử dụng tại TP.HCM và 380.000m2 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, con số này vẫn chẳng thấm tháp gì so với nguồn cầu đang ngày một tăng hiện nay. Theo ông Rechard Leech, một khách hàng của Công ty CBRE đã yêu cầu thuê tới 40.000m2 mặt bằng bán lẻ, nghĩa là đã hết tới 1/3 diện tích bán lẻ tại TP.HCM hiện nay và bằng 1/9 diện tích mặt bằng có được tới năm 2011 như dự kiến. Mặc dù mức giá thuê mặt bằng cho kinh doanh bán lẻ hiện nay tại TP.HCM và Hà Nội được coi là khá cao nhưng theo phán đoán của các chuyên gia, mức giá này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, tỷ lệ thuận với nhu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Từ 1.1.2009, các tập đoàn bán lẻ, các đại gia phân phối nước ngoài được phép thành lập công ty kinh doanh bán lẻ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Nguồn cầu về mặt bằng trong lĩnh vực này càng nóng hơn bao giờ hết và đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đón đầu nguồn cầu về mặt bằng bán lẻ khổng lồ này.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.