Tiền lệ hay thông lệ?

13/11/2006 23:27 GMT+7

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Ossetia thể hiện rõ ràng mong muốn của người dân ở đây gắn bó với Nga hơn là thuộc về Georgia, nhưng cũng chính vì thế mà làm cho mối quan hệ của Georgia, Mỹ và EU với Nga trở nên phức tạp và trắc trở hơn.

Bản chất câu chuyện này là sự liên quan giữa vấn đề độc lập của Nam Ossetia và Kosovo. Mỹ và EU muốn Kosovo độc lập với Serbia và nếu tổ chức trưng cầu dân ý ở đây thì đương nhiên sẽ có được một kết quả khẳng định điều đó vì người Albania chiếm đa số ở Kosovo trong khi người Serbia chỉ là thiểu số. Nga chẳng mặn mà gì với việc Kosovo độc lập với Serbia, nhưng không ngăn cản Mỹ và EU vì sẽ coi đó là tiền lệ để áp dụng cho trường hợp Nam Ossetia trong khi Mỹ và EU lại không muốn trường hợp Kosovo là tiền lệ và lại càng không muốn tiền lệ đó trở thành thông lệ. Vì thế, Mỹ và EU tuyên bố không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Ossetia với kết quả là hơn 90% cử tri ở đây ủng hộ việc độc lập với Georgia và gắn bó với Nga.

Dù tiền lệ rồi đây vẫn chỉ là tiền lệ hay sẽ trở thành thông lệ thì tương lai chính trị của Nam Ossetia cũng sẽ là hàn thử biểu cho cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Nga với Mỹ và EU ở khu vực này. Chính phủ Georgia lo ngại Nga dùng Nam Ossetia để gây áp lực đối với Georgia và nếu để Nam Ossetia ly khai với Georgia thì rất có thể lây lan hiệu ứng này, thậm chí gây ra một kiểu phản ứng dây chuyền. Mỹ và EU cũng phải lo ngại Nga như thế nào nên mới có phản ứng như vậy về kết quả cuộc trưng cầu dân ý này vì phản ứng đó của Mỹ và EU lại trái ngược với thái độ của họ trong vấn đề Kosovo. Từ đó có thể thấy quy chế chính trị cuối cùng cho cả Kosovo lẫn Nam Ossetia đều chưa thể sớm được định đoạt, lại càng không thể có chuyện hai vấn đề này chẳng có liên quan gì đến nhau. Một khi đã có tiền lệ thì tiền lệ đó dễ dàng trở thành thông lệ.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.