Cá basa Việt Nam xâm nhập hệ thống Mc Donald

14/11/2005 15:04 GMT+7

Với sản lượng hàng năm 400.000 tấn, cá da trơn ĐBSCL thời điểm này đã đủ khả năng quyết định sự lên xuống của thị trường thế giới. Cộng với sự xuất hiện của dịch cúm gia cầm và bệnh bò điên, con cá Việt Nam gần như không phải lo lắng tới việc tìm đường xuất ngoại. Nhiệm vụ trước mắt chỉ là giải quyết vấn đề dư lượng kháng sinh…

Tuần qua, công ty Agifish An Giang vừa đón tiếp một phái đoàn gồm 2 công ty tiêu thụ thủy sản lớn của Việt Nam, Mazzetta và Amanda. Một trong hai công ty, Mazzetta, chính là nhà cung cấp chính của Tập đoàn thức ăn nhanh nổi tiếng của Mỹ, Mc Donald.

Từ 4 năm nay, Mazzetta đã mua tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, lần này, Mazzetta đến An Giang không chỉ để tìm hiểu về con tôm mà quan trọng hơn: thăm dò khả năng đưa cá da trơn của Việt Nam vào hệ thống nhà hàng Mc Donald.

Anh Jordan Mazzetta, con trai Chủ tịch Tập đoàn Mazzetta cho biết: “Hiện, chúng tôi đang là nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi thấy cá basa Việt Nam rất có tiềm năng tiêu thụ tại Mỹ. Cho dù hiện nay cá basa đang gặp phải vấn đề dư lượng kháng sinh, nhưng tôi tin rằng, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề này. Chúng tôi rất vui khi được tận mắt chứng kiến các bè cá sạch của Việt Nam. Chuyến đi đã giúp hai bên hiểu rõ nhau hơn là chỉ trao đổi qua điện thoại và email”.

Để trả lời câu hỏi về vấn đề dư lượng kháng sinh, các khách hàng Mỹ đã được dẫn đến Liên hợp sản xuất cá sạch - một mô hình nuôi cá tập trung do nhiều chủ bè cá góp vốn. Tất cả các khâu từ cá giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh… đều được kiểm soát nghiêm ngặt. Cá tuy được nuôi trong hồ nhưng nước luôn được lưu thông. Các yếu tố dẫn đến dư lượng kháng sinh trong cá gần như đã được loại bỏ.

Có mặt ở Việt Nam từ 16 năm nay và có một nhà máy chế biến thủy sản lớn, trung bình mỗi năm xuất khẩu 170 triệu USD hàng thủy sản Việt Nam, ông Paul Andriesz rất quan tâm đến mô hình Câu lạc bộ cá sạch của Agifish. 

Theo quan điểm của ông, hiện nay người tiêu dùng càng ngày càng trở nên quan tâm đến thủy sản sạch. Vì vậy mà những gì đang diễn ra tại đây, tại trang trại nuôi cá sinh thái của Agifish, cần phải được nhân rộng tại Việt Nam.

Ông nhấn mạnh, việc Agifish xây dựng được Câu lạc bộ nuôi cá sạch và các thành viên được cấp chứng chỉ SQF là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành công nghiệp thủy sản Việt Nam. 

Mô hình liên hợp cá sạch, trước đó là tôm sạch, chính là mục tiêu của cả ngành thủy sản hiện nay. Khách hàng ngày càng trở nên khó tính, thị trường ngày càng trở nên khắt khe và những yêu cầu mới xuất hiện ngày càng nhiều. Mới đây nhất, các nhà nhập khẩu lớn yêu cầu những công ty như Agifish, nếu muốn ký hợp đồng phải tự lo 100% cá nguyên liệu, chứ không phải thu mua từ nhiều nơi như hiện nay.

Theo ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc công ty Agifish An Giang: “Amada và Mazzetta là những công ty lớn của Mỹ, có thể phân phối hàng vào hệ thống thức ăn nhanh và hệ thống nhà hàng tại Mỹ”.

Như vậy, nếu chúng ta tiếp thị được hàng hóa vào hệ thống này, chúng ta sẽ bán được một sản lượng lớn cá với mức giá có lợi cho bà con ngư dân. Đòi hỏi khắt khe, nhưng ngược lại, chúng ta có thể sẽ có một thị trường hết sức rộng lớn, đáp ứng được sự tăng trưởng của nghề nuôi cá tra, cá basa Việt Nam.

Theo VTV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.